Ngày 21.9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cho biết, Nga đang có kế hoạch chi hơn 600 tỉ USD đến năm 2020 để mua các loại thiết bị quân sự tối tân nhất nhằm hiện đại hoá quân đội nước này, trong đó có thể bao gồm cả mua công nghệ của quân đội Mỹ.
Tên lửa đạn đạo Bulava của Nga. |
Liên Bộ Quốc phòng, Tài chính và Kinh tế Nga đang trong những giai đoạn cuối cùng để thông qua kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng giai đoạn 2011-2020 lên 46% so với giai đoạn trước - Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov nói sau cuộc gặp với người đồng cấp của Mỹ Robert Gates tại Washington.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Nga đang tìm kiếm những nhà cung cấp vũ khí quân sự ở nước ngoài mà các công ty trong nước không đáp ứng được. Kể từ tháng 5 vừa rồi, khi được Tổng thống Medvedev "bật đèn xanh" yêu cầu quân đội phải tăng gấp 3 số lượng "vũ khí quân sự tối tân" tới năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga ráo riết tìm kiếm đối tác để đạt được mục tiêu nói trên.
Theo đó, Nga hy vọng tới cuối tháng này sẽ có đầy đủ thông tin để "đặt lên bàn cân" so sánh mua tàu sân bay của các công ty của Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan với các nhà thầu trong nước. Bộ Quốc phòng cho hay nhà thầu thắng cuộc sẽ bán cho Hải quân Nga 2 tàu sân bay và giúp xây dựng 2 tàu khác tại Nga. Ông cũng cho biết Nga không chỉ muốn mua những sản phẩm đã hoàn chỉnh mà còn muốn học hỏi bí quyết công nghệ và tự sản xuất trên chính lãnh thổ nước mình.
Trước đó, trong tháng 6, Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ dự báo Nga sẽ chi khoảng 12 tỉ USD để mua công nghệ quân sự từ các nước Châu Âu và Israel trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, Nga cũng công khai bày tỏ mong muốn mua công nghệ quân sự của Mỹ. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Nga mua công nghệ quân sự của Mỹ kể từ Thế chiến 2.
Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov cho biết đã bàn thảo vấn đề này với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates hôm 16.9 tại Washington trong chuyến công du đầu tiên của ông Serdyukov tới Lầu Năm Góc kể từ tháng 1.2005. Hai bên đã ký kết thoả thuận về các cuộc đàm phán trong tương lai, bao gồm việc sửa đổi biên bản ghi nhớ năm 1993 về mối quan hệ quân sự giữa hai cường quốc.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho thương vụ mua bán này là luật pháp Mỹ không cho phép chuyển giao những công nghệ nhạy cảm. Ngay cả khi Nga vượt qua được trở ngại này thì Nga vẫn phải tiếp tục đàm phán với các nước khác - ông Serdyukov cho hay.
Ông Serdyukov là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên ở Nga không trải qua đào tạo về quân sự hay tình báo. Ông nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2.2007 khi Tổng thống khi đó là ông Putin yêu cầu ông cải tổ lại lực lượng vũ trang khổng lồ gồm 1.13 triệu thành viên. Trước đó, ông là người đứng đầu cơ quan thuế liên bang trong 3 năm và điều hành một công ty nội thất ở St. Petersburg, nơi Putin là phó thị trưởng từ những năm 1990.
Kể từ khi nhận chức, ông Serdyukov đã cắt giảm biên chế quân đội khoảng 130.000 người. Ông tuyên bố sẽ xây dựng một lực lượng quân đội tinh nhuệ và hùng mạnh với sự trợ giúp của những loại vũ khí quân sự tối tân nhất, kể cả vũ khí nước ngoài.
Tổng thống Medveded yêu cầu "đại tu" lại toàn bộ lực lượng vũ trang và hệ thống thông tin liên lạc sau cuộc chiến 5 ngày với Gruzia vào tháng 8.2008.
Theo Vân Anh
Lao Động