’Ngân hàng Nhà nước không chịu sức ép sửa Thông tư 13’

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lý giải Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh  Thông tư 13 về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng không phải vì nhượng bộ mà thể hiện sự cầu thị với phản ứng của thị trường.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lý giải Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh  Thông tư 13 về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng không phải vì nhượng bộ mà thể hiện sự cầu thị với phản ứng của thị trường.

Thông tư 13 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 20/5 và có hiệu lực từ 1/10 với mục tiêu nâng cao hơn nữa các quy định bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và tiệm cận dần với tiêu chuẩn thế giới. Tuy nhiên một số điểm trong thông tư không được giới tài chính ngân hàng chào đón với lý do vượt quá khả năng đáp ứng hiện nay, đặc biệt là quy định về nguồn vốn được dùng để cấp tín dụng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cũng như hệ số rủi ro với các khoản cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Sau khi có phản hồi từ Hiệp hội Ngân hàng và yêu cầu của Thủ tướng, cuối giờ làm việc ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19 chỉnh sửa một số điểm trong Thông tư 13.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Nhật Minh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Nhật Minh

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Đề nghị Thống đốc cho biết lý do Ngân hàng Nhà nước đồng ý chỉnh sửa Thông tư 13?

- Chính sách tiền tệ bao giờ cũng phải đảm bảo 3 vấn đề: ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo an toàn hệ thống cũng như an toàn hệ thống thanh toán; từ đó, góp phần ổn định tăng trưởng, hạn chế lạm phát. Cũng như các văn bản đã ban hành từ nhiều năm trước, Thông tư 13 không ngoài mục đích giữ vững an toàn cho cả hệ thống ngân hàng, một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu bùng phát.

Trước và trong quá trình xây dựng thông tư này, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hội thảo, nghe nhiều ý kiến phản biện từ các chuyên gia, thành viên Hiệp hội Ngân hàng; đồng thời, gửi dự thảo cho các ngân hàng thương mại từ rất sớm. Thông tư ban hành 20/5 nhưng đến 1/10 mới có hiệu lực. Ngân hàng Nhà nước còn đề nghị các ngân hàng áp dụng thử các tỷ lệ mới và báo cáo tình hình.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định chỉnh sửa, không phải vì nhân nhượng trước áp lực nào, mà do chúng tôi nhận thấy trong văn bản còn một số điểm bất cập. Còn bất cập thì phải sửa. Trước hết là một số bất cập về câu chữ. Mặt khác, một số chuyên gia tâm huyết trong ngành lưu ý Ngân hàng Nhà nước khi áp dụng cái mới, nhạy cảm thì phải làm sao đó để trôi chảy hơn, không gây sốc. Chính phủ cũng đã có ý kiến yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu lại một số góp ý về mặt kỹ thuật của Hiệp hội Ngân hàng.

- Tại sao Ngân hàng Nhà nước chỉ chọn lựa điều chỉnh một số điểm trong Thông tư 13, mà không sửa theo kỳ vọng của giới tài chính ngân hàng?

- Dư luận cho rằng một số tiêu chuẩn trong trong Thông tư 13 quá khắt khe, nhưng thực tế hệ số rủi ro với các khoản cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản đã có từ trước. Tỷ lệ an toàn vốn cũng không mới, yêu cầu 8% hiện nay được đưa ra từ lâu và đã có quy định rất rõ đây là mức tối thiểu, tức là các ngân hàng phải dự trù trên hoặc ít nhất là bằng như thế. Giờ đây nhiều ngân hàng đã đáp ứng được tỷ lệ mới 9%. Số khác đã có lộ trình tăng vốn điều lệ. Những trường hợp có khó khăn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc cụ thể.

Việc sửa đổi Thông tư 13, tuy ít nhưng có ý nghĩa rất lớn. Chẳng hạn quy định "cấp tín dụng so với nguồn huy động" được đổi thành "cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động", tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại sử dụng phần vốn còn lại như vốn chủ sở hữu, vốn tự có vào mục đích tín dụng, nếu luật không cấm.

