Phố có nhiều cổng làng nhất Hà Nội
"Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ."
Những câu thơ ghi lại không khí ban mai quanh hồ Tây (Hà Nội) này vốn đã quá đỗi thân thuộc trong tâm thức người Việt. Tiếc rằng, cuốn theo dòng chảy lịch sử, ven hồ Tây ngày nay đã không còn bờ trúc, sáng sớm người ta cũng chỉ thấy được sương mù đọng trên mặt nước mà chẳng nghe được nhịp chày giã dó (giã vỏ cây dó để làm giấy) của ngày xưa. Thế nhưng, những địa danh như Trấn Vũ quán, Trúc Bạch, Thọ Xương, Yên Thái thì vẫn còn đó. Những địa danh, địa chỉ này, những không gian xưa cũ này vẫn ít nhiều được giữ lại phía sau những cánh cổng làng.
Thụy Khuê dài chừng gần 2km chạy dọc theo bờ phía nam của hồ Tây. Theo các cụ cao niên trong vùng, thì xưa kia dải đất này có tên là gò Kim Quy, phía bắc giới hạn bởi hồ Tây, phía nam giới hạn bởi sông Tô Lịch. Đường Thụy Khuê ngày nay trước đây được gọi là quan lộ hay đường lớn, nằm men theo dòng sông Tô Lịch. Sáng sớm, cả vùng chìm trong màn sương bay lên từ phía hồ Tây trông như một tấm rèm thưa trong phòng ngủ của người khuê nữ quyền quý, vì thế nên con đường mới được gọi là Thụy Khuê.
Vì được xem là vùng đất tốt, vừa gần chợ lại gần sông nên từ hơn nghìn năm trước trên gò Kim Quy đã có người sinh sống và lập nên thôn làng. Làng Hồ, làng Yên Thái, làng Đông, làng An Thọ đều nổi tiếng một thời với nghề làm giấy dó để làm đồ ngự dụng cho vua chúa xưa kia. Những địa danh này vì thế mà cũng được đi vào văn chương thi phú.
Cổng đỉnh An Thọ. |
Ngày nay, dọc con đường Thụy Khuê dù ngắn nhưng vẫn còn lưu lại đến gần chục cổng làng. Mỗi cổng lại có lối kiến trúc, quy mô khác nhau, mỗi cái mỗi vẻ nhưng đều uy nghi, ngạo nghễ so gan cùng tuế nguyệt. Dọc con đường cũng có nhiều đình, đền được xếp hạng di tích lịch sử.
Từ ngã tư Văn Cao đi về phía đường Bưởi, xuất hiện đầu tiên và đồ sộ nhất là cổng chính của làng Hồ. Cổng nay đã được trùng tu ngay trên nền cổng cũ, cao chừng hơn 6m với lối kiến trúc ba cửa tam quan bên trên có gác, trang trí họa tiết rồng mây truyền thống. Hai trụ cổng có đôi câu đối chữ nho, dưới chân cổng người làng vẫn còn giữ lại được những viên gạch, những viên đá cũ. Đặc biệt nhất là phía trước cổng làng vẫn còn cặp tượng linh vật trông như hình rồng bằng đá mặc dù đã bị dòng chảy thời gian làm ít nhiều không còn nguyên vẹn.
Cạnh cổng chính làng Hồ là cổng Hầu với kích thước khiêm nhường hơn, lối kiến trúc cũng đơn giản với chỉ một cửa bên trên có mái ngói âm dương. Trên hai cột trụ của cổng này có đôi câu đối chữ nho phiên âm là “Tô Thuỷ tuần hoàn văn phái viễn/ Lý thành tả trĩ bút phong cao” có nghĩa là “Dòng Tô Lịch đưa văn phái toả xa/ Thành nhà Lý sánh cao cùng sức bút” vốn để nói lên sự tự hào về tài văn chương thi phú cũng như sự hiếu học của người làng.
Đi tiếp độ vài trăm mét nữa, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi một kiến trúc cổ kính được tạo tác bằng nhiều họa tiết tứ linh, tùng cúc trúc mai tinh xảo, đó chính là cổng đình làng An Thọ. Cổng đình này cũng được xây lối kiến trúc cổ truyền là cổng tam quan, hai tầng mái và các cột trụ đều có đôi câu đối.
Ngôi đình này có từ thời Lý thờ ông Dầu, bà Dầu là thành hoàng làng. Tương truyền ông Dầu, bà Dầu là người trong làng, sinh sống bằng nghề giã cây dó làm giấy. Một năm nọ làng gặp nạn mà nguyên nhân là do yêu quái dưới sông Tô Lịch gây nên.
