Kịp thời đưa ra giải pháp
2 ngày sau khi ban hành Công văn 541/NHNN-TD ngày 4/2/2020 “Về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra”, ngày 6/2/2020, NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch nCoV với sự tham gia của 21 NHTM có dư nợ cho vay lớn trong nền kinh tế.
Tại Hội nghị này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tinh thần của Thủ tưởng Chính phủ “chống dịch như chống giặc” và cho rằng muốn “chống giặc” thì phải khẩn trương, toàn tâm toàn sức có những hành động quyết liệt, cụ thể.
Theo Lãnh đạo NHNN, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh (SXKD) của người dân, DN, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistic, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.
Để tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng phục vụ SXKD trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh, NHNN yêu cầu các NHTM chủ động nắm bắt tình hình SXKD, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định hiện hành.
Mặt khác, phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.
“Các đơn vị trong toàn Ngành chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phân tích, đánh giá, dự báo tác động, đưa ra giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn, tham mưu kịp thời Ban Lãnh đạo có biện pháp chỉ đạo...”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú giao nhiệm vụ.
Đồng thời ông Tú yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nghiên cứu, chỉ đạo các NHTM tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ DN, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV gây ra; Chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này. Trong đó bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.
“Toàn hệ thống Ngân hàng cần vào cuộc, mỗi đơn vị liên quan cần có hành động cụ thể trong việc phòng, chống và hỗ trợ DN, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV gây ra, đó là trách nhiệm của ngành Ngân hàng với cộng đồng xã hội…” - Phó Thống đốc NHNN đề nghị.
Đại diện NHNN cũng cho rằng thanh khoản của các NHTM hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Mặt khác, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
“Do vậy, các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các NHTM giảm lãi suất, hỗ trợ DN, người dân…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cam kết.
Chung tay chia sẻ…
Ngay trong thời điểm diễn ra Hội nghị, VPBank đã phát đi thông điệp sẽ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm với điều kiện khách hàng đáp ứng được một số điều kiện nhất định như: Thuộc các ngành, lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng và tác động của dịch nCoV, các DN có thị trường xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu tại thị trường Trung Quốc nói trên; có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp, tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch, có lịch sử vay trả đúng hạn, là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục với VPBank trong thời gian qua… (tùy theo mức độ ảnh hưởng của từng DN, từng ngành và lĩnh vực SXKD).
Ngoài việc hỗ trợ về chính sách giảm lãi suất cho vay, đại diện VPBank cho biết, ngay từ những ngày đầu làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết, VPBank đã chủ động tới tận DN để thăm hỏi và tìm hiểu, đánh giá tác động của dịch nCoV tới hoạt động SXKD của DN, qua đó, cùng trao đổi và tìm giải pháp kịp thời để khắc phục các khó khăn như giãn nợ, cấu trúc nợ. Ước tính, tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 DN và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Đóng đô tại Rạch Giá (Kiên Giang), nơi nhiều DN, người dân trồng cây trái đang bị thiệt hại do nCoV, Kienlongbank cũng nhanh chóng phát đi thông điệp sẽ áp dụng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây: Thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian áp dụng giảm lãi suất từ ngày 01/02/2020 đến 30/4/2020.
Trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi SXKD trong thời gian tới. Thông qua Chương trình này, Ngân hàng này mong muốn góp phần nhỏ, chung tay cùng khách hàng tiết giảm chi phí, ổn định sản xuất, nhanh chóng vượt qua khó khăn trước mắt và tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Danh sách các NHTM cam kết đồng hành với khách hàng trong đại dịch đang tiếp tục dài thêm…