Một nội dung sửa đổi quan trọng khác là “tiền gửi kho bạc”. Trong Thông tư 13 phần này không được tính vào nguồn vốn được dùng để cấp tín dụng, bởi đây là nguồn tiền gửi rất lớn nhưng chỉ mang tính tạm thời, không kỳ hạn và thường xuyên biến động mạnh. Tuy nhiên, số dư tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại kho bạc hiện lớn quá, tới 57.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nếu không cho dùng, có thể gây biến động về thanh khoản. Vì vậy Thông tư 19 đã điều chỉnh cho phép các ngân hàng được dùng số vốn này. Nhưng dù thế nào thì cũng phải đặt lộ trình đưa nguồn tiền này ra khỏi nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng, dù trước mắt thì chưa thể thực hiện. Nên nhớ, tết năm vừa rồi, cũng vì tiền gửi kho bạc rút đột ngột mà thị trường bị căng thẳng thanh khoản.

Liên quan tới tiền gửi thanh toán, Thông tư 13 không cho phép cơ cấu vào nguồn cấp tín dụng. Nếu làm như vậy cũng là bài toán khó, vì thực tế có nhiều lúc tiền gửi thanh toán chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng nguồn. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho phép ngân hàng sử dụng 25% tiền gửi thanh toán làm nguồn cấp tín dụng. Nhưng phải hiểu đây là một tỷ lệ rất nhạy cảm, đòi hỏi khả năng quản trị và tính tự giác của mỗi ngân hàng. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giám sát việc này từng ngày từng tháng.

- Từ chỗ không cho phép ngân hàng sử dụng tiền vay của ngân hàng khác để cấp tín dụng như Thông tư 13, khi ban hành Thông tư 19, Ngân hàng Nhà nước lại cho phép sử dụng với các khoản kỳ hạn 3 tháng trở lên. Liệu việc sửa đổi này có quá thoáng và đi ngược lại chủ trương hiện nay là hạn chế sử dụng vốn từ thị trường liên ngân hàng để cho vay với nền kinh tế?

- Tôi không nghĩ cho phép các ngân hàng làm như vậy là quá thoáng. Ngân hàng Nhà nước đã tính toán rất tỉ mỉ về vấn đề này. Việc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng lâu nay chỉ là để bù đắp thiếu hụt tạm thời và đảm bảo các tỷ lệ an toàn. Nhưng có ngân hàng đã lạm dụng việc vay mượn này để cấp vốn cho nền kinh tế với tỷ lệ lên tới cả trăm phần trăm.

Khi sửa Thông tư 13, Ngân hàng Nhà nước vẫn chủ trương hạn chế tình trạng lạm dụng vốn thị trường hai. Với những ngân hàng quản trị tốt, sau khi đã đảm bảo đủ các tỷ lệ an toàn, nếu thừa vốn để cung ứng cho một số ngân hàng khác có điều kiện mở rộng thị trường thì được phép cho vay, nhưng chỉ cho vay các khoản có kỳ hạn 3 tháng trở lên.

Cũng không nên kỳ vọng sẽ bùng phát tín dụng. Kể cả có cho như vậy cũng không lớn quá. Bởi thực tế tiền gửi kỳ hạn 3 tháng trở lên hiện mới chiếm 44% giao dịch trên thị trường, tương 11.000 tỷ đồng.

- Một kết quả khảo sát công bố gần đây cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng và họ than vẫn phải vay với lãi suất cao, có trường hợp tới trên dưới 17%. Thống đốc nói gì về việc này?

- Năm 2010, ở thời điểm cao nhất, bình quân lãi suất cho vay trên toàn hệ thống là 13,97%. Tới thời điểm 25/9 theo báo cáo của các ngân hàng, con số này còn 13,27%. Mặt bằng như vậy không phải quá cao so với thời kỳ kinh tế vĩ mô ổn định. Chẳng hạn 2006, bình quân lãi suất cho vay lúc đó là 12,92% và 2007 là 13,02%.

