Theo CBS, phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua xác nhận Mỹ sẽ rút khỏi INF với lý do Nga đã vi phạm Hiệp ước trong suốt nhiều năm liền. INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký năm 1987, khi những lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa 2 nước gia tăng.
Hiệp ước yêu cầu cả 2 bên loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, tức có tầm bắn từ 500 km tới 5.500 km này đã đưa đến việc Mỹ và Liên Xô phá bỏ gần 2.700 tên lửa và bệ phóng tên lửa. Phát biểu tại Nevada cuối tuần qua, ông Trump cho biết ông muốn rút khỏi thỏa thuận trừ khi cả Nga và Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận.
Phản hồi động thái của Mỹ, phát biểu trên đài TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận là một bước đi vô cùng nguy hiểm. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cáo buộc các hành động mới của Mỹ là các biện pháp phá hoại nhằm buộc Nga nhượng bộ trong vấn đề ổn định chiến lược. “Nga đã nhiều lần khẳng định những lời buộc tội của Mỹ về việc Nga vi phạm hiệp ước này là hoàn toàn không có cơ sở”, ông Ryabkov nói.
Cùng với việc chỉ trích các động thái của Mỹ, ông Ryabkov cũng cho rằng bước đi của Mỹ sẽ vấp phải sự lên án nghiêm khắc từ tất cả các thành viên trong cộng đồng quốc tế có trách nhiệm với an ninh và ổn định trên toàn cầu. Nhà ngoại giao Nga cũng tuyên bố nếu Mỹ tiếp tục đơn phương rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, Nga sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa, kể cả các biện pháp quân sự.
“Nhưng chúng tôi không muốn để mọi chuyện đi tới bước đường cùng này”, ông Ryabkov nói. Ông lưu ý rằng, vấn đề rút khỏi Hiệp ước INF quá nghiêm trọng để giải quyết thông qua các cuộc tranh luận công khai.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ yêu cầu Mỹ giải thích về động thái của nước này sau khi Mỹ đã đưa ra tuyên bố cuối cùng về bước đi của nước này. Ông Konstatin Kosachev – người đứng đầu Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Thượng viện Nga – trên Facebook nói rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận đồng nghĩa với việc “nhân loại đang đối mặt với môi trường vũ khí hạt nhân hỗn loạn”.
“Mong muốn tháo lui của Mỹ sẽ không được ủng hộ. Không chỉ Nga mà tất cả những người yêu mến Trái đất, đặc biệt là những người mong muốn một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đều phải nói rõ như vậy”, ông Kosachev nói.
Một số nghị sỹ Mỹ cũng cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga là “một ý tưởng tồi”. “Tôi nghĩ việc rút khỏi thỏa thuận lịch sử mà Tổng thống Reagan và ông Gorbachev đã ký sẽ là một sai lầm lớn”, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Rand Paul nhận định. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Bob Corker thì cho rằng tuyên bố của ông Trump có thể là một chiến thuật đàm phán. “Đó có thể chỉ là động tác để tuyên bố rằng nếu các vị không tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận thì chúng tôi sẽ rút khỏi. Tôi hy vọng vụ này là như vậy”, ông Corker nói.
Về phía các nước, các đồng minh của Mỹ đang tỏ ra mâu thuẫn về đề xuất của Anh. Trong khi Anh đồng tình thì Đức đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về diễn tiến này. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trong một tuyên bố cho rằng Hiệp định INF là một trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh của châu Âu. Ông Maas cũng cho rằng tuyên bố của ông Trump đã dấy lên những câu hỏi khó với cả Đức và châu Âu đồng thời thúc giục Mỹ xem xét về những hậu quả có thể do quyết định của nước này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.