Nga và Trung Quốc ngày 4/2 đã một lần nữa phủ quyết nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ả rập (AL) kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.
HĐBA biểu quyết nghị quyết về Syria. Ảnh: AFP |
Bản dự thảo được đưa ra biểu quyết tại Hội đồng bảo an (HĐBA) hôm 4/2 “hoàn toàn ủng hộ” kế hoạch của AL kêu gọi Tổng thống Assad chuyển giao quyền lực cho người phó, dọn đường cho “quá trình chuyển tiếp dân chủ” tại Syria.
Để được thông qua, dự thảo cần phải nhận được sự ủng hộ của 9 thành viên HĐBA LHQ và không bị thành viên nào trong 5 nước ủy viên thường trực – gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và Pháp - phủ quyết.
Tại phiên họp tối 4/2, 13 thành viên nước thành viên HĐBA đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết mà theo họ là nhằm ngăn chặn đổ máu với những xung đột sắc tộc đe dọa đến sự ổn định của cả khu vực ở Syria.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lần thứ hai trong vòng 4 tháng qua đã bỏ phiếu phủ quyết ngăn cản hành động của LHQ. Nga cho rằng dự thảo nghị quyết này là một nỗ lực vô lý và đầy thành kiến nhằm “thay đổi chế độ” ở Syria – đồng minh lớn duy nhất tại Trung Đông và là nhà nhập khẩu vũ khí quan trọng của Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc tỏ ý lấy làm tiếc rằng đề xuất sửa đổi “hợp lý” của Nga trong dự thảo nghị quyết về Syria đã bị phớt lờ. “Trung Quốc ủng hộ các đề xuất sửa đổi mà Nga đưa ra. Yêu cầu tiếp tục tham vấn về dự thảo nghị quyết này của một số thành viên trong HĐBA là hợp lý. Đáng tiếc là những quan ngại hợp lý này đã bị phớt lờ” - Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông nói.
Cuộc biểu quyết của HĐBA được tiến hành sau khi các nhà lãnh đạo thế giới và những nhà hoạt động đối lập cáo buộc chính quyền của Tổng thống Assad đã tiến hành vụ pháo kích dữ dội nhất từ trước tới nay tại thành phố Homs - một điểm nóng trong cuộc nổi dậy của nhân dân Syria - làm hơn 200 người thiệt mạng.
Nhìn nhận từ những diễn biến tại Homs, Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice đã bỏ qua phép lịch sự ngoại giao thông thường, bày tỏ sự “phẫn nộ” trước lá phiếu phủ quyết của Trung-Nga và nói rằng “bất kỳ đổ máu thêm nào đều nằm trong tay họ”.
Chỉ ít lâu trước khi HĐBA bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích “thảm kịch không thể diễn ra bằng lời” ở thành phố Homs, yêu cầu Tổng thống Syria Assad phải từ chức ngay lập tức, cũng như kêu gọi LHQ hành động để chấm dứt “sự tàn nhẫn” của ông Assad. “Chính phủ nào tàn bạo và tàn sát người dân của mình đều không xứng đáng lãnh đạo” – ông Obama tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết không thể làm việc một cách xây dựng với Nga, dù hành động can thiệp quân sự vào Syria – điều mà Nga kịch liệt phản đối - đã được loại trừ. “Tôi đã đề nghị làm việc theo cách xây dựng. Nhưng điều đó đã không thể được” – bà Clinton nói với các phóng viên tại cuộc họp ở Munich đồng thời cảnh báo nguy cơ đổ máu và xảy ra nội chiến tại Syria đang tăng cao sau thất bại của nghị quyết LHQ.
Đại sứ Maroc – thành viên duy nhất của Ả rập tại HĐBA - Mohammed Loulichki - đã bày tỏ sự “tiếc nuối và thất vọng lớn” về việc phủ quyết của Nga-Trung và cho biết các nước Ả rập sẽ không từ bỏ kế hoạch của họ.
Đại diện của Anh Mark Lyall Grant khẳng định sẽ tiếp tục hối thúc LHQ nếu bạo lực tại Syria vẫn tiếp diễn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lên tiếng yêu cầu LHQ phải hành động.
Tunisia đã trục xuất đại sứ Syria và hạ cờ tại sứ quán Syria ở nước này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì cho biết Pháp đang tham vấn các nước Ả Rập và châu Âu để tạo ra nhóm liên lạc về Syria nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
“Pháp không bỏ cuộc” - ông Sarkozy nói và cho biết sẽ tạo ra “Nhóm những người bạn của dân Syria” để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho kế hoạch của AL.
Thanh Tùng (Theo Reuters)