Nga cảnh báo tình trạng chia rẽ trong Tổ chức cấm vũ khí hóa học

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Ngày 20/11 Nga đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng chia rẽ trong Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) – tổ chức đóng vai trò giám sát vũ khí hóa học trên thế giới.

Theo AFP, động thái của Nga diễn ra sau khi giữa Nga và các nước Anh, Mỹ đã nổ ra tranh cãi gay gắt tại Hội nghị thường niên của OPCW xung quanh đề xuất trao thêm cho OPCW quyền hạn mới là quy trách nhiệm các bên sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công được xác định có sử dụng vũ khí hóa học.

Trước đó, OPCW có trụ sở ở The Hague, Hà Lan chỉ có thể xác định việc các vũ khí độc hại đã được sử dụng hay không. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước đã phản đối đề xuất về quyền hạn mới nói trên của OPCW mới với lý do các quyền hạn này đã trùng với các chức năng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Các nước này cũng cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ phá vỡ bản chất hoạt động của OPCW là dựa vào hoạt động của các chuyên gia mang tính chất kĩ thuật thuần túy. 

Trong khi đó, cũng tại cuộc họp, các nước thành viên OPCW đã bác bỏ đề xuất của Nga và Trung Quốc về việc thành lập một nhóm chuyên gia nhằm giám sát việc thực thi các quyền hạn mới của OPCW. Kế hoạch chung do Nga và Trung Quốc đề xuất nhận được sự ủng hộ của nhiều nước như Iran, Syria, Pakistan, Nam Phi, Cuba… nhưng vẫn không thể đủ số phiếu cần thiết để được thông qua. Các nước phương Tây đã phản đối đề xuất này vì cho rằng việc thành lập nhóm chuyên gia như vậy sẽ ngăn chặn việc thực thi các quyền hạn mới của OPCW.

Điểm đồng thuận duy nhất nhìn thấy rõ tại cuộc họp này là các nước thành viên OPCW đã thông qua ngân sách năm 2019 với tỉ lệ 99/24. Trong gói ngân sách này bao gồm khoản chi 2,4 triệu euro cho việc thực thi quyền hạn mới nói trên của OPCW. Sự ủng hộ chủ yếu là từ các nước Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu sau các động thái trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nga Georgy Kalamanov - Trưởng phái đoàn Nga tham dự Hội nghị - đã lên tiếng cảnh báo về sự chia rẽ sâu sắc giữa phương Tây và các nước đồng minh của Nga tại OPCW và cáo buộc các nước NATO gây sức ép đối với các thành viên khác trong OPCW. Trước câu hỏi về việc liệu Nga có dừng đóng góp hay thậm chí rút khỏi OPCW sau các diễn biến trên, ông Kalamanov cho hay Moscow cần thời gian để phân tích tình hình nhưng cũng khẳng định Nga sẽ chuẩn bị cho một phản ứng toàn diện sau các diễn biến trên. Ông nhấn mạnh OPCW cần phải phối hợp với Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nếu muốn quy trách nhiệm đối với các bên sử dụng vũ khí hóa học. 

Đại sứ Nga Alexander Shulgin cũng cáo buộc phương Tây đã gây tổn hại lớn tới OPCW khi “chính trị hóa” cơ quan giám sát vốn được thành lập với nhiệm vụ phá hủy kho vũ khí hạt nhân của thế giới. Ông Shulgin tuyên bố Nga kiên quyết phản đối việc biến OPCW thành một cơ quan trừng phạt, nhấn mạnh rằng việc quy kết trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học là xâm phạm thẩm quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.   

OPCW được thành lập năm 1997 theo Công ước cấm vũ khí hóa học. Tổ chức này từng giành giải Nobel hòa bình năm 2013 cho biết đã giám sát việc phá hủy 96,5% kho vũ khí hóa học trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tổ chức này đã bị kéo vào những tranh cãi nhạy cảm sau các cuộc điều tra về các vụ việc xảy ra ở Syria và Salisbury.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.