Ảnh minh họa. |
Đầu phiên họp chiều nay (27/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án với tỉ lệ 92,75% đại biểu Quốc hội tán thành.
Vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp
Theo Nghị quyết, Quốc hội đánh giá, trong những năm qua, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm hành chính, giải quyết các tranh chấp, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý vi phạm hành chính cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chất lượng ngày càng được nâng cao, hạn chế oan sai, tạo chuyển biến tích cực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đại bộ phận cán bộ làm công tác tư pháp tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều vụ việc chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế: việc chấp hành pháp luật trong khởi tố, điều tra tội phạm có trường hợp chưa nghiêm. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Vẫn để xảy ra trường hợp oan, bỏ lọt tội phạm; công tác kháng nghị, nhất là kháng nghị trong lĩnh vực dân sự, hành chính hiệu quả chưa cao.
Tỷ lệ giải quyết án hành chính còn thấp, chất lượng chưa cao; vẫn còn một số vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại chậm được giải quyết; vẫn còn một số bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; còn một số bản án tuyên không rõ, khó thi hành.
Tỷ lệ thi hành án hành chính đạt thấp, kéo dài qua nhiều năm, nhất là trường hợp người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân…
Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật trong lĩnh vực tư pháp còn chậm, chưa đầy đủ.
Năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ tư pháp chưa cao, một số trường hợp sa sút phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật, phải xử lý hình sự.
Về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao; ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”.
Tăng cường quản lý chất phóng xạ, hóa chất độc hại, chất cháy, chất nổ; có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt an ninh nguồn nước…, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng
Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%.
100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều phải được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án; thường xuyên rà soát và tích cực xác minh những vụ án tạm đình chỉ điều tra để sớm phục hồi điều tra và báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát, xử lý tại kỳ họp cuối năm...
Khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong công tác giám định tư pháp theo vụ việc, đặc biệt là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án, Cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm toán phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết đến Cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền để xem xét việc khởi tố theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật; xử lý trách nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính…
Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phải đảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát; kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao, cần có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án; tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%...
Bảo đảm xét xử các vụ án hình sự nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm, có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.
Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo Nghị quyết phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công vụ.
Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa nền tư pháp. Chính phủ có lộ trình, kế hoạch bố trí kinh phí để bảo đảm điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan Điều tra, Cơ quan thi hành án...
Tăng cường tương trợ tư pháp, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu