Mấy ngày qua, các ngân hàng (NH) liên tiếp bung ra nhiều chương trình cho vay với những tên gọi rất thiện cảm hướng tới hỗ trợ, đồng hành, chung sức… cùng doanh nghiệp (DN). Tổng cộng cũng có đến hàng chục chương trình, với số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay mà các NH gọi là ưu đãi.
Nhìn trực diện thì đây quả là một động thái tích cực của các NH đúng vào lúc các DN đang ở đỉnh điểm khó khăn. Và như thế, có vẻ như đúng ngân NH là người bạn đồng hành của DN. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế lãi suất của suốt thời gian qua và sâu hơn là nguyên nhân dẫn đến khó khăn của nhiều DN hiện nay, thì NH chưa hẳn đã tròn vai là người bạn đồng hành của DN.
Ảnh minh họa. |
Trong các chương trình ưu đãi hiện nay của NH, lãi suất thấp nhất khoảng 15%, các lãi suất thông thường khác khoảng từ 16 – 18%. Với trần lãi suất huy động 12% thì mức cho vay 15% xem ra là hợp lý, vì thông thường khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khoảng 4% được cho là một mức hợp lý.
Trên thực tế, dù nhiều chương trình ưu đãi nhưng DN vẫn tỏ thái độ chưa hào hứng và chờ xem. Đơn giản, họ hiểu muốn tiếp cận những mức lãi suất hấp dẫn đó phải có rất nhiều điều kiện ngặt nghèo mà đa số DN sẽ không đáp ứng được. Vì thế, nói như giám đốc một DN là: “đừng tưởng thế mà ngon ăn”. Bởi theo vị doanh nhân này, 15% trong thời điểm hiện nay là một mức mơ ước, nhưng đó mới chỉ là cái lãi suất ròng thôi, còn đằng sau đó là hàng loạt khoản phí, các chi phí khác… nên lãi suất thực DN phải trả đã lên đến 17 – 18% là chuyện thường.
Đó là với mức lãi suất ưu đãi nhất hiện nay, còn phổ biến lãi suất vẫn ở mức khoảng 17 – 18%, theo nhiều DN thì vẫn còn quá sức chịu đựng. Trong tình cảnh hiện nay, việc kiếm được lợi nhuận đủ trả lãi NH là quá khó. Lãi suất hiện nay đã giảm so với thời điểm trước 2 – 5% mà DN vẫn còn kêu khó thì mới hiểu được cái cảnh bị khốn khó mà DN đã phải chịu suốt hơn một năm qua.
Lãi suất trong hơn một năm luôn ở mức 20 và thậm chí trên 20%. Đây có thể xem là mức lãi suất khủng khiếp nhất thế giới. Với lãi suất đó thì đến cả những ngành kinh doanh siêu lợi nhuận như bất động sản cũng lao đao. Những con số về hàng chục ngàn DN phá sản với lý do hàng đầu là kinh tế khó khăn, lãi suất quá cao đã nói lên tất cả, dù những con số công bố mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Đi kèm với mỗi khoản vay là các khoản phí, dịch vụ khác, vì thế mới có nghịch lý: kết thúc năm 2011, khi hàng loạt DN nợ nần, phá sản, cổ phiếu lao dốc, thảm cảnh hàng trăm ngàn DN không có tiền thưởng Tết, người lao động không đủ tiền mua vé về quê… thì các NH vẫn hoan hỉ công bố những khoản lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng.
Đã thế, khi kinh tế khó khăn, DN phá sản nhưng từ cuối năm 2011, Chính phủ đã nhiều lần đề xuất giảm lãi suất để hỗ trợ DN, nhưng lộ trình giảm lãi suất liên tục bị đình hoãn. Lý do đầu tiên đưa ra là lạm phát giảm chưa ổn định và bền vững đã không còn phù hợp, các NH liền “lật bài ngửa” thêm một điều kiện nữa là thanh khoản khó khăn. Vì thế, việc giảm lãi suất đã kéo dài đến tận tháng 3 mới thực hiện được, bất chấp nhiều lần Chính phủ yêu cầu và phớt lờ kêu ca của DN.
Thanh khoản của NH khó khăn trước hết là do chính các NH chạy theo lợi nhuận, bỏ rơi kiểm soát an toàn hệ thống… Thế nhưng, khi một số NH đứng trước nguy cơ mất thanh khoản, thì vấn đề đó xem ra lại được chú trọng hơn đối với sự sinh tồn của hàng ngàn DN mà đằng sau họ là hàng triệu người lao động.
Tuấn Vũ