Đối với chữ Hán vốn là chữ tượng hình nên bản thân mỗi văn tự với những chấm, phẩy, sổ, ngang, mác... hợp thành đã trở thành bức tranh sinh động, hay hình tượng cụ thể nào đó là điều đương nhiên. Nhưng đối với chữ Latinh không có sự mô phỏng như chữ Hán, chữ tượng thanh nhưng các nhà thư pháp Việt Nam vẫn có thể linh hoạt làm “thư pháp hóa” thành những hình tượng không kém phần hấp dẫn. Khuynh hướng này ngày càng xuất hiện trong nhiều tác phẩm sáng tác thư pháp chữ Việt. Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín là một trong người tiên phong sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới này.
Thiên khiếu, cùng lòng đam mê, sự tìm tòi, sáng tạo, khổ luyện bút pháp, cùng nguồn cảm hứng bắt nguồn từ lòng yêu nghệ thuật, yêu văn hóa Việt Nam đã giúp anh miệt mài, sáng tác cần mẫn và mang lại nhiều tác phẩm thư pháp có giá trị nghệ thuật cao. Mỗi năm, anh đều cho ra đời một bộ sưu tập thư pháp về linh vật hết sức độc đáo, chính vì vậy, để có ý tưởng cho những tác phẩm này anh đã phải ấp ủ cách đây hơn 6 tháng.
Hình 1: Họa tự chữ Long mang hình dáng rồng thời Lý. |
Hiếu Tín cho biết: “Trong số 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất không tồn tại trong thế giới tự nhiên, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng siêu việt của người xưa. Trong văn hóa Việt Nam, rồng gắn liền với truyền thống dân tộc, gắn liền với nền văn minh sông nước. Đất nước ta “con rồng, cháu tiên”, hình tượng rồng là con vật linh thiêng, biểu tượng mang khát vọng cao cả, tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn mỹ và sức mạnh phi thường”. Có lẽ với ý nghĩa cao quý đó, anh đã cho ra đời những tác phẩm thư pháp đặc biệt về rồng mà anh gọi là trường phái họa tự (vẽ chữ).
Hình 2: Giáng Long. |
Bằng những động tác nhẹ nhàng nhưng bút lực mạnh mẽ, chỉ với ngọn bút lông mềm mại, uyển chuyển, phối cương - nhu, lúc thanh thoát, lúc trầm bổng, đã giúp anh tạo ra những hình tượng con rồng với nhiều dáng vẻ phong phú, đầy cá tính của con rồng Việt... Điểm đặc biệt là hình ảnh những con rồng này đều được anh kết hợp một cách khéo léo, tài tình và sáng tạo chỉ từ 4 ký tự L-O-N-G một cách độc đáo như: chữ “Long” ra hình rồng mang dáng thon thả, uyển chuyển của rồng thời Lý (hình 1); Chữ “Long” tạo thành hình thế giáng long (hình 2); Chữ “Long” tạo thành hình rồng đang ở thế thăng long (rồng bay) với dáng uốn lượn thoăn thoắt, tròn trặn (hình 3)... Đặc biệt hơn để chào đón năm rồng, anh đã sáng tạo ra hình con rồng đang thế uy nghi, uốn lượn và phun nước tựa mưa xuân đầy ấn tượng như đang mang lại vận hội lớn, đầy may mắn cho một năm tươi mới (hình 4)...
Họa tự chữ Long với hình ảnh long phi. |
Tất cả những họa tự về rồng của Hiếu Tín đều thể hiện đặc tính của rồng là sự linh hoạt: lúc bay, lúc ẩn, lúc hiện, khi mặt đất, lúc trên không, dưới nước... và đều nói lên ước muốn chân thiện mỹ, mang phúc lành cho một năm mới được thể hiện ở những màu sắc tươi vui, rực rỡ của mùa xuân.
Hình 3: Họa tự chữ Long với hình ảnh rồng bay. |
Nằm trong khu vực của một nền văn minh lúa nước lâu đời, rồng Việt đã trải qua rất nhiều chặng đường. Nhưng dù hình rồng trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn... với những đặc điểm khác nhau, con rồng Việt đều giữ đặc thù xuất phát là thuộc giống thủy tộc chứ không phải là một loài thú trên cạn như rồng Trung Hoa. Những họa tự về rồng của anh cũng thể hiện phần nào của bản sắc rồng Việt. Hình tượng con rồng muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, đã từng xuất hiện trong thơ ca, văn học, hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa chiền của các thời đại. Nay, hình ảnh rồng lại thấy xuất hiện trong thư pháp Việt với những cách tân mới.
Hình 4: Thư pháp chữ Long theo phong cách vừa Hán - vừa Việt. |
Có thể nói, Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín đã mạnh dạn khai phá nền thư pháp cổ điển và đạt được thành tựu để mở ra một con đường mới, một phong cách mới: họa tự Việt Nam. Trước ngưỡng cửa năm mới, hy vọng rằng con rồng Việt Nam bay lên đẹp đẽ và kiêu hãnh, thể hiện khí thế vươn mình và sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.