Cần xem xét lại vấn đề cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Chiều 15/11/2019, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với các cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2019, có những mặt hàng xuất khẩu (XK) sang Hoa Kỳ tăng trưởng một cách bất ngờ như xơ sợi tăng tới 92%, điện và thiết bị điện tăng lên đến 172%
“Đây là dấu hiệu phải quan tâm, cần đánh giá nghiêm túc vấn đề cấp C/O của VCCI và Bộ Công Thương.” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng khẳng định, chủ trương là cần tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa tiêu thụ tại Việt Nam cũng như XK nhưng không để tình trạng lợi dụng việc cấp C/O để lẩn tránh vấn đề phòng về thương mại, lợi dụng xuất xứ hàng hóa gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam, khiến hàng hóa Việt Nam bị áp thuế.
“Do đó, cần xem xét lại thể chế, xem xét xem việc cấp C/O gắn với kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan ra sao? VCCI có kiểm tra được đầu vào nguyên liệu hay không hay chỉ kiểm tra hồ sơ? Các DN vi phạm có được cấp C/O nữa ko” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Báo cáo Tổ công tác, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI) cho biết, khi tổ công tác cấp C/O của VCCI đi kiểm tra đều mang theo những mẫu linh kiện để đối chiếu xem khai báo và xuất trình có đúng và phù hợp không, kiểm tra từng model sản phẩm…
VCCI cũng đã từ chối cấp C/O cho 30 sản phẩm, nhiều nhất là điện tử, đèn led, dây cáp.. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp (DN) không đủ tiêu chuẩn cấp C/O mà đề nghị cấp giấy chứng nhận thì VCCI vẫn cấp giấy chứng nhận. Trong giấy chứng nhận có ghi rõ giấy chứng nhận không phải C/O.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh của Bộ Công Thương cũng thông tin cho biết, trong số 71/170.000 bộ C/O được Bộ xác minh lại thì có 1 bộ C/O do DN làm giả. Ông Khánh cũng cho rằng, mỗi năm Bộ cấp cả 1 triệu bộ C/O mà phải đi xác minh thì không thể làm được.
Trước những ý kiến của VCCI và Bộ Công Thương, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Cần phải xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận. Không phải lúc nào chúng ta cũng đúng đâu. Nếu vẫn khẳng định lúc nào chúng ta cũng đúng, không có vấn đề gì thì sẽ rất khó để bảo vệ DN trong nước, bảo vệ hàng hóa Việt Nam”.
Về việc thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng không thể kiểm tra trực tiếp với 1 triệu bộ C/O được cấp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc nhở: “Chúng ta chỉ thực hiện xem xét với các mặt hàng tăng đột biến nên phải kết hợp với các lực lượng liên quan tại địa phương như thế nào để cùng kiểm soát, để không ảnh hưởng đến cục diện kinh tế và uy tín Việt Nam”.
Các vụ việc nghiêm trọng đang tăng lên
Ông Hoàng Việt Cường cho biết các vụ việc gian lận xuất xứ nghiêm trọng đang tăng rất nhanh. |
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông tin, tính đến nay, kim ngạch XK tăng 7,4% nhưng XK vào Mỹ tăng hơn 26%. Năm 2017 phát hiện 3 vụ việc lớn; Năm 2018 cũng 3-4 vụ việc nhưng 2019 phát hiện 13 vụ việc nghiêm trọng, ghi xuất xứ Việt Nam trong khi hàng từ các nước khác, mặt hàng đa dạng, từ giày dép, xe đạp, linh kiện… Hiện một số mặt hàng nhạy cảm xuất sang Hoa Kỳ đang được xem xét. Gian lận xuất xứ đang nổi lên với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc và xuất đi Mỹ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý triệt lý với các hành vi gian lận xuất xứ, không có ngoại lệ. Nếu không xử lý tốt, Việt Nam sẽ là trung tâm gian lận xuất xứ. Bởi Hoa Kỳ là thị trường XK lớn, nếu có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư của Việt Nam.
Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, cần phải xem xét cẩn thận việc Hoa Kỳ áp thuế với 1 số nước để Việt Nam không bị rơi vào trường hợp tương tự. Nếu việc cấp C/O đã đúng chuẩn thì cần lưu ý việc lợi dụng việc các quốc gia nhập khẩu cho phép DN tự chứng nhận C/O. Vì nếu tự chứng nhận thì có thể DN sẽ nhập khẩu bán thành phẩm để gia công, dán nhãn và xuất đi.
Trước nguy cơ tăng trưởng XK vào Hoa Kỳ tăng cao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề cho rằng, quy tắc xuất xứ của một số mặt hàng có lỏng lẻo không? Có kiểm tra chặt chẽ chưa? Đáng lo ngại là việc thiếu trách nhiệm của 1 số cơ quan cơ sở trong vấn đề xác định nguồn nguyên liệu.
Đặc biệt, “Quy định của pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, đề nghị các Bộ, ngành đơn vị nghiêm túc xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật để ứng xử kịp thời để bảo vệ các DN làm ăn chân chính ở Việt Nam” - Bộ trưởng kết luận.