Ảnh minh họa |
Lãi suất ngày, tuần bị "siết"
Theo Thông tư mới ban hành, lãi suất tối đa bằng VND với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng mà các TCTD được áp dụng là 6% một năm. Riêng các kỳ hạn từ một tháng trở lên, mức tối đa là 14% một năm đối với tổ chức tín dụng và 14,5% một năm đối với quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Các mức lãi suất này áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
Văn bản mới có hiệu lực thay thế cho quy định ban hành hồi tháng 3 (Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011). Trong văn bản cũ, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định mức lãi suất đối với kỳ hạn tháng, tối đa là 14% đối với TCTD và 14,5% một năm với quỹ tín dụng nhân dân.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng VND tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NHNN; Nghiêm cấm TCTD khi nhận tiền gửi thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật và Thông tư này. Đồng thời yêu cầu cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, TP trực thuộc TW tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về mức lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với tổ chức tín dụng vi phạm quy định tại Thông tư này.
Để cạnh tranh trong bối cảnh lãi suất huy động vốn bị khống chế ở mức tối đa 14%/năm, một số ngân hàng đã nghĩ ra những kỹ thuật “nông” trần lãi suất này lên quá 14% mà không bị vi phạm. Thực tế, có ngân hàng đã huy lãi suất ngày 14%/năm, số tiền lãi sau mỗi ngày được nhập và khoản tiên gốc và tiếp tục tính lãi, cứ như vậy theo quy luật “lãi mẹ đẻ lãi con” và đến hết tháng, thực tế lãi suất kỳ hạn ngày lên tới 15,024%/năm. Trong Thông cáo báo chí phát đi của NHNN, NHNN cũng cho rằng việc có một số TCTD huy động kỳ hạn rất ngắn (24 giờ, 2 ngày, 1 tuần, 2 tuần) với mức lãi suất tối đa 14%/năm, ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện Chỉ thị số 02/CT-NHNN, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho TCTD huy động vốn và hệ thống ngân hàng.
Nếu như quy định mới khiến các ngân hàng lớn mỉm cười mãn nguyện vì chẳng phải làm gì vẫn hút được tiền gửi thì các ngân hàng nhỏ “méo mặt” bởi khi không cạnh tranh được bằng lãi suất thì đương nhiên dòng tiền sẽ đổ về các ngân hàng lớn, nhất là ngân hàng có “dính” đến “mác” nhà nước. “Cứ bảo phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ song tâm lý người gửi tiền cần nhất là sự an toàn!”- một chuyên gia bình luận.
Từ chối bình luận quy định mới, lãnh đạo một Ngân hàng TMCP cho rằng các ngân hàng nhỏ sẽ khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc phải nỗ lực hơn. Tuy nhiên nỗ lực như thế nào, vẫn là điều các ngân hàng đang nỗ lực…tìm kiếm.
Nhằm ổn định thị trường tài chính thông qua việc loại bỏ hoặc cải thiện tình hình kinh doanh của các ngân hàng, mới đây Ủy ban giám sát tài chính Hàn Quốc ra lệnh đình chỉ hoạt động 7 ngân hàng tiết kiệm trong nước, đã có khoảng 33 nghìn khách hàng cá nhân của các ngân hàng này phải chịu thiệt hại về tài chính khi chỉ được nhận lại số tiền theo quy định của Luật bảo vệ người gửi tiết kiệm.“ Đừng để thóc ở một bồ lớn”- một chuyên gia bình luận.
Ngân hàng “tố” nhau: Cần được động viên NHNN vừa chính thức lên tiếng về việc thời gian qua một số bài báo phân tích bình luận việc các NHTM phát hiện giúp cho NHNN xử lý nghiêm khắc những vi phạm trong huy động lãi suất vượt quá 14% theo hướng phê phán, cho là hành vi chơi xấu của các ngân hàng. Theo đó, NHNN ủng hộ việc phát hiện sai phạm và cho rằng không nên xem đây là hành vi chơi xấu của các NHTM mà nên coi đó là cách tích cực phát hiện sai phạm, các cơ quan báo chí cần ủng hộ, động viên những ngân hàng tích cực phát hiện sai phạm. |
Hiểu My