Lên cổng trời, ngắm bản đồ hình Tổ quốc
Cổng trời Cao Bằng hay còn được biết đến với tên gọi khác là cổng trời Trà Lĩnh. Nơi đây nằm trên dãy núi Phia Đảy, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh và là một địa điểm mới được phát hiện vào năm 2007. Một điều khá thú vị ở cổng trời này chính là địa thế khá thấp, thậm chí còn chưa đến 1000m so với mực nước biển.
Từ thành phố Cao Bằng, đến đường đèo Mã Phục, bạn sẽ gặp hai hướng rẽ thì chọn rẽ vào hướng Trà Lĩnh. Tiếp tục đi thẳng đến thị trấn Trà Lĩnh rồi đến chân núi Phia Đảy cách trung tâm thị trấn khoảng chừng vài trăm mét. Từ chân núi Phia Đảy này bạn sẽ phải leo núi để đến với một bãi đất phẳng, cách chân núi khoảng chừng 800m thì sẽ tới cổng trời.
Mặc dù không phải là một địa điểm du lịch hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thác Bản Giốc Cao Bằng hay suối Lê Nin thế nhưng cổng trời lại khiến cho bất kì ai khi đặt chân tới đây cũng xúc động trước một vẻ đẹp của núi rừng thiên nhiên kì vĩ. Trước đây cổng trời vốn chỉ là một eo núi nhỏ với những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, xung quanh bạt ngàn cỏ xanh, thỉnh thoảng mới có người ghé tới để kiếm củi hay tìm lá thuốc.
Đường đến cổng trời tuy không quá cao hay khó khăn thế nhưng dọc đường lên ở phía bên tay phải bạn sẽ bắt gặp những dãy đá núi uốn lượn cho du khách thỏa sức tưởng tượng. Người thì thấy giống với một mái tóc của nàng tiên, người thì lại thấy giống với những con sóng biển đang vỗ vào bờ.
Bản đồ Tổ quốc bằng đá tự nhiên ở cổng trời. |
Trước cổng trời là những phiến đá dựng thành vách, cao vút thẳng lên bầu trời rộng lớn. Dường như chỉ cần đi vượt qua những phiến đá đó là có thể chạm tới bầu trời, những phiến đá ấy tựa như cánh tiên vút bay! Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là những điều kì lạ nhất ở cổng trời Cao Bằng. Bởi khi đặt chân tới cổng trời, bạn sẽ bắt gặp một dải đá hình chữ S vô cùng choáng ngợp trước mắt. Không biết vô hình hay hữu ý, mà dải đá này uốn lượn, mang hình dáng bản đồ Việt Nam bằng đá hoàn toàn tự nhiên. Cảm xúc rưng rưng xúc động, tự hào, bởi mỗi chúng ta luôn mang trong tim mình dáng hình đất nước…
Và rồi, từ cổng trời dường như trong tiên cảnh, tầm mắt chúng ta được bao phủ bởi những cánh rừng xanh miên man. Xa xa là con đường đèo hiểm trở, kì bí. Chưa hết, bên phải cổng trời có 9 tảng đá xếp xung quanh với hình giống như quẻ Càn, phía trên là hình hổ oai linh. Phía trên là hình đầu hổ, hình sư tử đá... Theo quan niệm về phong thủy thì đây là khu vực Đầu Rồng, đất lành, địa thế đẹp, linh thiêng. Có lẽ chính vì điều này mà cổng trời Cao Bằng ẩn chứa nhiều câu chuyện lạ ít người biết.
Còn nữa, có lẽ tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho núi rừng Phia Đảy này nhiều cảnh đẹp đến thế. Từ cổng trời đi thêm một đoạn khoảng 20 mét, bạn sẽ bắt gặp một hang động với tên gọi là Ngườm Giộc Đâu. So với động Ngườm Ngao Cao Bằng ở Trùng Khánh thì Ngườm Giộc Đâu tuy không quá rộng lớn, thế nhưng vẻ hoang sơ, hùng vĩ thì không hề kém! Bởi thế, trước đây, nhiều người không hề biết đến sự tồn tại của cổng trời mà chỉ biết đến hang Ngườm Giộc Đâu ở phía trên mà thôi…
Và những câu chuyện hư thực
Đối với nhiều người, cổng trời ở Cao Bằng được xem là chốn linh thiêng ẩn chứa nhiều câu chuyện kì lạ. Có người kể rằng, xưa kia ở cổng trời có một người con gái chết trẻ, trong lòng có nhiều nỗi oan ức nên không siêu thoát mà hiển linh ở eo núi cổng trời. Người đời đồn rằng, hễ ai đến đều cầu được ước thấy. Nhiều người đang vận hạn nghèo khó, sau khi đến đây cầu về nhà làm ăn phát đạt, giàu có lại quay về đây lễ tạ. Có nhiều cô cậu học sinh đến đây xin lộc trời mà đỗ đạt, vinh danh. Lại có cả những người gia đình quanh năm mâu thuẫn, nhưng khi đến cổng trời vài ba bận thì đoàn kết thuận hòa trở lại…
Đêm hôm đó, chúng tôi trở lại cổng trời trong tiết trời mưa thu se lạnh. Lối đi lên là những bậc đá quanh co nhưng không có điện. Về đêm, không khí càng hoang sơ nhưng không ai có cảm giác về sự ma mị. Mọi người đến đây đều thành tâm và tĩnh lặng. Người khấn, người cầu, người hóa vàng, người thắp nhang. Chỉ có ánh sáng của ngọn lửa góc hóa vàng, gió rít vào khe núi và những tiếng khấn lầm rầm. Sau đó, chúng tôi ngồi lại gần một giờ, được xem là thời khắc hội tụ linh khí, sức khỏe. Thời khắc ấy, tựa như những giao thừa trong đêm ba mươi. Chỉ khác, đây là cổng trời miền biên viễn.
