Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Hải phối hợp với UBND thị trấn Cát Bà vừa tổ chức hội thảo chuyên đề “Phòng, chống bạo lực học đường, thực hiện an toàn giao thông và ngăn ngừa tác động tiêu cực của internet”. Thời gian gần đây, tại Cát Hải bạo lực học đường xảy ra cả bên trong và bên ngoài nhà trường. Hiện tượng học sinh bỏ học, bỏ tiết đi chơi game online, chưa tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, gây mất ATGT của một bộ phận học sinh ở huyện đảo này khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Thực tế bạo lực học đường đang diễn ra theo xu hướng gia tăng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Cát Hải mỗi năm xảy ra 13 - 14 vụ học sinh vi phạm pháp luật. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị trấn Cát Bà xảy ra một số vụ học sinh THCS và THPT có hành vi bạo lực, gây thương tích. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng bạo lực học đường, theo Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà Hà Thị Quyến, nhiều phụ huynh có suy nghĩ lệch lạc trong việc giáo dục con em mình, thường chăm lo bằng cách cho tiền mà không quan tâm đến việc con em mình mua gì, ăn gì, tiêu gì... Trong khi, phần lớn các em dùng tiền vào việc ăn quà vặt, chơi điện tử, bi- a, thậm chí có trường hợp đánh bạc. Những học sinh đó thường học hành thất thường, lười học, hổng kiến thức, không tiếp thu được bài giảng trên lớp, dẫn đến chán học, bỏ tiết rồi bỏ học. Một số học sinh yêu đương quá sớm, bị bạn phụ tình, nói xấu, ức hiếp, tẩy chay và cũng có trường hợp bị ảnh hưởng xấu của trò chơi điện tử… Đây là những việc tưởng nhỏ nhặt nhưng lại chính là nguyên nhân chủ yếu, gián tiếp dẫn đến bạo lực học đường. Cùng quan điểm này, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cát Bà Tô Thị Khâm chia sẻ, nhiều bậc phụ huynh phó mặc trách nhiệm chăm sóc, dạy bảo con cái cho nhà trường. Mặt khác, có phụ huynh nuông chiều con thái quá, cho con sử dụng và mang điện thoại di động đắt tiền đến lớp, trong khi nhà trường đã có nội quy cấm học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường. Học sinh giấu giáo viên, sử dụng điện thoại trong trường, tán gẫu trong giờ học. Do yêu đương sớm, có học sinh gọi điện thoại ra ngoài, lôi kéo bạn bè đến giải quyết mâu thuẫn cá nhân, thậm trí dùng dao gây thương tích. Phần lớn các vụ xung đột, đánh nhau của học sinh xảy ra vào giờ tan trường, bên ngoài trường học, nhà trường rất khó kiểm soát.
Rõ ràng, đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội cần có những giải pháp hạn chế tức thời. Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Vũ Thị Kim Bích cho rằng xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” là mục tiêu thi đua của ngành Giáo dục-Đào tạo, góp phần giáo dục nhân cách toàn diện cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Tuy nhiên, với ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố nói chung, Cát Hải nói riêng, đây là nhiệm vụ không dễ, nếu không nói là có những thách thức nhất định, nhất là gần đây một số tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào trường học. Phó chủ tịch Vũ Thị Kim Bích cho biết, huyện yêu cầu cấp uỷ Đảng và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai xây dựng các nghị quyết chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường, thực hiện an toàn giao thông, ngăn ngừa tác động tiêu cực của internet theo hướng phù hợp với từng địa phương. Công an và ngành Giáo dục tiếp tục duy trì quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự. Phòng Giáo dục huyện tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống cho học sinh. Trước mắt, nhà trường nhắc nhở giáo dục các em có hành vi vi phạm nội quy của nhà trường, chưa chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ, quy tắc xã hội. Giáo viên chủ nhiệm lớp gần gũi các em hơn để chủ động hạn chế thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra. Chú ý phát động ý thức tố giác trên cơ sở tìm đến từng nhóm các em thường xuyên bị bắt nạt để khai thác thông tin, kịp thời phát giác và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời xây dựng quỹ an ninh trường học để bảo đảm trật tự, an toàn trong môi trường giáo dục.
Xuân Thuỷ