Tết Đoan Ngọ là ngày tết quan trọng trong văn hóa của người Việt |
Vì sao gọi là tết Đoan Ngọ?
Tết Đoan Ngọ hiểu đơn giản thì là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng. "Đoan" có nghĩa là mở đầu, "Ngọ" là khoảng thời gian từ 11h-13h, ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ tức là lúc Mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
Tùy theo quan niệm vùng miền, lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ ở các miền cũng sẽ có một vài chi tiết khác nhau. Nhưng tựu chung tại, mọi người cũng đều cố gắng chuẩn bị mâm cỗ thật tươm tất, chu đáo để gửi gắm vào đó những mong ước về một mùa màng bội thu, công việc hanh thông và thật dồi dào sức khỏe.
Ở miền Bắc, mâm cúng thường có trái cây, hoa tươi và một số phẩm vật đặc trưng trong tiết khí Hạ chí như: vải, mận, xôi, bánh gio, rượu nếp.
Trong khi đó, ngoài hương, hoa, rượu nếp, nước, các loại quả thì mâm cỗ cúng tết Đoan Ngọ tại miền Trung không thể thiếu thịt vịt vì Nhiều người cho rằng vào tháng 5 Âm lịch, thời tiết oi ả, nóng bức, ăn thịt vịt tính hàn sẽ giúp cơ thể mát mẻ hơn.
Còn ở miền Nam, mâm cỗ cơ bản vẫn bao gồm trái cây, hương, hoa, vàng mã, rượu, bánh ú bá trạng, cơm rượu. Một số món đặc trưng phổ biến khác là bánh bá trạng, xôi gấc, xôi vòi, đặc biệt thứ không thể thiếu trong ngày này chính là chè trôi nước.
Những điều nên làm vào ngày Tết Đoan Ngọ
Theo quan niệm xưa, vào ngày này phải giết sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và giết sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro và hoa quả…
Với trẻ em: Sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Sau đó mới đi vệ sinh cá nhân.
Còn với người lớn, sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Sau đó bước chân ra khỏi giường uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Một số người còn chọn tắm nước lá từ thiên nhiên để diệt sâu bọ. Việc này được thực hiện sau khi đã ăn rượu nếp. Các loại lá dùng nấu nước như: lá mùi, tía tô, kinh giới, lá tre…
Những điều kiêng kỵ trong Tết Đoan Ngọ
Không soi gương sau nửa đêm: Quan niệm dân gian cho rằng vào ngày 5/5 Âm lịch, mọi người không nên soi gương lúc 24h vì khoảng thời gian này âm khí hoạt động mạnh, nếu soi gương hay chụp ảnh thì rất dễ chiêu dụ âm khí, không tốt cho sức khỏe và có thể xảy ra những hiện tượng khó lý giải.
Kiêng để dép lộn xộn: Dân gian cho rằng, giày dép trong tiếng Hán đồng âm với từ "tà", nếu để lộn xộn, lung tung thì sẽ dễ chiêu dụ tà khí. Vì vậy theo dân gian, sau khi đi ra ngoài về, mọi người nên để giày dép gọn gàng, vừa đảm bảo vệ sinh và thẩm mỹ cho căn nhà, vừa đúng phong thủy.
Không đặt chân xuống đất khi vừa ngủ dậy: Theo quan niệm của người xưa, vào sáng 5/5, người lớn khi mới ngủ dậy không được đặt chân xuống đất mà phải súc miệng 3 lần cho thật sạch, sau đó mới bước xuống bàn ăn một bát con rượu nếp, hoa quả để "diệt sạch sâu bọ".
Tránh dừng chân nơi âm u: Trong ngày 5/5 Âm lịch, các cụ thường dặn nếu đi ra khỏi nhà thì không nên dừng chân ở những nơi âm u, những nơi được cho là nhiều tà khí như bệnh viện, nghĩa trang hay nhà tang lễ… vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái: Trong ngày Tết Đoan ngọ, nếu đi du lịch hoặc đi xa và có ý định mua đồ lưu niệm, nhiều người khuyên nên tránh mua những vật phẩm có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc, với ý nghĩa tránh rước thêm tà về nhà.
Không chọn phòng đầu tiên, cuối cùng ở hành lang khách sạn: Theo phong thủy, hai vị trí này dễ hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, nhiều người cho rằng không nên ở trong những phòng bài trí các đồ vật mang tính chất tôn giáo như tranh tượng phật, thánh… bởi tác dụng chính của những vật phẩm này là trấn áp tà khí, chứng tỏ nơi này có thể nhiều tà.
Tránh làm rơi hay mất tiền: Rơi tiền bạc hay ví trong ngày Tết Đoan ngọ được cho là làm rơi mất tài lộc, khiến tài vận đi xuống. Vì vậy vào ngày này dù đi đâu, mọi người đều cẩn thận bảo vệ tài sản và tiền bạc.
Không đi du lịch, không tham quan lăng tẩm, địa đạo: Nhiều người kiêng đi du lịch ngày 5/5 Âm lịch vì cho là dễ bị hao tốn tiền bạc. Đặc biệt, việc tham quan lăng tẩm, địa đạo hay các khu chiến tích cổ xưa cũng được cho là không nên bởi đây đều là những địa điểm chứa nhiều năng lượng âm tính. Nếu bắt buộc phải đi, tốt nhất là tránh tới những nơi này sau 15h.