Hội Phết năm nay, ngoài nghi thức cổ xưa, bãi đánh Phết được Ban Tổ chức (BTC) phân định bằng cây nêu và dải băng chạy xung quanh để khoanh vùng khu vực đánh phết và khu vực người xem phết. Số lượng tham gia đánh phết được BTC lựa chọn gồm 200 người từ các khu dân cư, được chia thành hai đội Giáp thượng thắt đai xanh và Giáp hạ thắt đai đỏ.
Trong các trận cầu cướp phết diễn ra chiều 12 tháng Giêng với ba bàn phết được đánh, chỉ một vài khoảnh khắc ngắn ngủi sau nghi thức tung Phết xuống lò Phết của Cụ Tiên chỉ làng, quả Phết lập tức trở thành mục tiêu “tranh giành” không chỉ của hai đội Giáp thượng, Giáp hạ mà còn của hàng ngàn thanh niên trai tráng của xã Hiền Quan và khu vực lân cận.
Ngày 12 tháng Giêng đánh 3 bàn phết; ngày 13 tháng Giêng đánh 03 bàn phết, 03 bàn chúi.
Đội thanh niên dành được quả Phết mong mong tài lộc, may mắn đến với gia đình. Ảnh: Xuân Hồng. |
Việc tổ chức cướp Phết theo đúng nghi thức truyền thống cổ xưa, các trai làng chia thành 2 phe, mỗi phe 100 người xếp hàng dọc trước bàn thờ, tay cầm dùi Phết, cờ quạt, gươm giáo.
Các chàng trai cởi trần mặc quần dài, thắt lưng màu bỏ múi, mỗi phe chọn một màu thắt lưng cho dễ phân biệt. Có 2 cụ già đứng đầu hàng, tay cầm cờ đuôi nheo, đầu chít khăn đỏ. Sau khi làm lễ trước bàn thờ, các cụ cầm cán cờ đưa chéo ngang đầu, đi dọc hai hàng quân như điểm binh.
Sau đó, các cụ dẫn hai cánh quân chạy ra bãi hội. Mỗi cánh quân kéo 3 vòng lớn, vừa chạy vừa reo, hú trong tiếng trống hội giục giã liên hồi, tiếng hàng ngàn người xung quanh hò la, cổ vũ sôi động, màu cờ rực rỡ trong nắng xuân khiến cảnh kéo quân càng thêm hùng tráng.
Hai hàng quân lúc chạy ngược chiều, lúc chạy sóng nhau, khi lượn gần, khi lượn xa, cuối cùng quấn vào nhau và xếp thành vòng thúng trước bàn thờ rồi lại tháo ra, bên nào tiến về bên ấy xếp thành hai hàng đứng trước sân đình mặt quay vào nhau.
Quả phết được đưa đến lỗ đánh Phết. Ảnh: Xuân Hồng. |
Theo quan sát của PV, bắt đầu trò cướp Phết, chủ tế lấy một quả Phết đặt lên mâm xà có phủ lụa điều ra bãi. Xung quanh có các trai làng đan tay nhau làm hàng rào hộ tống. Khi cả đoàn tiến ra giữa bãi, chủ tế đứng bên lò Phết đọc bài hò Phết, còn gọi là giáo Phết, mang nội dung tưởng niệm Thiều Hoa và cầu mùa, cầu chúc cho dân khang vật thịnh.
Sau đó, chủ tế ném quả Phết xuống lò, hai người cầm dùi Phết đập xuống 2 bên lò Phết 10 lần rồi đưa hai dùi Phết xuống lò móc quả Phết lên và cuộc tranh cướp Phết bắt đầu.
Hàng trăm người tay không lao vào tranh cướp Phết, nhiều lúc trèo lên đầu lên cổ hoặc nằm chồng đống lên nhau ồn ã náo loạn cả một vùng. Khi một người cướp được Phết chạy ra thì hàng trăm người rượt theo, dồn đuổi rồi xô vào giằng giật vô cùng quyết liệt trong tiếng trống, tiếng reo, tiếng hò la cổ vũ của hàng vạn người tham dự. Chỉ khi một người ôm chặt được quả Phết vào lòng chạy qua hàng rào cây nêu ranh giới thì cuộc chơi mới tạm ngừng.
Lễ hội “cướp” Phết đã phần nào nói lên sự gay cấn, quyết liệt của lễ hội thấm đẫm tinh thần thượng võ. Vì thế, nếu như chỉ nhìn vào sự hỗn loạn, giành giật, xô đẩy trên sân hội mà cho rằng đó là sự phản cảm quả là khiên cưỡng? Sự hăng say tranh cướp, giành giật trong một trò chơi truyền thống đòi hỏi sức khỏe và cơ bắp của những người trai làng không đáng bị chỉ trích và lên án khi nó không hề gây nên một hậu quả đáng tiếc nào.
Hội cướp Phết gay cấn quyết liệt. Ảnh: Xuân Hồng. |
Theo ông Bùi Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Hiền Quan thì trong 15 năm ông làm Trưởng ban Tổ chức, Lễ hội kéo quân đánh Phết Hiền Quan không hề có tình trạng cay cú, ăn thua mà “Nói chung trò chơi xong là xong, đội thắng thì hỉ hả ăn mừng, đội thua cũng vui vẻ ra về chờ năm sau “phục hận”. Đôi khi cũng có thanh niên bị chen lấn quá thì xỉu đi, được đưa ra chỗ thoáng một lúc hồi người lại chạy vào cướp tiếp. Với đặc thù của lễ hội “cướp” Phết, vấn đề của Hội Phết Hiền Quan không phải là giữ trật tự mà là đảm bảo an toàn cho lễ hội. 70 cán bộ chiến sỹ của Công an tỉnh được tăng cường cùng với lực lượng Công an huyện nhằm ngăn chặn kịp thời các đối tượng quá khích ở những vùng lân cận đến phá rối để Hội Phết Hiền Quan Xuân Mậu Tuất 2018 tiếp tục là lễ hội an toàn”. – Ông Thanh cho biết thêm.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết đã cắt cử cán bộ giám sát, rà soát, nghiên cứu, phục dựng lại các nghi thức truyền thống, đúng với hồ sơ gốc lễ hội Hiền Quan…