Để cứu dân làng, vợ chồng ông Dầu, bà Dầu đã nguyện nhảy xuống sông hy sinh để trấn yêu trừ hại. Để tưởng nhớ công đức đó, vua ban lệnh xây đình để thờ và truyền dạy nghề làm giấy dó cho dân trong vùng. Giấy dó làm ra cũng được vua ưu ái cho làm đồ ngự dụng, từ đó dân cư trong vùng dần phát triển, các làng ngày càng trở nên hưng vượng.
Đi thêm độ vài trăm mét nữa, du khách sẽ nhìn thấy cổng làng Yên Thái, đây là cổng làng nổi tiếng nhất và quan trọng nhất trong cụm di tích làng Yên Thái. Với kích thước khiêm nhường, kiến trúc đơn giản nhưng đây lại là cổng làng cổ còn giữ được gần như nguyên vẹn.
Đường cổng làng ghép gạch nghiêng. |
Cổng không có kiến trúc tam quan hai mái mà chỉ như một gian nhà lớn với cột xà bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương, hai bên trụ có đôi câu đối. Ngay trước cổng có hai cánh cửa gắn vào trụ xoay đặt trên lưng hai con sấu đá, ngày mở đêm đóng. Tuy nhiên hiện những cánh cửa này đã được tháo ra một phần để bảo quản và một phần để phù hợp với lối sống hiện đại. Trước cổng là bậc tam cấp bằng đá, nền cổng và đừng làng được lát gạch đan nghiêng đặc trưng.
Điểm đặc biệt nhất là trên tấm hoành phi của cổng có hai biển gỗ lớn, trong đó có một biển tía chữ vàng ghi bốn chữ nho "Mỹ Tục Khả Phong" có nghĩa là phong tục tốt đẹp do vua Tự Đức ngự ban năm thứ 1867. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đến thăm làng và đi qua cổng này.
Ngoài những cổng làng nổi tiếng trên thì đoạn đường còn có những cổng làng khác như cổng Giếng, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh… Mỗi cổng đều mang trong mình một câu chuyện, đọng lại bao nhiêu tình cảm, ký ức của dân làng.
Qua cổng phải giữ nếp làng
Những ngôi làng nơi đây đã tồn tại trước cả khi thành Thăng Long được xây dựng, nhiều công trình còn lưu lại được có niên đại cả nghìn năm. Có những đình làng nơi đây đã nhận được đạo sắc phong của những vị vua đầu triều Lý.
Khi xưa, vì điều kiện bị vây quang bởi sông hồ mà nếp làng trên dải đất này có nhiều điều đặc biệt. Phía sau mỗi cổng làng là đường làng, dọc đường làng lại có những cổng ngõ nhỏ hơn. Sau mỗi cổng ngõ là quần cư độ chục gia đình có quan hệ họ hàng sinh sống từ trước đến giờ.
Dù cổng làng ngày nay không còn đóng lại về đêm, cạnh cổng không còn chòi canh nhưng nếp sống phía sau cánh cổng vẫn gần như không thay đổi, hơi thở phố thị dường như phải dừng lại dưới bậc tam cấp của cổng làng.
Mỗi khi bước chân qua cổng làng, đi trên mặt đường gạch đan nghiêng cũ kỹ, người ta vẫn còn cảm giác vừa bước vào địa giới có quản lý, có phong tục tập quán rõ ràng. Người lạ vào làng cứ bước chân qua cổng là phải biết nhập gia tùy tục.
Mặc cho phố thị xô bồ ngày trước cửa, sau cánh cổng làng vẫn còn đó những giá trị trường tồn mặc cho năm tháng đổi thay. Đó là sự kính già yêu trẻ, sự đùm bọc của người làng, sự hồn hậu chất phác, người với người sống với nhau bằng tình cảm chân thành.
Các cụ trong làng vẫn bảo rằng dù hàng trăm hàng vạn thứ có thể đổi thay, nhưng riêng nếp sinh hoạt phía sau cổng làng vẫn vẹn nguyên từ ngàn năm trước. Họ nói rằng, không phải vì không còn tiếng chày dã dó mà không còn làng Yên Thái, người ta đi vào làng vẫn phải đi qua cổng làng, con đường làng vẫn là đường gạch đan nghiêng mà bao nhiêu thế hệ người làng đã cùng nhau xây dựng.
Cổng làng ngày nay dù không còn giá trị như một công trình xác định địa giới hay một công trình phòng thủ bảo đảm an ninh, nhưng thay vào đó, cổng làng đang trở thành một biểu tượng tinh thần, giữ lại những hồn quê giữa lòng phố thị.