Thời gian gần đây, thông tin 4 nghệ sĩ cải lương được đặc cách xét phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) đã gây xôn xao không chỉ trong giới nghệ sĩ. Tuy vậy, đối với nhiều người thì đó hoàn toàn không phải là một thông tin quá khác thường, khi mà đối với 4 nghệ sĩ thuộc hàng gạo cội đã có nhiều công lao với nghệ thuật cải lương mà đến khi phong tặng, vẫn còn phải dùng đến từ “xin” và “đặc cách”.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết và Bảo Quốc |
Cải lương thiệt thòi?
Thậm chí có nhiều nghệ sĩ tuổi đã già mà “đường đến với danh hiệu” vẫn xa mịt mù dù đã làm hồ sơ để rồi phải... chờ xét lần sau. Đơn cử như trường hợp của nghệ sĩ Hồng Nga. Đợt này bà vẫn chưa chạm tay vào được danh hiệu, dù đã lớn tuổi và lứa nghệ sĩ học trò của bà nhiều người đã trở thành NSƯT. Nhiều nghệ sĩ trong nghề còn đùa, đôi khi danh hiệu NSƯT, NSND đến với nghệ sĩ thì họ cũng... chẳng còn mấy sức để vui, cứ coi như... trúng số an ủi cuối mùa.
Vậy vì sao 4 nghệ sĩ lớn của nghệ thuật cải lương nước nhà là Bạch Tuyết, Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy đến nay vẫn phải “đặc cách” thì mới trở thành NSND?. Lý do là do họ... thiếu huy chương tại các hội diễn! Điều kiện này nằm trong quy chế về xét phong các danh hiệu nghệ sĩ, nhưng vốn đã gây khá nhiều tranh cãi từ những đợt xét giải trước.
Theo ý kiến của rất nhiều nghệ sĩ trong nghề, việc dựa vào huy chương hội diễn là không hợp lý vì điều này còn nặng tính “hên - xui”, khi mà có những nghệ sĩ được phong nhiều danh hiệu nhưng ít được công chúng biết đến vì thời gian dành hầu hết để... tham gia các hội diễn.
Nghệ sĩ cải lương Minh Trí, công tác tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM bày tỏ ý kiến của người trong nghề: “Đối với những nghệ sĩ cải lương hậu bối như chúng tôi, Bạch Tuyết, Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy là những bậc gạo cội trong nghề. Việc phong tặng danh hiệu NSND là quá trễ! Đáng ra việc này phải được thực hiện từ cả chục năm trước chứ không chờ đến hiện nay, mà lại còn phong tặng cho họ kiểu “đặc cách”.
Về huy chương, theo tôi đây chỉ có thể gọi là yếu tố bổ sung, chứ không thể lấy làm tiêu chí để xét danh hiệu, vì như vậy sẽ không công bằng. Những nghệ sĩ lớn, đem nghệ thuật cải lương đến với sâu rộng nhân dân, được dân thương, đem cải lương Việt Nam ra thế giới mà biểu diễn, không đủ thời gian tham gia hội diễn trong nước, đem cải lương truyền bá cho lớp lớp thế hệ sau thì làm sao có đủ thời gian mà thi thố nhằm giật số lượng huy chương như tiêu chuẩn?.
Có một điều nữa là tuy không nói ra, nhưng nhiều người cũng thấy huy chương tại hội diễn có tính “cơ cấu”: Cứ đào, kép chánh thì huy chương vàng, đào kép phụ thì huy chương bạc hoặc không có. Như vậy, các nghệ sĩ chuyên vai phụ gặp khó khăn lớn trong việc được phong tặng? Bởi thế, theo tôi, danh hiệu là điều đáng quý, nhưng làm sao để khách quan, để yếu tố “lòng dân” là tiêu chí cao hơn huy chương thì mới đúng ý nghĩa của danh hiệu.
Trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ được danh hiệu này, nọ nhưng công chúng đâu có mấy người biết đến?. Còn với các nghệ sĩ như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Kim Cương, Ngọc Giàu, dẫu anh có đem danh hiệu trao tặng cho họ mà họ chưa được khán giả yêu quý, chưa hết lòng với khán giả, với nghề, thì có khi họ cũng không chịu!”.
Danh hiệu cao quý nhất là sự yêu quý của nhân dân
Là một trong những “tiền bối” của nghệ thuật cải lương, đến với nghề trước khi chuyển hướng sang sân khấu hài, Nghệ sĩ Bảo Quốc cũng chia sẻ những ý kiến tương đồng với Nghệ sĩ Minh Trí. Theo Bảo Quốc, một thực tế của cải lương là rất nhiều nghệ sĩ lớn tuổi không thuộc vào một đoàn hội, tổ chức nào. Những nghệ sĩ này cả đời chỉ biết hát, diễn, cống hiến và truyền nghề, không quan tâm đến việc tham dự hội diễn, và cũng không có cơ hội tham gia vì họ hoạt động tự do. Ngoài ra, với nhiều nghệ sĩ cống hiến nhiều năm, khi lớn tuổi, nếu thuộc vào một đoàn nào thì cũng khó mà được đảm nhận vai chính, lớn để có huy chương khi tham gia hội diễn, như vậy thì việc được phong danh hiệu với họ có lẽ sẽ... không có, cho dù hình ảnh họ rất đẹp đẽ, thân thuộc trong lòng công chúng.
Đợt này, Nghệ sĩ Bảo Quốc không làm đơn đề nghị được phong danh hiệu NSND vì theo ông, việc phong danh hiệu cao quý từ phía Nhà nước là một vinh dự chứ không phải xin - cho. “Nghệ sĩ trẻ sau một thời gian hoạt động nghệ thuật, muốn được phong NSƯT là đúng. Nhưng từ NSƯT đến NSND, nhất là với rất nhiều nghệ sĩ đã nhiều năm tận tâm với nghề, công chúng, giới nghệ sĩ biết đến nhiều, thì nên chăng họ phải làm đơn, đi xin xác minh, thủ tục... để được phong tặng? Liệu lòng tự trọng của nghệ sĩ có cho phép họ làm điều đó? Chính vì thế mà với tôi, danh hiệu chỉ là một nửa phần thưởng, nửa còn lại là dành cho... vị trí của mình trong lòng công chúng”.
Hoạt động trong một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù và đặc biệt, thật khó trách nghệ sĩ khi họ đặt tự trọng nghề nghiệp của mình lên trên cả danh hiệu, phần thưởng. Khá nhiều nghệ sĩ đã có hành động như Nghệ sĩ Bảo Quốc. Ở kịch nói, Nghệ sĩ Thành Lộc, Hồng Vân cũng từng khéo léo “từ chối” việc làm đơn xin phong tặng danh hiệu cho mình, tạm dừng lại ở danh hiệu NSƯT mặc dù với công chúng, họ là những nghệ sĩ đúng nghĩa, tài năng, đầy tận tâm.
Danh hiệu là một phần thưởng tinh thần rất quan trọng, là một cột mốc, một thước đo cho cuộc đời nghệ thuật của nghệ sĩ, khi mà sự cống hiến của họ được công nhận ở phương diện quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, phải làm sao để nghệ sĩ nhận danh hiệu mà vui, mà thoải mái, làm động lực cho họ càng thêm yêu nghề, cống hiến với nghề, điều này phải nói đến cái tâm và cách làm của nhà quản lý.
Xin lấy lời của Nghệ sĩ Bạch Tuyết để kết thúc bài viết: “Giờ đây tôi không muốn nói đến chuyện danh hiệu. Còn rất nhiều người thầm lặng, cống hiến cho nghề, và khi làm họ đâu nghĩ gì đến chuyện sẽ được phong tặng danh hiệu gì? Mình cũng chỉ biết là nghiệp của cha ông, là duyên với nghề thì mình phấn đấu hết mình, làm hết mình. Đời vậy là vui lắm rồi...”.
Ngọc Mai