'Nếu có ước muốn trong cuộc đời này'…

Lễ bế giảng xúc động tại Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. (Ảnh FB THPT KL)
Lễ bế giảng xúc động tại Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. (Ảnh FB THPT KL)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tháng 5, tháng 6 - mùa kết thúc năm học, mùa thi. Còn đó những ngày cuối cùng, những nước mắt, nụ cười trên sân trường mùa phượng cháy chia tay tuổi học trò trong trẻo của những cô cậu lớp 12. Nhưng những lời thầy cô dặn dò, những tình bạn trong veo sẽ theo mỗi người tới suốt cuộc đời…

Không chỉ 1.000 ngày thương nhớ

Với chủ đề Made in 12 - Ký họa, buổi lễ trưởng thành dành cho 650 học sinh lớp 12 không chỉ là lời yêu thương, biết ơn gửi tới thầy cô, cha mẹ mà còn là bức tranh tuổi trẻ rực rỡ của 1.000 ngày ở mái trường Hà Nội - Amsterdam yêu dấu.

“Cô tin các em là những học sinh đầy nhiệt huyết, đam mê. Với nỗ lực được rèn luyện, phẩm chất được trau dồi, các em hãy tự tin lựa để lựa chọn những điều đúng đắn sắp tới…” - nhà giáo Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng nhà trường nhắn gửi tới các học sinh của mình.

Lễ bế giảng năm học 2022 - 2023 của Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội, đồng thời chia tay hơn 700 học sinh lớp 12 là những phút giây rất đặc biệt của cảm xúc. Sau khi tiếng trống bế giảng vang lên, nhiều học sinh lớp 12 Chu Văn An đã bật khóc.

Viết vội những dòng lưu bút để nhắn gửi các bạn hãy nhớ về một thời học trò hồn nhiên, trong trẻo, Lê Phương Thảo (lớp 12 Tin, Trường THPT Chu Văn An), chia sẻ: “1.000 ngày học chung với nhau, bọn em không còn gì để nuối tiếc. 3 năm cấp ở Chu Văn An luôn là kỷ niệm đẹp trong quãng đời học sinh”.

Những giọt nước mắt, dòng lưu bút chuyền tay nhau viết vội hay những cái ôm thật chặt là những hình ảnh thân thương trong buổi học cuối cùng.

Người ta thường nói: “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Giây phút tiếng trống trường vang lên, quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường dần khép lại, những cô cậu tuổi 18 bước vào kỳ thi lớn đầu đời - sau rất nhiều nỗ lực học và ôn thi miệt mài để đặt chân vào giảng đường đại học.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 30 giây ghi cảnh người thầy tóc bạc trắng ngồi trên bục giảng. Phía dưới, tập thể học sinh hát vang: “Là chưa hôm nào đến lớp sớm như hôm nay/Trời nắng nhẹ, êm đềm, gió lay/Là cảm xúc khó nói chỉ biết đứng ngẩn ngơ... Sẽ rất buồn và sẽ hẫng hụt/Sau hôm nay ta cách xa rồi...”.

Khi nhóm học sinh đang hát, phía trên bục giảng, người thầy liên tục lấy tay lau nước mắt. Đi kèm clip là nội dung đăng tải của tập thể lớp gây xúc động: “Lần đầu tiên thấy thầy của chúng em khóc. Có lẽ đây là lần cuối cùng thầy được đứng trên bục giảng này, là lần cuối chúng em được lắng nghe những lời thầy dạy dỗ. Cảm ơn thầy vì suốt những năm qua luôn cống hiến cho nền giáo dục. Cảm ơn vì sự yêu thương, sự bao dung của thầy dành cho mỗi học sinh chúng em. Mến chúc thầy thật nhiều sức khỏe, niềm vui. Chúng em mãi khắc ghi ơn thầy!”.

Sau khi đăng tải, đoạn clip nhanh chóng nhận được hàng chục ngàn bình luận, chia sẻ. Nhiều người bày tỏ sự xúc động trước tình cảm ấm áp của thầy trò. Được biết, người đăng clip trên là các em học sinh lớp 12A13, Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An). Thầy giáo trong clip là thầy Văn Đức Minh (62 tuổi, giáo viên môn Sinh học). Thầy Minh xúc động khi kết thúc tiết dạy cuối cùng sau suốt 41 năm làm nghề giáo. Với các học sinh, thầy Minh là một người thầy tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì học trò. Khi lên lớp, thầy luôn giảng dạy bằng tất cả sự nhiệt huyết và đam mê khiến các em ai cũng hào hứng trong tiết học.

