Vấn đề được đề cập tại Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu DN” do Báo Công an nhân dân phối hợp với VTV9, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hôm qua, 10/11.
Doanh nghiệp “sống chung với lũ”
Theo Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã trở thành một thực trạng nhức nhối, lây lan nhanh, ngày càng tinh vi, tàn phá kinh tế, xã hội, phá hoại cạnh tranh công bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi người kinh doanh chân chính cũng như người tiêu dùng. Trên thực tế, hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức diễn ra trong bóng tối nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa triệt để để loại trừ hoàn toàn. Các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt ngọn, chưa đủ cách thức răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ…
Một DN võng xếp thương hiệu uý tín hàng đầu trong nước thừa nhận, đến thời điểm hiện nay, quy mô sản xuất của sản phẩm này chỉ còn 1/4 so với thời điểm cách đây 3 năm, nguyên nhân chính là do hàng giả. DN này cũng đã theo dõi chặt thị trường, phối hợp với cơ quan chức năng để đưa các vụ vi phạm ra ánh sáng, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn “đâu lại vào đấy”, và hiện DN đang chấp nhận “sống chung với lũ”. Tương tự, đại diện từ thương hiệu nón Sơn nổi tiếng cũng cay đắng thừa nhận, sau mười mấy năm theo đuổi việc chống hàng giả thì đến nay DN này đành chấp nhận hiện thực vì thấy mình “yếu thế” so với lực lượng làm hàng giả quá đông đúc.
Chưa “bắt bệnh”, chưa thể xử lý triệt để
Từ năm 2014 đến tháng 10/2017, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 44.564 vụ hàng giả, hàng nhái. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, cả nước đã có đến 3.863 vụ hàng giả, hàng nhái bị phát hiện. Thời gian qua, liên tiếp các vụ việc liên quan đến hàng lậu, hàng giả, hàng nhái được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng như vụ thuốc giả của Việt Nam Pharma, vụ lụa Trung Quốc đóng mác Việt Nam Khaisilk, hay lô mỹ phẩm không rõ nhãn mác của TS Group…
Theo ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, những vụ việc cộm cán nói trên chỉ là “phần nổi”, thực tế, số vụ hàng giả, hàng nhái với mức độ nghiêm trọng là rất lớn, phổ biến, trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, trên mọi địa bàn.
Theo đại diện Ban 389, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tràn lan của hàng giả, hàng nhái, trong đó có lý do thuộc về người tiêu dùng (chưa trang bị đầy đủ kiến thức tiêu dùng, còn tâm lý “chuộng ngoại”, ham rẻ;..), lý do thuộc về DN (chưa theo sát thị trường, né tránh, ngại đụng chạm..). Nhưng một nguyên không kém phần quan trọng đó là sự bất cập trong quản lý, sự xao nhãng trong công tác đấu tranh, tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái phát triển, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ.
Cùng với đó là sự bất cập trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Trong khi thời gian đăng ký quyền sở hữu cho một sản phẩm mất 2 năm, khoảng thời gian đủ để sản phẩm giả tràn ngập thị trường, thì ngược lại việc cấp độc quyền sáng chế đôi lúc lại rất lỏng lẻo, nhiều kẻ làm hàng nhái chỉ cần thay đổi đôi chút trong hình dạng hay tên gọi, hoặc đơn giản chỉ là xuống dòng so với bản đăng ký “chính chủ” là có thể đăng ký một mẫu độc quyền sáng chế hoàn toàn mới, giống đến 90% so với bản cũ. Thậm chí, nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam phải “đau đầu” vì DN Việt lấy toàn bộ mẫu mã, nhãn mác đi đăng ký độc quyền, chỉ đổi tên thành tiếng Việt nhưng vẫn được chấp thuận.
Vấn đề được đặt ra là hiện chúng ta đã có hành lang pháp lý khá rõ ràng, như quy định trong Bộ luật Hình sự 2009, Bộ luật Hình sự 2015 với những chế tài nghiêm khắc cho tội làm và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, cạnh đó nhiều cơ quan đã được trao thẩm quyền xử phạt hành vi làm hàng giả, hàng nhái, thậm chí chính quyền cấp xã, phường cũng được trao quyền. Thế nhưng, vì sao hiệu quả vẫn chưa cao, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan trên thị trường?
Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời.