Chính quyền Nga đã công bố kế hoạch tư nhân hóa hàng nghìn công ty nhà nước vào ngày 20-10. Theo đó, khoảng 900 doanh nghiệp nhà nước sẽ được tư nhân hóa, bao gồm cả ở cấp liên bang và cấp vùng, địa phương, thuộc sở hữu hoặc đang do nhà nước kiểm soát.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) và Phó thủ tướng Igor Shuvalov - Ảnh: Reuters |
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin dự đoán nhu cầu mua tài sản nhà nước của Nga sẽ vượt xa mức cung.
Theo ông Kudrin, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến chương trình bán cổ phần của các công ty quốc doanh hàng đầu như Sberbank, VTB, Rosneft, Sovkomflot… “Sẽ có nhiều phía bận tâm, mà theo chúng tôi là cao hơn rất nhiều so với khối lượng tài sản đề xuất” - ông Kudrin nói.
Các tài sản đấu giá ở Nga Bán 10% cổ phần ngân hàng nhà nước VTB vào năm 2011 và 10-15% nữa vào năm 2012. Bán thêm cổ phần của ngân hàng trung ương lớn nhất nước Nga Sberbank. Bán 25% cổ phần công ty vận tải biển Sovkomflot trong năm 2011 và 25% năm nữa trong gia đoạn 2012-2013. Bán 7,97% cổ phần của công ty thủy điện nhà nước Roshydro vào năm 2013. Giảm bớt cổ phần nhà nước trong hãng vận tải hàng không số một quốc gia Aeroflot nếu có nhà đầu tư quan tâm. |
Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov cho biết một phần khoản tiền này sẽ được đưa vào ngân sách quốc gia, nhưng cũng sẽ được đầu tư lại vào chính các công ty. Kế hoạch tư nhân hóa, theo Moscow Times, dự kiến kéo dài hai năm 2011-2013.
Trong các tài sản được bán sớm, theo lời ông Shuvalov, bao gồm 100% cổ phần công ty lương thực United Grant và 50% cổ phần hãng vận tải biển khổng lồ Sovkomflot, các nhà băng lớn như Sberbank, VTB và Rosselkhozbank.
Chúng tôi hy vọng tất cả các đề xuất sẽ được thông qua. Theo tính toán sơ bộ, nhà nước sẽ thu về 1,8 nghìn tỉ rúp (gần 60 tỉ USD) từ chương trình tư nhân hóa nếu tất cả các kế hoạch được triển khai đầy đủ” - Itar Tass dẫn lời Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov.
“Chính phủ đã có quyết định cuối cùng, nhưng mọi việc chỉ bắt đầu sau khi tổng thống ký các sắc lệnh vì phần lớn các tài sản có ý nghĩa chiến lược.
Theo AFP, ngày 20-10, Quốc hội Nga đã thông qua dự toán ngân sách 2011, với khoản thâm hụt chiếm 3,6% GDP trong năm 2011, 3,1% trong năm 2012 và 2,9% vào năm 2013. Kế hoạch bán tài sản nhà nước là một phần trong chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách đó.
Cuộc tư nhân hóa lần thứ nhất ở Nga, diễn ra vào những năm 1990, từng bị chỉ trích khá nhiều bởi tình trạng mập mờ và lãng phí tài sản quốc gia, đến mức tận bây giờ, Phó thủ tướng phụ trách chương trình tư nhân hóa khi đó, Anatoly Chubais, vẫn là một người bị căm ghét ở Nga.
Sau đó chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã lật lại một số vụ và bắt giam tỉ phú giàu mỏ Mikhail Khodorkovsky và bán đấu giá các tài sản của ông này trong công ty Yukos.
Theo Hải Minh
Tuổi Trẻ