Nga - Ukraine khẳng định đối phương chịu tổn thất lớn
Lính quân y của Ukraine vận chuyển binh sĩ bị thương tại khu vực Soledar, Donetsk. Ảnh: AFP
Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong tháng 1 vừa qua, trên 6.500 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và hàng trăm xe tăng, các phương tiện quân sự khác bị phá hủy.
Hãng tin RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 7/2 cho biết dòng chảy viện trợ quân sự lớn chưa từng có của phương Tây dành cho Ukraine đã thất bại trong ngăn chặn tổn thất đáng kể cho các lực lượng của Kiev.
“Chỉ trong tháng đầu tiên của năm nay, tổn thất của họ đã lên tới trên 6.500 quân nhân, 26 máy bay, 7 trực thăng, 208 máy bay không người lái, 341 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, cùng 40 phương tiện chiến đấu với nhiều hệ thống tên lửa phóng loạt”, Bộ trưởng Shoigu thống kê.
Quan chức quốc phòng hàng đầu của Nga cũng đã cáo buộc chính quyền Ukraine tiếp tục tấn công nhằm vào dân thường ở các vùng lãnh thổ vừa bỏ phiếu trưng cầu dân ý sát nhập Nga là Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson. Tuy nhiên, phía Kiev luôn phủ nhận lời buộc tội này, đồng thời cáo buộc ngược lại Moskva.
Bộ trưởng Sergey Shoigu cũng lưu ý rằng phía Ukraine đã từ chối thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trong lễ Giáng sinh theo đạo Chính thống vào đầu tháng 1, tiếp tục thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội vào các mục tiêu dân sự trong dịp lễ. Ông cho biết lực lượng của Kiev đã bắn hơn 500 quả đạn pháo trong thời gian này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cam kết rằng Moskva sẽ tiếp tục đảm bảo an toàn cho tất cả công dân Nga và Ukraine tại các vùng lãnh thổ mới giành được.
Quân đội Ukraine gần chiến tuyến ở khu vực Donetsk của Ukraine. Ảnh: AFP
Tháng trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley thừa nhận rằng Ukraine đang ở trong một cuộc chiến rất khó khăn từ quan điểm quân sự. Ông lưu ý rằng ít có khả năng các lực lượng Nga sớm bị đẩy ra khỏi các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền.
Cũng trong ngày 7/2, hãng tin Reuters dẫn thông báo từ phía Ukraine cho biết 24 giờ qua là thời điểm nguy hiểm nhất trong cuộc xung đột cho đến nay đối với quân đội Nga. Moskva đã đưa hàng chục nghìn binh sĩ và các tay súng quân sự tư nhân vào mặt trận phía Đông.
Theo cập nhật của quân đội Ukraine, tổng số quân nhân Nga thiệt mạng đã tăng thêm 1.030 người chỉ sau một đêm, lên 133.190 người. Phía Kiev mô tả con số tổn thất trên là cao nhất kể từ khi xảy ra giao tranh giữa hai bên cho đến nay. Quân đội Ukraine cũng đã phá hủy 25 xe tăng Nga trong hai ngày qua.
Tuy nhiên, bản báo cáo trên chưa thể được xác thực. Phía Moskva phủ nhận về con số tổn thất lớn như vậy, đồng thời tuyên bố đã tiêu diệt số lượng lớn quân nhân Ukraine. Dù không xác nhận về con số thương vong do đối phương công bố, cả hai bên đề mô tả các trận chiến diễn ra giữa những chiến hào phủ đầy tuyết vừa qua là trận chiến đẫm máu nhất trong cuộc xung đột.
Chính phủ Ukraine và phương Tây nói rằng Nga đã đổ thêm quân vào miền Đông nước này trong những tuần gần đây với hy vọng có thể giành những bước tiến rõ rệt vào khoảng thời gian tròn một năm xung đột nổ ra vào cuối tháng 2 này.
Kiev khẳng định Moskva vẫn chưa giành được bất kỳ trung tâm dân cư lớn nào trong chiến dịch mùa đông.
Giao tranh dữ dội đã xảy ra quanh khu vực thành phố Bakhmut trong nhiều tháng qua. Các lực lượng Nga cũng đã tiến hành một cuộc tấn công xa hơn về phía Nam nhằm vào Vuhledar, một pháo đài do Ukraine trấn giữ tại giao lộ chiến lược giữa chiến tuyến phía Đông và phía Nam.
Cựu Tổng thống Nga nói Ukraine tiến gần hơn tới thất bại
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người hiện giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cho rằng Kiev đang tiến gần với thất bại, dựa trên bằng chứng là các cuộc thảo luận về "kịch bản Triều Tiên" đối với xung đột ở Ukraine.
Theo ông, đó là dấu hiệu cho thấy Kiev đang có xu hướng chấp nhận tình hình thực tế về thất bại trên chiến trường.
Ông Dmitry Medvedev. Ảnh: Sputnik
Các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm ở Kiev đã nhắc đến ý tưởng về một thỏa thuận đình chiến phân chia lãnh thổ Ukraine theo mô hình giống như Triều Tiên trước đây. Họ cho rằng đây là điều mà Nga đang theo đuổi.
Ông Medvedev đánh giá đề xuất chia cắt lãnh thổ Ukraine theo cách từng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sau cuộc chiến tranh vào những năm 1950 là viển vông và chỉ thích hợp đề bàn luận nội bộ.
Theo giải thích của quan chức an ninh hàng đầu của Nga, ý tưởng đình chiến theo mô hình Triều Tiên sẽ khiến lãnh thổ Ukraine bị thu hẹp và quốc gia được Mỹ hậu thuẫn này cuối cùng có thể phát triển ngang tầm với Hàn Quốc, trong khi vẫn duy trì yêu sách đối với các vùng lãnh thổ đã mất. “Về bản chất, đây là bước đầu tiên để chấp nhận thực tế trên chiến trường”, ông nói.
Không giống như Hàn Quốc, Donbass đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý để trở thành một phần của Nga thay vì thành lập một quốc gia có chủ quyền. Do vậy, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lập luận rằng "kịch bản Triều Tiên" là không khả thi đối với Ukraine.
Theo RT, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Alexei Danilov đã đưa ra đề xuất trên vào ngày 8/1. Tuy vậy, ông cho biết phía Nga đang vận động các quốc gia châu Âu chấp nhận biện pháp chia rẽ kiểu Triều Tiên, và tuyên bố rằng Kiev sẽ từ chối điều đó. Điện Kremlin bác bỏ báo cáo trên là sai sự thật.
Mới đây, “kịch bản Triều Tiên” cũng được Aleksey Arestovich, cựu trợ lý tại Văn phòng Tổng thống Ukraine nhắc đến. Phát biểu tại buổi thảo luận của hội đồng chuyên gia hôm 6/2, ông Arestovich nhận định Ukraine không có đủ nhân lực để sớm đánh bại Nga trên chiến trường. Vì vậy, “kịch bản Triều Tiên” có thể trở thành một bước ngoặt chấp nhận được đối với các bên liên quan.
Giống như lời ông Danilov trước đó, ông Arestovich tuyên bố rằng Nga đang tìm kiếm kết quả đình chiến như trên, đồng thời lưu ý rằng các quốc gia phương Tây đang hậu thuẫn Kiev cũng đồng quan điểm.