Bản án gây tranh cãi
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một tuyên bố cho biết, Mỹ đang phẫn nộ trước quyết định của tòa án Nga ngày 15/6 về việc kết án công dân Mỹ Paul Whelan. Ông Pompeo cáo buộc việc kết án công dân Mỹ diễn ra “sau một phiên tòa bí mật, với bằng chứng bí mật và không có những sự hỗ trợ thích hợp cho các nhân chứng bào chữa.
Phía Mỹ cũng cho rằng cách Moscow đối xử với Paul Whelan là kinh khủng. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi một tòa án ở Moscow ngày 15/6 đã kết án 16 năm tù giam đối với công dân Mỹ Paul N. Whelan. Phiên tòa đã gói gọn lại vụ việc đã kéo dài nhiều tháng qua, gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ Nga – Mỹ vốn đã phức tạp. Whelan đã bị các nhân viên an ninh liên bang của Nga bắt vào tháng 12/2018 tại một khách sạn sang trọng ở Moscow, khi đang tham dự một đám cưới.
Đến ngày 31/12 cùng năm, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FBS) đã chính thức mở cuộc điều tra hình sự đối với Whelan về hoạt động gián điệp. Theo hãng tin Rosbalt của Nga, ông Whelan, 48 tuổi, bị bắt tại phòng của ông ta tại khách sạn, khi đang gặp một công dân Nga. Tại cuộc gặp, ông ta đã nhận một chiếc USB có chứa danh sách các nhân viên tại một số cơ quan an ninh của Nga.
Sau khi bị bắt giữ, ông ta bị đưa tới nhà tù Lefortovo - nơi thường được Nga sử dụng để giam giữ các điệp viên nước ngoài. Tuy nhiên, ông David (anh em song sinh của Whelan) đã bác bỏ các cáo buộc chống lại anh mình. Ông David trong một tuyên bố cho hay gia đình đã mất liên lạc với Whelan khi ông tới Moscow dự đám cưới của một đồng đội cũ cũng từng tham gia lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.
Tại phiên tòa diễn ra ngày 22/1/2019, ông Vladimir Zherebenkov - luật sư của ông Whelan - cho rằng thân chủ của ông đã được trao cho một chiếc USB chứa các bí mật quốc gia nhưng lại nghĩ rằng đó chỉ là các thông tin về văn hóa Nga.
“Trong chiếc USB, ông Paul đã nhận được các thông tin mà tôi xác nhận rằng đó là bí mật quốc gia”, ông Zherebenkov nói. Tuy nhiên, ông này khẳng định thân chủ của ông không hề biết trong chiếc USB có chứa các thông tin gì. “Trên thực tế, ông Paul vẫn nghĩ rằng ông nhận được các thông tin về văn hóa chứ không phải là bí mật quốc gia”, vị luật sư nói nhưng không cho biết ai là người đã đưa cho ông Whelan chiếc USB.
Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan trong một tuyên bố với truyền thông sau phán quyết đã lên án việc tuyên án mà ông cho là “một sự nhạo báng công lý”. Đại sứ Mỹ cũng chỉ trích việc các quan chức Nga lên tiếng sau tình trạng bất ổn ở Mỹ sau cái chết của George Floyd trong khi lại để diễn ra phiên tòa xét xử công dân Mỹ như vậy. Vị đại sứ nói thêm rằng phán quyết sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ Nga-Mỹ, “làm phức tạp quá trình của chúng tôi về các vấn đề khác”.
Đại sứ Sullivan nói rằng ông đã không nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Whelan phạm tội và rằng ông này đã không thể chọn luật sư bào chữa hoặc nhân chứng có mặt để bào chữa. Đáp lại những tuyên bố này, Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Whelan không thể bị coi là tù nhân chính trị và đã bị “kết án về các cáo buộc đã được chứng minh và được tòa án chấp nhận”.
Những cuộc gặp đáng ngờ
Theo truyền thông Mỹ, ông Whelan sinh ra ở Canada trong một gia đình có cha mẹ đều là người Anh. Ít lâu sau khi Whelan ra đời, cả nhà họ đã chuyển tới bang Michigan của Mỹ sinh sống. Kể từ khi tốt nghiệp trường Đại học Michigan cho đến nay, ông này kinh qua khá nhiều công việc khác nhau. Hồ sơ cho thấy, năm 1994, ông ta gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ.