Cổng trời Trà Lĩnh trong đêm. |
Người dân địa phương kể rằng, vài năm trở lại đây ngày càng xuất hiện nhiều người từ các thành phố lớn lui tới cúng lễ, nhất là sau khi có nhà ngoại cảm ở Hà Nội về. Sự linh ứng mà cổng trời có hay không chưa có cơ sở khoa học nào kiểm chứng… Chỉ biết, bà con tứ phương tập trung đông nhất về cổng trời là ngày mùng 1 và ngày rằm, từ các tỉnh xa như Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, thậm chí là cả dân từ Sài Gòn…
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia văn hóa thì thế núi xung quanh cổng trời Trà Lĩnh tạo cho đất này như một vùng tụ khí. Đó là năng lượng khí trời, là nơi tụ năng lượng của thiên linh vũ trụ. Bởi đây là cái rốn năng lượng vũ trụ tụ về, nên bạn cần giành khoảng 45 phút đến 1 giờ, thậm chí lâu hơn sau khi lễ để ngồi tịnh thu năng lượng vũ trụ vào cơ thể. Do đó, lên cổng trời khác với đi thăm các điểm du lịch trên cao khác. Người lên phải một tâm chịu khổ để “lên trời”. Đường đi phải gập gềnh, gian nan, vượt đá tai mèo mà đi lên. Lên đến nơi, dù mệt mỏi, sẽ được bù đắp sức khỏe.
Thực tế, vị này cho rằng, muốn lên núi lễ Trời lúc nào cũng được. Năng lượng vũ trụ đổ về 24/24h là như nhau, không phải như lời đồn phải vào lúc nửa đêm, giao hòa đất trời thì năng lượng mới cao. Song, ban đêm khí trời mát mẻ thanh cao thì ngồi thiền cũng thoải mái hơn. Nhưng không phải cứ nhất thiết phải vào nửa đêm. Cổng trời Cao Bằng là đất linh, nơi năng lượng vũ trụ tụ về. Tính linh này là có thật, khách quan, không phải là mê tín dị đoan. Khách đến đây có thể làm lễ thờ Trời, thu năng lượng nâng cao sức khỏe và tự chữa bệnh. Việc cúng lễ cần có hướng dẫn, để tránh biến tướng thành dị đoan, lợi dụng để trục lợi - vị này nhấn mạnh…
Từ trên cao nhìn xuống, toàn bộ thị trấn Trà Lĩnh được bao bọc bởi những rặng núi non trùng điệp Phja Đẩy, Phja Khoác, Phja Chiên, Phja Lĩnh, Lũng Mò... với những
hang động kỳ thú Ngườm Nặm, Nguồm Bốc, Ngườm Cún, Giộc Đâu và cổng trời huyền thoại uy linh tạo nên địa thế hiểm trở trấn giữ một vùng biên cương. Chẳng thế, từ bao đời nay miền biên viễn này đã gắn liền với các sự tích hào hùng còn được lưu danh bởi những di tích độc đáo.
Đó là đền thờ Đại tướng quân Nông Thống Lang, Nông Thống Lệnh, Thiêng Mang, cầu đá Cốc Khoác minh chứng cho một vùng đất có vị thế chiến lược quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thiên nhiên ưu đãi cho Trà Lĩnh hai dòng sông Phai Hao, Tả Kẻng sóng đôi xuôi về một ngả, đem lại cảnh sắc nên thơ sơn thủy, hữu tình... Thế núi, thế sông quần tụ hòa hợp tạo nên vượng khí lớn và sinh lực dồi dào, tiếp thêm sức sống cho một thị trấn vùng biên...
Tin rằng, trong xu thế đổi mới và hội nhập, Trà Lĩnh sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội năng động, một cửa khẩu giao thương, sầm uất, một điểm du lịch mang đậm truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu bạn đến vào mùa xuân trẩy hội Trà Lĩnh - bắt đầu từ đèo Mã Phục qua hồ Thang Hen, xuyên núi Mắt thần đến Giộc Đâư, cổng trời bạn sẽ gặp du khách đến từ mọi miền đất nước. Ở lại leo núi, thức đêm với cổng trời lịch sử văn hóa và tâm linh đang ngày càng có sức hấp dẫn du khách thập phương đến với vùng đất trấn biên, một vùng non nước Cao Bằng…
Và có một điều đặc biệt nữa, thị trấn Trà Lĩnh (trước đây là thị trấn Hùng Quốc) nằm sát biên giới Việt - Trung, xưa còn gọi là Trấn Biên (nay sáp nhập thành huyện Trùng Khánh). Ngay trung tâm thị trấn có ngã tư đường giao thông tiện lợi hướng ra cửa khẩu quốc gia và tỏa đi các ngả..., sang miền Tây qua Quang Hán, Cô Mười xuyên suốt vùng Lục Khu (Hà Quảng) rồi xuyên miền Đông qua Xuân Nội, Quang Trung đến Trùng Khánh, sau đó xuôi về hướng Nam ra Cao Chương, Mã Phục, về thành phố Cao Bằng…