Người ta quan niệm, sau khi đón các cụ về ăn Tết từ hôm 30 Tết, đến ngày mùng 3, con cháu lại làm lễ đưa các cụ về âm cảnh. Lễ cúng hóa vàng còn gọi là lễ tạ năm mới hay tục “đưa ông bà”.
Theo chuyên gia phong thủy, nghi lễ hóa vàng không cố định vào ngày nào cụ thể.
Gia chủ có thể tự lựa chọn và tiến hành vào một ngày mà mình thấy phù hợp trong khoảng từ ngày mùng 3 Tết đến ngày mùng 7 Tết. Đa số các gia đình hay chọn ngày mùng 3 Tết để hóa vàng.
Năm Giáp Thìn 2024, ngày mùng 3 Tết là thứ Hai, ngày 12/2 dương lịch. Một số khung giờ hoàng đạo - giờ tốt trong ngày có thể tiến hành lễ hóa vàng: Tân Mão (5h-7h): Ngọc Đường; Giáp Ngọ (11h-13h): Tư Mệnh; Bính Thân (15h-17h): Thanh Long; Đinh Dậu (17h-19h): Minh Đường.
Mùng 4 Tết: giờ Mão (5h - 7h), giờ Ngọ (11h - 13h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Dậu (17h - 19h).
Mùng 5 Tết: giờ Mão (5h - 7h), giờ Tỵ (9h - 11h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Tuất (19h - 21h).
Mùng 7 Tết: giờ Dần (3h - 5h), giờ Thìn (7h - 9h), giờ Tỵ (9h - 11h), giờ Thân (15h - 17h), giờ Dậu (17h - 19h), giờ Hợi (21h - 23h).
Vật phẩm cần có trong lễ hóa vàng ngày Tết
Gia đình có thể chuẩn bị một số vật phẩm đơn giản gồm mâm ngũ quả, tiền vàng mã, hoa tươi, hương, trầu cau, bánh kẹo, rượu. Có thể cúng cỗ chay hoặc cỗ mặn tùy theo điều kiện gia đình. Nếu cúng cỗ mặn thì không thể thiếu gà trống.
Sau khi bày biện mâm cúng, gia chủ sẽ thắp hương và đọc văn khấn hóa vàng tiễn tổ tiên. Đợi hương cháy hết thì gia chủ chắp tay vái ba vái xin phép hóa vàng mã. Khi hạ lễ, hãy hạ lễ thần linh trước, tổ tiên sau. Nơi hóa vàng phải là nơi sạch sẽ, thông thoáng. Các lễ phải được hóa riêng chứ không gộp chung, hóa tùy tiện. Đốt vàng mã cũng thực hiện thần linh trước, tổ tiên sau. Phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm sẽ được hóa cuối cùng.
Khi tiền vàng, sớ trạng cháy hết, gia chủ vẩy thêm một chút rượu. Dân gian quan niệm rằng làm như vậy thì các cụ mới nhận được đồ con cháu gửi.
Mâm cơm cúng hóa vàng thì con cháu có thể dùng cùng nhau.
(Thông tin chỉ mang tính tham khảo)