Nên làm gì khi vay tiền qua app online?

(PLVN) - Bạn đọc Nguyễn Minh An hỏi: Hiện nay, tình trạng vay tiền qua app trên mạng diễn ra rất phổ biến. Các tổ chức, cá nhân cho vay tiền đã lợi dụng tính nhanh, gọn của Internet để lừa người dân vay tiền lúc khó khăn với lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1000%. Trước thực trạng này, lực lượng Công an đã vào cuộc quyết liệt, phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi qua app.

Vậy tôi muốn hỏi, người dân cần có những kiến thức gì để không trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật này? Nếu các tổ chức, cá nhân cho vay tiền qua app với lãi suất cao bị phát hiện và xử lý thì nạn nhân có phải trả số tiền đã vay qua app không? Nếu phải trả thì trả như thế nào, lãi suất được tính ra sao?

Người dân cần thận trọng khi vay tiền qua app online ảnh 1
Người dân cần thận trọng khi vay tiền qua app online 

Biến tướng, trở thành một dạng của “tín dụng đen”

Về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh (smart phone).

Việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân.

Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của “tín dụng đen”, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Do đó, Bộ Công an khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra khi vay tiền qua app, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…) mẫu hợp đồng, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch… Bởi bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay, xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

“Vì vậy, để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ trước khi quyết định vay tiền qua app” – Bộ Công an nhấn mạnh.

Bị xử lý như thế nào?

Về hình thức xử lý, Bộ Công an cho biết, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay thì có thể bị xử lý theo quy định.

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Bên cạnh đó, theo Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… thì có thể bị truy tố theo Điều 155 BLHS 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

Về việc người vay có phải trả tiền đã vay qua app không, trả như thế nào, lãi suất ra sao, Bộ Công an cho biết, số tiền vay là vật chứng của vụ án, người vay phải trả lại số tiền đã vay của app vào tài khoản cho vay với lãi suất không vượt quá 20% lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quá trình giải quyết vụ án, căn cứ trên kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Tòa án sẽ xét xử theo luật định.

Đọc thêm

Thống nhất về việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

Pháp luật quy định thống nhất về việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu. (Ảnh minh họa - Nguồn: KT)
(PLVN) - Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu với nhiều nguyên nhân khác nhau và việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu cũng có nhiều phức tạp cần có sự thống nhất điều chỉnh.

Tiếp tục điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động.

Cần sớm làm rõ vụ bán 360 tấn điều của người khác tại Bình Phước

Bà Xiêm đến Văn Phòng đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại Đồng Nai phản ánh sự việc.
(PLVN) -Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại Đồng Nai nhận được đơn của bà Thân Thị Xiêm (SN 1979, ngụ thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu An Thuận Phát - Bình Phước phản ánh về việc bà và công ty của mình bị đối tác làm ăn tự ý bán mất 360 tấn điều thô trị giá hơn 16 tỷ đồng.

Đề xuất ô tô cá nhân tại Việt Nam lắp camera hành trình: Nhiều người dân đồng tình

Đề xuất ô tô cá nhân tại Việt Nam lắp camera hành trình: Nhiều người dân đồng tình
(PLVN) -  Mới đây, Bộ Công an đã hoàn tất dự thảo lần thứ 4, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất về điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh, video trong quá trình di chuyển. Thông tin này hiện thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận xã hội.

Đuổi vợ ra khỏi nơi ở có bị xử phạt không?

Đuổi vợ ra khỏi nơi ở có bị xử phạt không?
(PLVN) - Bà Hà Dung (Hà Nội) hỏi : Tôi và chồng có đứng tên mua ngôi nhà đang sinh sống tại Bắc Từ Liêm. Thời gian gần đây chồng tôi hay gây gổ, đuổi tôi ra khỏi nhà và ngăn cản tôi về ngồi nhà của mình. Hành vi này của chồng tôi có bị xử phạt theo quy định của pháp luật không?

Doanh nghiệp có được dùng con dấu màu xanh không?

Doanh nghiệp có được dùng con dấu màu xanh không?
(PLVN) - Ông Phan Đức (TP Hà Nội) hỏi: Gần đây tôi thấy có một số doanh nghiệp sử dụng con dấu màu xanh, trong khi đó thường tôi chỉ thấy con dấu màu đỏ. Xin hỏi, việc doanh nghiệp dùng con dấu màu xanh như vậy có đúng với quy định của pháp luật không?