Mặc dù chỉ ra những thách thức của nền kinh tế (KT) Việt Nam (VN) song theo nhận định của Trưởng đại diện IMF tại VN, ông Banedict Bingham, trong bối cảnh KT toàn cầu vẫn đang khó khăn, nền KT thực của VN vẫn tiếp tục năng động… Vấn đề được chia sẻ tại buổi sinh hoạt mới đây của Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa KT quốc tế.
Nhiều sức ép
Theo ông Benedict “tin tốt lành” là nền KT thế giới đang tiếp tục phục hồi với tốc độ mạnh hơn những dự báo trước đây. Thị trường tài chính toàn cầu cũng có nhiều dấu hiệu cải thiện, chứng khoán thế giới có dấu hiệu tăng đáng kể, điều kiện cho vay của ngân hàng toàn cầu cũng được cải thiện hơn trước nhiều.
Tuy nhiên, bức tranh KT toàn cầu không phải toàn màu hồng. KT toàn cầu được phục hồi với 2 tốc độ khác nhau, sự phục hồi theo tốc độ nhanh diễn ra ở những nền KT mới nổi, đặc biệt là ở châu Á. Ở các nền KT phát triển, sự phục hồi có phần chậm chạp, ngập ngừng và không đủ sức tạo hy vọng có thêm nhiều công ăn việc làm trong thời gian tới.
Ông Banedict Bingham cũng chỉ ra một loạt sức ép đối với nền KT thế giới: thứ nhất là các vấn đề tài chính tại khu vực đồng euro. Tình hình từ tháng 3 năm ngoái có dịu đi chút ít nhưng những vấn đề cơ bản gốc rễ vẫn còn trầm trọng và chưa được cải thiện, có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng rộng ra trong khu vực đồng euro và đe dọa tràn ra hệ thống KT, tài chính toàn cầu. Thứ hai là tình hình tài chính công của các nước phát triển vẫn còn mong manh. Các nước công nghiệp tiên tiến nợ công còn cao và có thể nói là rất cao trong khi các chính phủ vẫn chưa đưa ra được những biện pháp rõ ràng để chặn và giảm dần nợ công... Việt Nam - Tăng trưởng dẻo dai
Dẫu sao - theo ông Banedict Bingham, nền KT, thương mại thế giới sẽ tiếp tục được cải thiện và thương mại VN được hỗ trợ. Hoạt động xuất khẩu được mở rộng sẽ thúc đẩy tăng trưởng KT ở VN.
“Tôi nghĩ rằng sẽ có ngày càng nhiều vốn được chu chuyển điều hòa từ các nền KT tiên tiến nhưng trì trệ sang nền KT năng động, hiệu quả, đặc biệt là tại châu Á…”, ông Banedict Bingham nhận định.
Đánh giá về nền KT VN, ông Banedict Bingham cho rằng nền KT thực duy trì được tăng trưởng có tính chất dẻo dai, VN có khả năng tiếp tục thu hút FDI, thị trường nội địa tiếp tục năng động, số tiền kiều hối gửi về tiếp tục tăng mạnh. “Bất chấp KT toàn cầu có khó khăn nhưng nền KT thực của VN vẫn tiếp tục năng động”, Trưởng đại diện IMF tại VN khẳng định.
Lạm phát và công nợ
Mặc dù ghi nhận nền KT thực của VN tiếp tục phát triển bất chấp khó khăn về KT vĩ mô, nhưng ông Banedict Bingham cũng cho rằng, những khó khăn về KT vĩ mô ngày càng trở thành gánh nặng trên vai nền KT thực, chí phí vay vốn ngày càng đắt đỏ.
Ông Banedict Bingham, đưa ra 2 khuyến nghị cho VN. Thứ nhất, về mặt tiền tệ chính phủ phải nỗ lực kiềm chế và giảm lạm phát. Thứ hai là nợ công, chính phủ phải làm thế nào để người dân, giới DN tin rằng mối lo về nợ công sẽ được giải quyết.… Ông Banedict Bingham cũng cho rằng, thách thức đối với chính phủ là làm thế nào để người dân tin rằng chính phủ có chiến lược giảm bớt áp lực chính sách tài khóa trong 5 năm tới, để nợ công và thâm hụt ngân sách cao vừa qua sẽ được giảm dần...
“Nếu CP xử lý thành công được 2 vấn đề trên thì có thể đảo ngược được vấn đề mất lòng tin trong công chúng. Nếu như mối lo của dân chúng về nợ công cũng như lạm phát mà giảm đi thì khả năng để tỷ giá hối đoái bớt dần áp lực và dần khôi phục giá trị dòng nội tệ, gánh nặng đè lên vĩ mô VN sẽ giảm đi và không có lý do gì không tin rằng tăng trưởng KT kéo dài trong những năm qua không tiếp tục…”, Trưởng đại diện IMF tại VN, ông Banedict Bingham quả quyết…
Thanh Thanh