Về lại “nhà” xưa?
Như PLVN đã thông tin, thời điểm này, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang rốt ráo chuẩn bị các thủ tục để tiến hành cơ cấu lại Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS) sau 6 năm hoạt động, với nhiều bất cập tồn tại.
Cùng xu thế đó, câu chuyện cơ cấu lại các doanh nghiệp dịch vụ thuộc khối các tổng công ty phân phối điện (EVNNPC, EVNCPC, EVNSPC, EVNHanoi, EVNHCMC) cũng được đề cập trong giai đoạn này, bởi sau một thời gian gia nhập thị trường, ở một số nơi, vai trò và thương hiệu của các doanh nghiệp này chưa như kỳ vọng của những người quyết định khai sinh ra nó.
Đặc biệt, đối với các “tổng” miền có địa bàn hoạt động rộng (EVNNPC: 27 tỉnh, thành phía Bắc; EVNSPC: 21 tỉnh, thành phía Nam; EVNCPC: 13 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên), công tác quản lý, điều hành của các công ty dịch vụ (chủ yếu đóng tại các thành phố lớn) đối với các xí nghiệp dịch vụ nằm tại các tỉnh, thành có nơi, có lúc không kịp thời.
Sự phối hợp trong hoạt động chuyên môn giữa các xí nghiệp dịch vụ với các công ty điện lực địa phương có lúc rất chệch choạc, kém hiệu quả.
Trong khi bộ máy thì lớn, như Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc (NPSC) gần 1.000 người, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Nam 500 người, đơn vị nhỏ như Công ty Dịch vụ Điện lực Hà Nội cũng hơn 100 người, với nhiều đơn vị cấp IV là các xí nghiệp trực thuộc.
Điều đáng nói, những người lao động, những xí nghiệp nói trên, cách đây 5 năm là “con đẻ” của các công ty điện lực tỉnh, thành phố. Thực hiện chủ trương thành lập các công ty dịch vụ, ngành Điện quyết định “cắt” chuyển các xí nghiệp này về ghép với 5 Công ty Lưới điện cao thế (của 3 miền và 2 TP HCM, Hà Nội) để hình thành nên 5 công ty dịch vụ.
Vì vậy, giả thiết nếu có chủ trương “làm mới” các công ty dịch vụ, nhiều ý kiến am tường ngành Điện đề xuất nên chuyển các xí nghiệp dịch vụ về lại “nhà” xưa - các công ty điện lực tỉnh, thành phố, để công việc được sâu sát hơn, kịp thời.
Tư vấn thiết kế công trình điện là lĩnh vực dịch vụ tạo ra nguồn thu lớn cho NPSC. |
Cần mô hình ưu việt hơn
Ở một thực tế và góc nhìn khác, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho rằng, NPSC vẫn đang hoạt động hiệu quả và dường như muốn tiếp tục duy trì mô hình doanh nghiệp này.
“Khi thành lập, công ty có hơn 10 ngành nghề kinh doanh. Nhưng thực tế, chúng tôi chỉ tập trung 3 lĩnh vực chính là Tư vấn thiết kế, thí nghiệm điện, sửa chữa lớn và máy biến áp. Năm 2023, doanh thu trong lĩnh vực dịch vụ đạt 436 tỷ, sản xuất kinh doanh điện đạt 150 tỷ”, Giám đốc NPSC Nguyễn Quang Quân nói.
Đầu năm 2019, khi ra mắt NPSC, EVNNPC đặt mục tiêu phần lớn các công việc liên quan đến sửa chữa lớn sẽ là “sân chơi” của công ty dịch vụ này nhưng thực tế đến nay, NPSC chỉ thực hiện được khoảng 3 - 5% khối lượng công việc đó.
“Mục tiêu ban đầu bao giờ cũng lớn nhưng khi hoạt động, mình phải điều chỉnh kịp thời. Những “món” nào không phải là lợi thế thì phải giảm ngay và phải kịp thời phát triển lĩnh vực mà thị trường cần và mình có năng lực. Tôi ví dụ, tới đây chúng tôi sẽ đẩy mạnh dịch vụ bảo trì thiết bị, trong khi phải giảm hoạt động xây lắp”, lời Giám đốc Quân.
Trả lời câu hỏi: “Nếu ngành Điện có chủ trương cơ cấu lại mô hình doanh nghiệp dịch vụ trên diện rộng, NPSC ứng xử thế nào?”. Giám đốc NPSC trả lời: “Chúng tôi là cấp dưới thì phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng sự quan tâm tạo điều kiện của EVNNPC, thời gian qua, hoạt động của NPSC vẫn khá ổn, năm 2023 thu nhập bình quân của người lao động là 25,4 triệu đồng/người/tháng - cao hơn mức trung bình trong toàn EVNNPC”.
Rõ ràng, mỗi công ty dịch vụ ở mỗi “tổng” miền và 2 thành phố lớn đều có những điểm mạnh, yếu và đặc thù về doanh thu khác nhau. Nhưng tổ chức và mô hình hoạt động thì đang giống nhau. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác tổ chức ngành Điện phải tổng kết, đánh giá đầy đủ thực tiễn 5 năm mô hình doanh nghiệp dịch vụ điện lực để nếu có chủ trương tái cơ cấu lại các doanh nghiệp này sẽ có một mô hình ưu việt hơn để áp dụng, tránh mỗi nơi làm một kiểu…
Trong một diễn biến khác, liên quan công tác tái cơ cấu doanh nghiệp dịch vụ thuộc EVNNPT, sau khi “Tổng” này trình phương án và “kịch bản” tổ chức lại NPTS, cuối tháng 3 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - ông Nguyễn Xuân Nam đã ký văn bản số 1509/EVN-TCNS yêu cầu NPT giải trình, bổ sung thêm về phương án tái cơ cấu lại NPTS báo cáo Tập đoàn trước khi tổ chức thực hiện.