“Làn sóng” thu giữ tài sản để... siết nợ
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) vừa ra thông báo về việc thu giữ tài sản thế chấp là bất động sản tọa lạc tại 1/229 Khu Biệt thự Phú Gia H21, 22, 27, 28 số 1 Hà Huy Tập, P.Tân Phong, Quận 7, TP.HCM. Thời gian thu giữ các tài sản bảo đảm trên là vào ngày 1.11 tới.
Theo Maritime Bank, căn cứ để nhà băng này thu giữ các tài sản trên là dựa vào Nghị quyết số 42/2017/QH14 về Thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng; Căn cứ các Hợp đồng tín dụng số 271/2013/CVCN/MSBBC và số 218/2013/CVCN ngày 17.12.2013, Hợp đồng thế chấp nhà ở và quyền sử dụng đất số 271-1/2013/BĐ/MSBBC giữa Maritime Bank và khách hàng là ông Lê Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Ngọ.
“Căn cứ thực trạng dư nợ quá hạn của khoản vay của ông Lê Anh Tuấn và bà Lê Thị Ngọ tại Chi nhánh Đô Thành theo các hợp đồng tín dụng từ năm 2013, Maritime Bank sẽ thu hồi toàn bộ nợ gốc, nợ lãi và nợ quá hạn của ông Tuấn và bà Ngọ. Đồng thời cũng sẽ thu giữ tài sản thế chấp là bất động sản nêu trên theo quy định của pháp luật”, đại diện Maritime Bank thông tin.
Ngoài Maritime Bank, từ khi Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực (ngày 15.8), hàng loạt các ngân hàng khác cũng vào cuộc xử lý nợ xấu bằng cách thu giữ tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vào ngày 21.9 đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là Trạm biến áp tại Hải Phòng (thuộc tài sản của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô). Lý do là công ty này đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với Agribank.
VietinBank ngày 20.9 cũng ra thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của ông Cung Minh Sơn và bà Lê Thị Bích Ngọc (Hà Nội). Đây là món nợ quá hạn 5 năm với dư nợ gốc hơn 6,3 tỷ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt hơn 5,2 tỷ đồng, đồng thời tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng 92m2đất ở và các tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ ngõ 282/25, tổ 25, P.Đại Kim, Q.Hoàng Mai, Hà Nội.
Hoặc, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức do các cá nhân và tổ chức này đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Trước đó, VAMC cũng tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại Sacombank. Tuy nhiên, giải thích với báo giới, Sacombank cho rằng không phải ngân hàng này siết nợ nhóm công ty Hoàn Cầu mà do khách hàng tình nguyện chuyển giao tài sản đảm bảo cho Sacombank. Khoản nợ đã được Sacombank bán cho VAMC và VAMC được quyền thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu.
Vừa làm vừa chờ... thông tư hướng dẫn?
Theo báo cáo của VAMC, hiện có 6 ngân hàng được thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đó là Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank. Việc mua bán nợ được thực hiện theo cơ chế và giá thị trường kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực nên đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho cả VAMC và các ngân hàng trong việc xử lý các khoản nợ xấu, nhất là các nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Hiện, VAMC đang rà soát danh sách các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã gửi cho công ty và khả năng từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm 35.000 - 40.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản là bất động sản để “siết nợ”, đa số các ngân hàng đều cho biết mới chỉ vừa thu giữ tài sản, vừa nghe ngóng tình hình tại các ngân hàng khác cũng như tại VAMC chứ chưa thật sự quyết liệt, rốt ráo. Phó giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho rằng, việc thu giữ tài sản bất động sản để thu hồi nợ xấu thường rất khó và đa phần là phải ra tòa, đây là việc mà các ngân hàng rất ngại do thủ tục phức tạp, mất thời gian… Do đó, giải pháp thương lượng với khách hàng luôn là lựa chọn ưu tiên của các ngân hàng. Trong trường hợp này, đa phần là ngân hàng buộc phải chấp nhận giảm một phần lãi phạt, thậm chí giảm gần như toàn bộ lãi phạt cho khách hàng để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và thu hồi nợ.
“Dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, nhiều gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng. Nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở vì Hiến pháp đã quy định về quyền có chỗ ở của công dân. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý”, vị phó giám đốc này than thở.
Liên quan đến việc thu giữ tài sản của các ngân hàng, Luật sư - Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hiện NHNN đang soạn thảo Thông tư quy định chi tiết thực hiện Nghị định 42 nên chắc chắn thời gian tới sẽ có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quyền thu giữ tài sản của ngân hàng. Tuy nhiên, ông Tín cũng lưu ý, muốn đạt hiệu quả tốt nhất thì cần phải có một Thông tư liên tịch giữa NHNN, Tòa án, Bộ Công an, Viện Kiểm sát và một số bộ ngành khác quy định chi tiết, cụ thể về sự phối hợp giữa các bên liên quan để có thể giải quyết triệt để các vấn đề theo tinh thần của Nghị quyết 42...
Mở đầu cho "làn sóng" thu giữ tài sản để xử lý nợ theo Nghị quyết 42 là việc VAMC (Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng) đã thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM vào cuối tháng 8. Trước khi thu giữ dự án cao ốc này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều nhà băng để đầu tư vào dự án...