[links()]Công thổ quốc gia đang được chính quyền địa phương “ban phát” một cách vô tội vạ, trái thẩm quyền, gây thất thoát bạc tỷ. Những ví dụ điển hình về tình trạng vi phạm trong công tác quản lý đất đai của Nhà nước, ngay tại Hà Nội.
|
Nhiều khu đất "trơ gan cùng tuế nguyệt" không được sử dụng dù đã được bàn giao từ lâu |
Cho thuê trái luật
Ông Nguyễn An Năm (thôn Trung, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội), cho biết, năm 1985 ông ra làm xưởng mộc ở khu vực đê quai đường 422 thuộc xã Liên Trung nhưng đến năm 1997, UBND xã này ký hợp đồng cho ông và các hộ gia đình, cá nhân khác thuê đất, thời hạn thuê đất 1 năm một. Kể từ đó đến nay, các hộ dân vẫn sử dụng đất ổn định và không xảy ra tranh chấp.
Năm 2001, xã Liên Trung không thu tiền theo dạng hợp đồng nữa mà chuyển sang thu lệ phí sử dụng đất (từ năm 2001– 2004) mỗi năm thu khoảng từ 1 - 2 triệu đồng. Sau đó, xã không thu tiền và cũng không có thông báo gì về việc xâm phạm hành lang đường 422. Như vậy, người dân có được địa điểm kinh doanh này là do có sự đồng ý của UBND xã Liên Trung chứ không phải tự ý lấn chiếm xây dựng trái phép.
Ông Đinh Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng- cho biết, việc xã cho thuê hợp đồng và thu phí ra sao ông không được biết. Tuy nhiên, huyện sẽ sẽ giao cho các phòng ban chức năng xem xét, giải quyết. “Nếu xã có hợp đồng cho thuê như vậy chắc chắn sẽ phải xem xét bồi thường, hỗ trợ theo quy định của UBND thành phố khi bị giải toả” - ông Hạnh nói.
Theo Khoản 2- Điều 37 Luật Đất đai về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thì “UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư”. Như vậy, xã Liên Trung tự ý cho người dân thuê đất chưa được sự chấp thuận của UBND huyện Đan Phượng là việc làm vượt thẩm quyền, vi phạm quy định.
Cán bộ cố ý làm trái
Năm 1992, HTX nông nghiệp Thịnh Liệt đã giao 355,2m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng Cơm Lốc- xã Thịnh Liệt- huyện Thanh Trì- Hà Nội (nay là phường Thịnh Liệt- quận Hoàng Mai- Hà Nội) cho gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của quận Hoàng Mai, thửa đất nói trên của bà Lộc có chức năng là đất ở (theo trích lục bản đồ, thửa đất 355,2m2 của bà Lộc có số thửa là 81, thuộc tờ bản đồ số 37, tổ 20 phường Thịnh Liệt).
Sau đó, Hội đồng xét cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) phường Thịnh Liệt đã họp và thông qua 251 trường hợp xin cấp sổ đỏ, trong đó có hộ ông Bùi Duy Khôi (là con trai bà Lộc) đủ điều kiện được cấp sổ đỏ với thửa đất nói trên với diện tích là 355,2m2 (180m2 là đất ở).
Tuy nhiên, năm 2007, ông Khôi có đơn đề nghị thay người đứng tên chủ sở hữu thửa đất số 81cho bà Lê Thị Hồng Ái (Ba Đình, Hà Nội), nội dung đơn được Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt Bùi Thanh Nhã ký xác nhận, đề nghị Phòng TN&MT- UBND quận Hoàng Mai xem xét, giúp đỡ.
Sau đó, Phòng TN&MT có tờ trình gửi UBND quận Hoàng Mai và bà Ái được quận này ra quyết định cấp sổ đỏ cho 180m2 đất ở và 175,2m2 đất vườn, ao; đồng thời bà Ái phải nộp 50% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ của 180m2 đất ở. Tiếp đó, Phòng TN&MT tiếp tục đề nghị UBND quận Hoàng Mai và quận này “đồng ý” để bà Ái không phải nộp 50% tiền sử dụng đất, chỉ phải nộp lệ phí trước bạ của 180m2 đất ở và được nhận sổ đỏ.