Dĩ nhiên doanh nghiệp sẽ có cảm giác như vậy vẫn cao so với năm ngoái, và cao so với mặt bằng thế giới. Nhưng năm ngoái là thời gian chúng ta triển khai hỗ trợ lãi suất. Còn trên thế giới, mỗi nước tùy vào điều kiện kinh tế của mình mà định ra lãi suất phù hợp. Họ lạm phát chỉ 1-2%, thậm chí còn âm, thì làm sao lãi suất cao được.

Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước luôn mong muốn đưa lãi suất về mức như thời kỳ bình thường và đang thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ.

Việc phải vay với lãi suất tới 17%, chắc là có nhưng không phải hiện tượng phổ biến. Phải xem xét kỹ đó là đối tượng khách hàng nào và ngân hàng có lý do để cho vay như vậy. Thậm chí tôi còn nghe có nơi cho vay tiêu dùng tới 19%. Nhưng các trường hợp đó là cá biệt, vì ngân hàng cho vay con căn cứ vào tín nhiệm của doanh nghiệp, tính khả thi, an toàn của dự án. Nếu ai cũng phải vay cao như vậy thì làm sao có mức bình quân toàn hệ thống là 13,27%.

Tính tới 27/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 19,27%, nhiều khả năng hết tháng có thể đạt 19,5%. Trong khi đó dư nợ tín dụng phi sản xuất hiện là 385.000 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 18,2%, còn thấp hơn cả tốc độ chung. Các đối tượng cần ưu tiên cho vay là xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu hết đều tăng trên 19%. Như vậy là hài hòa, nếu xét tới chỉ tiêu cả năm là 25%. Dĩ nhiên một mình ngân hàng không thể đáp ứng đủ hết vốn cho toàn bộ nền kinh tế, mà phải cân đối với các nguồn lực khác.

- Liệu kỳ vọng hạ lãi suất có thành hiện thực khi mà có nhiều trở ngại, đặc biệt là nguy cơ lạm phát tăng cao cuối năm?

- Thời gian vừa qua cũng có một số cái khó. Mặc dù đã có sự phối hợp rất tốt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhưng do nhu cầu của nền kinh tế, chúng ta phải phát hành một lượng trái phiếu cực lớn với lãi suất cao. Cũng đã có ý kiến nói việc làm này sẽ khiến lãi suất khó xuống, vì ngân hàng thương mại có chỗ để dịch chuyển đồng vốn an toàn mà vẫn có lãi cao.

Trong khi đó, ngân hàng hiện không còn độc tôn trong việc huy động vốn, mà đang bị cạnh tranh bởi các kênh như bất động sản, chứng khoán, hàng hóa, ngay bản thân doanh nghiệp cũng phát hành huy động vốn trên thị trường. Cạnh tranh như vậy sẽ ảnh hưởng tới chi phí vốn.

Tuy nhiên, chúng tôi tin mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt bằng các công cụ của mình. Hiệp hội Ngân hàng cũng có vai trò trong việc tạo đồng thuận giữa các thành viên để hạ dần lãi suất. Nhưng quan trọng nhất là tính cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng. Họ cũng phải tìm kiếm và giữ chân khách hàng tốt. Có ngân hàng cho biết họ đã cho vay khách hàng nhóm A chỉ với lãi suất 11,5%. Cạnh như vậy sẽ khiến lãi suất giảm xuống.

Về nguy cơ lạm phát những tháng cuối năm, tôi tin nếu chúng ta giải quyết vấn đề nguồn hàng tránh mất cân đối sẽ ổn. Trên thế giới, hiện chưa có cảnh báo nào của IMF về nguy cơ biến động giá cả từ nay tới cuối năm.

Song Linh

VnExpress

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.