Theo thầy Văn Đức Minh, thầy chưa thể nào quên được cảm xúc đặc biệt hôm đó, tiết dạy học cuối cùng sau 41 năm tận tụy trong sự nghiệp “trồng người”. “Khi thấy các em hát chia tay, tôi không cầm được lòng mình nên lấy tay lau nước mắt. Tôi phải lấy tay che mặt vì không muốn thấy học sinh thấy cảnh thầy xúc động nhiều quá và nhanh chóng rời khỏi lớp vì không cầm được lòng mình. Qua lời nói cũng như lưu bút tôi muốn nhắn gửi tới học sinh nhiều điều. Mong các em trưởng thành, chăm chỉ và trở thành công dân có ích xã hội”.

Còn mãi những kỷ niệm thân thương dưới mái trường. (Ảnh FB THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội).

Còn mãi những kỷ niệm thân thương dưới mái trường. (Ảnh FB THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội).

Rưng rưng bài tập về nhà cuối cùng

Mới đây, trong group Trường Người ta, bạn Nguyễn Như Vân Anh (học sinh lớp 12A8, THPT Phú Quới, Vĩnh Long) đã chia sẻ những hình ảnh đầy lưu luyến trong buổi sinh hoạt cuối cùng thời học sinh. Vân Anh chia sẻ: “Mình cảm thấy có chút gì đó tiếc nuối, một chút không nỡ và một chút chạnh lòng khi thấy mọi người bắt đầu không kiềm nổi những dòng nước của mình mà vỡ òa ra. Hồi lớp 10, mình không nghĩ 3 năm cấp ba trôi nhanh như vậy đâu.

Cho đến năm lớp 12, không biết là do cứ mải chạy đua thời gian để kịp ôn tập cho kì thi lần này mà mình thấy thời gian trôi nhanh quá. Ngày cuối, ngồi lại cùng mọi người thật sự rất nhiều cảm xúc. Mọi người vui vẻ rồi lại cùng nhau khóc nấc trong lòng cô. Còn cả câu xin lỗi và những lời cảm ơn tụi mình vẫn chưa đủ dũng cảm nói với cô nữa”…

Mới đây, trên mạng xã hội có chia sẻ đoạn clip ghi lại bài tập về nhà cuối cùng của cô giáo dành cho học trò lớp 12 khiến cộng đồng mạng không khỏi xúc động. Đó là một bài tập đặc biệt, chẳng có thời hạn nộp, cũng không có một khuôn mẫu nào, thay vào đó các bạn học sinh sẽ phải dành suốt cuộc đời để tìm lời giải đáp.

Đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại khoảnh khắc cô giáo nắn nót viết bài tập về nhà cuối cùng lên tấm bảng với nội dung:

“12A9

Sĩ số: 43

Vắng: 43

Bài tập về nhà: Các em hãy sống thật hạnh phúc, thành đạt!

Hạn nộp: Suốt cuộc đời!”.

Sau khi giao bài tập cuối cùng cho học sinh, cô giáo quay trở lại chỗ ngồi, lén lau giọt nước mắt…

Các bạn học sinh cũng lần lượt ra về, không quên vẫy tay chào cô và các bạn. Sau cùng, cô giáo bước ra khỏi lớp, lặng lẽ đóng cửa và ôm học trò lần cuối. Được biết, đoạn clip là của cô trò lớp 12A9, THPT Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Trong bài tập này chứa đựng tình yêu thương, chúc phúc và cả những lời dặn dò của người thầy dõi theo học trò mình.

Cũng một clip khác, trên bục giảng, cô giáo giao bài tập về nhà cho học trò như thường lệ. Thế nhưng, những bài tập về nhà hôm ấy lại đặc biệt vô cùng. Bài tập ấy không có số trang, bài tập này không rõ đáp án, bài tập này cũng không có sự bắt buộc nào mà chỉ đơn là mong ước của cô giáo gửi gắm đến các học trò.