Từ năm 2004 đến năm 2006, ông ta được điều động tới tham chiến tại Iraq. Song, đến năm 2008, ông ta bị cho xuất ngũ sau khi bị tòa án binh buộc tội cố ý ăn cắp vặt, lơ là nhiệm vụ, cung cấp thông tin sai, sử dụng số an sinh xã hội của người khác… Rời quân ngũ, ông ta gia nhập công ty nhân sự toàn cầu Kelly Services.
Trong một bản khai năm 2013, Whelan khai rằng ông ta giữ chức làm giám đốc cấp cao về an ninh và vận hành toàn cầu của Kelly Services. Vị trí tại Kelly Services cho phép Whelan thường xuyên liên hệ với các cơ quan an ninh Mỹ như Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA), Hội đồng An ninh Nước ngoài (OSAC) của Bộ Ngoại giao Mỹ. Người phát ngôn của Kelly Services xác nhận Whelan làm việc tại công ty này từ năm 2001, trừ giai đoạn ông ta tham chiến tại Iraq.
Theo người này, Whelan đã nghỉ việc tại công ty vào tháng 2/2016. Cũng trong bản khai năm 2013 này, Whelan tuyên bố ông ta từng làm cảnh sát tại thành phố Chelsea, bang Michigan trong giai đoạn 1988-2000. Trong thời gian này, ông ta từng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc cảnh sát hạt Washtenaw. Song, theo tờ Huffington Post, một quan chức cảnh sát của hạt Washtenaw cho hay, hồ sơ của cảnh sát địa phương không hề có thông tin Whelan từng làm việc trong lực lượng này.
Ở thời điểm trước khi bị bắt giữ, Whelan là người giám sát an ninh toàn cầu của công ty phụ tùng ô tô BorgWarner có trụ sở tại Auburn Hills, bang Michigan. Ngoài ra, ông ta cũng điều hành một công ty chuyên mua bán vũ khí online có tên Kingsmead Arsenal có trụ sở tại chính nhà riêng của ông ta ở Novi, Michigan. Tờ New York Times cho hay, trước đó Whelan từng tới Nga.
Ông ta cũng có trang cá nhân trên mạng xã hội Vkontakte của Nga. Trên trang này, ông ta chủ yếu liên lạc với những người đàn ông có quan hệ với các cơ quan nghiên cứu do Hải quân, Bộ Quốc phòng hay Cơ quan hàng không dân dụng Nga. Ông này cũng có quốc tịch Anh, Ireland và Canada.
Con bài đổi chác?
Luật sư của ông Whelan là ông Vladimir Zherebenkov đưa ra suy đoán rằng việc tuyên án của ông Whelan sẽ được Điện Kremlin sử dụng như một đòn bẩy để sắp xếp một cuộc trao đổi tù nhân cho 2 người Nga đang bị Mỹ giam giữ là Viktor Bout và Konstantin Yaroshenko. Trước đó, ngay khi Whelan bị bắt giữ cũng đã có ý kiến cho rằng Nga bắt giữ ông ta để đổi lấy công dân nước này là Maria Butina – người đã bị phía Mỹ bắt giữ từ tháng 7/2018 cũng vì cáo buộc làm gián điệp.
Trước đó, năm 2010, Nga và Mỹ đã thực hiện cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất lịch sử kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong đó, Mỹ đã thả 10 người Nga bị cáo buộc tham gia hoạt động gián điệp để đổi lấy sự tự do cho 4 điệp viên phương Tây. Trong số những người được trao đổi đợt này có điệp viên xinh đẹp và nổi tiếng của Nga Anna Chapman. Ông Sergei Skripal – người đã bị trúng độc tại thủ đô của Anh hồi tháng 3 vừa qua – cũng được trao đổi trong dịp này.
Theo CNN, Bộ Ngoại giao Nga vào năm ngoái đã đưa ra khả năng rằng ông Yaroshenko - người bị kết án buôn lậu ma túy vào năm 2011 và bị kết án 20 năm tù, có thể được trả tự do “để đổi lấy bất kỳ quốc tịch Mỹ nào” đang bị giam giữ tại Nga. Yaroshenko đang thụ án tại Cơ sở cải huấn liên bang ở Danbury, Connecticut. Còn Viktor Bout là một kẻ buôn vũ khí người Nga được mệnh danh là “Thương gia tử thần”, bị kết án 25 năm tù tại liên bang của Mỹ vào năm 2012.