Theo kết luận thanh tra số 02 của quận Hoàng Mai, việc Phòng TN&MT căn cứ vào đơn xin xác nhận của ông Khôi để tham mưu UBND quận cấp sổ đỏ, điều chỉnh mức thu tài chính đối với việc cấp sổ cho bà Ái “là việc làm sai nguyên tắc” bởi, đơn của ông Khôi không thuộc giấy tờ trong hồ sơ xin cấp sổ đỏ và không có giá trị thay thế Biên bản của Hội đồng xét cấp GCNQSDĐ phường Thịnh Liệt.
“Đây là việc làm lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, đã làm thất thu của Nhà nước số tiền là: 1 tỷ 170 triệu đồng” - kết luận nói rõ.
Công thổ quốc gia cho thuê vô tội vạ
Trong khi đó, tại huyện Hoài Đức, công thổ quốc gia lại được ông Nguyễn Chí Hải - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Hạ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - giao vô tội vạ, trái thẩm quyền hàng nghìn mét vuông đất.
Lãng phí 100.000 tỷ đồng/năm Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích nhà, đất rất lớn, lên tới 1,5 tỷ m2, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2, bằng khoảng 80% diện tích. Tuy nhiên, tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, thậm chí bỏ không... vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Theo tính toán của Cục Quản lý công sản, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc phải sử dụng đất hiệu quả thì mỗi năm ngân sách Nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD (tương đương 100.000 tỷ đồng/năm). |
Theo đó, trước năm 1993, có 14 hộ dân của xã này được cấp đất giãn dân với diện tích mỗi hộ 170m2 (chiều rộng 7m, chiều dài từ tim đường 72 trở vào là 29m). Nhưng đến ngày 25/5/2012, ông Nguyễn Chí Hải cùng ông Hoàng Quốc Vinh - Trưởng ban kiểm soát HTX - chủ trì một cuộc họp và đi đến một quyết định “giao” thêm cho mỗi hộ dân khoảng 90m2 với hình thức cho thuê thầu 3 năm (như vậy, chiều dài thửa đất được kéo dài thành 45m).
Điều đáng nói, phần giao thêm này là kênh tưới tiêu cho đồng lúa và thoát nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân. Ngay sau khi buổi họp kết thúc, một số hộ dân đã lấp kênh xây tường rào. Theo các văn phòng giao dịch bất động sản nằm ven đại lộ Thăng Long, hiện nay giá đất mặt đường 72 là khoảng 20 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu được hợp thức hóa, số tiền từ mỗi lô đất lên đến gần 2 tỷ đồng.
Không chỉ giao đất trái thẩm quyền, cũng trong tháng 5/2012, ông Hải lại cùng một số lãnh đạo HTX An Hạ ký hợp đồng cho thuê 3000m2 đất với một công dân của xã này để trồng cây và tập kết vật liệu xây dựng.
Theo đó, thời hạn cho thuê đất là 3 năm; giá thuê đất cũng được tính không theo một quy chuẩn nào: 2000m2 trồng cây hoa màu giá thuê trên 3,6 triệu đồng/năm; còn phần 1000m2 để vật liệu xây dựng thì lại thu 1000 đồng/m2/tháng. Bên thuê còn được ưu ái hỗ trợ cải tạo đất gần 5 triệu đồng.
Nghiêm trọng nhất là hợp đồng cho thuê đất để xây dựng trạm trộn bê tông vào năm 2008. Khi đó ông Hải với tư cách là Chủ nhiệm HTX đã cho một doanh nghiệp thuê tới trên 8000m2 đất nông nghiệp. Ghi nhận cho thấy, hiện nay trạm trộn bê tông nói trên vẫn hoạt động bình thường…
PVKT