Những bài tập ấy gồm: Sống tốt, sống có trách nhiệm, sống có ước mơ - hoài bão, phải thật hạnh phúc...

Tại Trường THPT Kim Liên - Hà Nội, cảm xúc của học sinh lớp 12 đã được Vũ Gia Bảo, lớp 12A12 gói ghém trong từng câu chữ xúc động tại buổi chia tay 676 học sinh lớp 12 của trường. Vũ Gia Bảo viết:

“Gửi Kim Liên và những gì thương mến nhất!

… Còn nhiều quá những yêu thương chưa kịp cất thành lời, với biết bao ước hẹn còn dang dở và ước chăng được ở lại nơi đây thêm chút nữa, dù chỉ là một chút thôi, để lại chạy vội trên những góc hành lang cho kịp trống điểm giờ, để lại cùng lao xao mỗi khi vào lớp và cùng đổ rạp như chuối ngả sau mưa mỗi năm phút chuông reo.

Sẽ nhớ lắm, nhớ mỗi hàng cây, ghế đá, khoảng sân, nhớ cả những cung đường đã trở thành thói quen mỗi ngày thức dậy. Chợt thấy thời gian sao trôi vô tình thế, dừng lại đi, dừng lại đi được không, để viết nốt mấy dòng lưu bút cho đứa bạn thân, rồi nhặt vội những mảnh ký ức lỡ đánh rơi nơi mái tóc, nụ cười và trên những khung cửa sổ in bóng nền trời đầy hoa mộng ấy.

Cảm ơn thầy cô đã tận tụy, nghiêm khắc, kiên nhẫn và bao dung nhìn chúng con khôn lớn, bỏ lại những mệt nhọc xô bồ ngoài cánh cổng trường, để rồi mỗi khi bước lên bục giảng, chúng con lại được nhìn thấy những người cha, người mẹ thứ hai đang cháy hết mình với ngọn lửa nghề nhiệt huyết thiêng liêng, cho năm tháng qua đi là mỗi mùa sen nở.

Cảm ơn bác bảo vệ, lao công, những tấm lòng thầm lặng, đã gắn bó với mái trường biết bao nhiêu và Kim Liên sẽ chẳng thể đẹp đến thế nếu không có hình ảnh các bác cheo leo trên những bờ tường hay chiếc chổi đều tay để sàn luôn sạch bóng. Cảm ơn những người bạn của chúng ta, những chiến hữu, đồng đội đã kề vai sát cánh.

Thanh Xuân sẽ trống vắng lắm nhỉ nếu không có tiếng hò reo đến khản cổ ấy, sẽ buồn tẻ lắm nhỉ nếu đã không cùng nhau cuồng vũ giữa những đêm lửa trại liên hoan. Trong tiếng nhạc âm vang và cái nắng đỏ rực, hun đốt đất trời Hà Nội, có những trái tim, với giai điệu của tuổi trẻ, tình yêu còn bỏng cháy và sục sôi hơn thế...

Lưu luyến và biết ơn nhiều quá, những xúc cảm dâng đến nghẹn ngào để có những khoảnh khắc bỗng trở thành im lặng, chỉ còn biết đứng một góc, lặng lẽ ngắm nhìn, lặng lẽ khắc ghi hết mọi điều trong tâm tưởng. Dù chẳng nỡ, chúng ta vẫn phải lớn lên, như chú chim non phải rời tổ để đập cánh bay. Chúng ta rời xa Kim Liên để tiến bước trước ước vọng mênh mông mà cũng đầy sóng gió.

Mỗi người sẽ đi theo những lựa chọn của riêng mình, chỉ mong rằng chúng ta sẽ luôn còn nhớ, một góc sân, một khoảng trời, một ân tình còn mãi nơi đây, một kỷ niệm còn mãi đong đầy…”.

Tin cùng chuyên mục

Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. (Ảnh: Anh Nhi)

Căng thẳng chuẩn bị kỳ thi vào lớp 10

(PLVN) - Niên học 2024 - 2025 là năm cuối cùng thi vào lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, nhiều sự thay đổi về phương thức, chỉ tiêu xét tuyển khiến học sinh (HS), phụ huynh lo lắng. Đặc biệt, chỉ còn hơn tháng nữa kỳ thi sẽ diễn ra, nên đây là thời điểm HS cấp tốc ôn tập...

Đọc thêm

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?