Ngăn chặn hiệu quả hàng lậu
Ông Đặng Văn Ngọc, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động kiểm soát nghiệp vụ, trong đó xác định ngăn chặn hàng lậu qua Lạng Sơn vào sâu nội địa là một trong những nhiệm vụ lớn của Cục.
Trong đó, phương án được thực hiện quan trọng nhất là tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua địa bàn phụ trách. Do đó, Cục QLTT Lạng Sơn đã có nhiều văn bản đề nghị các đội tăng cường các công tác kiểm soát xe vận chuyển người và hàng hóa qua địa bàn.
Theo đó, các đội đều đã cử cán bộ công chức tham gia vào các đội liên ngành để dừng, đỗ, kiểm soát các xe lưu thông trên địa bàn các huyện. Đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, có nhiều xe kiểm tra xuất trình đầy đủ hóa đơn đi kèm với hàng hóa trên xe nhưng do số hàng hóa này bị nghi ngờ nhập lậu, các đội QLTT vẫn tiến hành lập biên bản tạm giữ hàng hóa và tiến hành kiểm tra các nguồn theo quy định. Có xe có đầy đủ hóa đơn nhưng nguồn gốc hàng hóa bị nghi ngờ nên bị tạm giữ khá lớn.
Cụ thể, mới đây, Đội QLTT số 8 tiến hành kiểm tra xe ô tô khách biển kiểm soát 98B-027.94 do lái xe Dương Văn Hiền, sinh năm 1989, địa chỉ xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là người điều khiển phương tiện. Tại thời điểm kiểm tra ông Hiền có xuất trình một tờ hóa đơn bán hàng tương ứng với tổng số 11 loại hàng hóa đã kiểm tra như dụng cụ cuốn nem, tủi ngủ ni lông… sản xuất ngoài Việt Nam.
Tương tự, qua nguồn tin báo từ quần chúng nhân dân, có 2 chiếc xe ô tô 16 chỗ ngồi mang BKS 29B-021.25 và 29B-158.40 vận chuyển hàng hóa vi phạm đi từ khu vực biên giới huyện Văn Lãng qua địa bàn thành phố Lạng Sơn. Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội 4, Phòng PC05, Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành phối hợp bắt giữ, đưa phương tiện về trụ sở Đội QLTT số 1 để kiểm tra theo quy định.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe của 2 xe này đều xuất trình được hóa đơn bán lẻ, tương ứng đúng với số hàng hóa đang vận chuyển trên xe (bao gồm quạt mini chân cắm USB, đèn led tích điện, túi phủ máy giặt, đèn ngủ). Tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa này đều có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam.
Mới đây nhất, Đội QLTT số 7 cũng đã kiểm tra một xe ô tô BKS 29B-022.91 vận chuyển 40 loại hàng hóa như bình giữ nhiệt, quần lót nữ. Toàn bộ số hàng hóa này cũng có hóa đơn bán lẻ đi kèm nhưng đều là hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam. Ngoài ra, khi kiểm tra thực tế Đoàn kiểm tra phát hiện biển số 29B-022.91 là biển số giả, không phải biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc hàng nhập dù có đầy đủ hóa đơn bán lẻ đi kèm, tương ứng với số hàng đang vận chuyển trên xe nhưng đều đã được các Đội QLTT của tỉnh Lạng Sơn giữ lại để kiểm tra kỹ càng hơn về nguồn gốc xuất xứ.
Đại diện Cục QLTT Lạng Sơn cho biết, tất cả hàng hóa có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam, dù có hóa đơn bán lẻ cũng cần phải xác minh các tình tiết liên quan, vì đều là hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu. Do đó, toàn bộ số hàng hóa này đều được các Đội QLTT ra quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện, giấy tờ để tiến hành xác minh đối với các hộ kinh doanh đã xuất hóa đơn bán lẻ.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm
Ngoài việc tăng cường kiểm tra các loại hình xe vận chuyển qua địa bàn tỉnh, Cục QLTT Lạng Sơn cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai kịp thời các chỉ đạo từ Tổng cục QLTT như các kế hoạch về kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra tình hình hoạt động buôn bán của các mặt hàng thiết yếu... để kịp thời đưa ra các quyết định xử phạt, nhằm răn đe và tuyên truyền đến các hộ kinh doanh và cá nhân.
Mới đây, các đội QLTT của Lạng Sơn đã ra quân kiểm tra, giám sát 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam, thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành thử ngẫu nhiên dụng cụ chứa đựng thực phẩm bằng phương pháp thử dung dịch lugol 7 mẫu tại 2 cơ sở và đã phát hiện 5 mẫu tại 2 cơ sở này đều không đạt vệ sinh. 2 cơ sở này đều đã bị phạt vi phạm hành chính và đã được yêu cầu khắc phục ngay các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhiều cơ sở khác cũng đã bị xử phạt vì hành vi bán hàng quá “date” (hạn sử dụng) hoặc bị phạt vì hành vi người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang theo quy định của pháp luật.