Giá trị về văn hóa, tinh thần
Diễn ra lần đầu tiên năm 2005, Festival Nghề truyền thống trở thành sự kiện có tầm quan trọng, cả về phát triển văn hóa, giải trí, xã hội, du lịch và kinh doanh. Qua 8 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế đã để lại rất nhiều dấu ấn.
Tháng 3/2020, Hiệp hội Festival Châu Á công nhận Festival Nghề truyền thống Huế là festival tiêu biểu của Châu Á. Cùng với việc nâng tầm vị thế thành phố festival, Festival Nghề truyền thống Huế còn góp phần bảo tồn và khôi phục các ngành nghề truyền thống ở các tỉnh, thành phố trong nước, thúc đẩy quá trình đào tạo nghề, đầu tư máy móc thiết bị để phát triển sản phẩm mới.
Đó không chỉ là bầu không khí rộn ràng, vui tươi và đậm đà màu sắc Việt qua không gian nghề truyền thống được sắp đặt đầy thú vị mà còn là một sân chơi cho các nghệ nhân khắp mọi miền đất nước về trình diễn, thi thố. Tài năng của các nghệ nhân bàn tay vàng qua Festival Nghề truyền thống được mọi người biết đến, ngưỡng mộ và từ đó tạo ra động lực tiếp sức cho những nghệ nhân trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề truyền thống của cha ông.
Bên cạnh mục tiêu giới thiệu, quảng bá văn hóa của vùng đất cố đô, Festival Nghề truyền thống Huế còn thể hiện trách nhiệm của chính quyền TP Huế trong việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện để các làng nghề tiếp tục hồi sinh và phát triển.
Lãnh đạo UBND thành phố Huế thăm cơ sở hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu. |
Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã, phường mới sáp nhập vào thành phố, sắp tới thành phố triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ với các định hướng phát triển hợp lý. Trong đó tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan trong phát triển nghề, làng nghề truyền thống; gắn việc phát triển nghề và làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Một trong những thành công mà các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế mang lại là lượng khách đến Huế tăng đã đem đến lợi ích kinh tế trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch tăng cao, người dân Huế được hưởng lợi từ festival qua dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, dịch vụ vận chuyển, lưu trú trong thời gian diễn ra lễ hội.
Bên cạnh đó, Huế đã làm và khẳng định thương hiệu Festival Nghề truyền thống Huế bằng một cách làm nghiêm túc và chuyên nghiệp với việc tổ chức một cuộc thi để sáng tạo Logo Festival Nghề truyền thống Huế, đăng ký bản quyền lên Cục sở hữu trí tuệ, tổ chức các cuộc thi để tìm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm đặc trưng từ logo festival...
Khẳng định thương hiệu
Sau mỗi kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, chúng ta lại chứng kiến sự "hồi sinh" của nhiều cơ sở làng nghề mà một thời gian dài trước đó tưởng chừng như mai một, thoi thóp theo thời gian.
Đặc biệt, qua Festival Nghề truyền thống, các làng nghề đã có điều kiện để được quảng bá rộng rãi hơn đến với công chúng, gây được tiếng vang và ký kết nhiều hợp đồng giá trị sau khi tham gia lễ hội này.
Sản phẩm nghề truyền thống làng Bao La tham gia Festival nghề truyền thống. |
Qua các kỳ festival, các điểm giới thiệu quảng bá Nghề truyền thống mới được hình thành, đồng thời nhiều điểm đến du lịch được Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng như Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Tịnh Tâm Kim Cổ, không gian 2 bờ sông Hương và các công viên, điểm xanh trên địa bàn. Từ đó, các nghề và làng nghề truyền thống có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển và mang lại nguồn lợi kinh tế như pháp lam, điêu khắc gỗ, gốm, thêu, may áo dài, hoa giấy...
Năm 2023 là năm kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 20 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Vì vậy, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động của Festival Huế 2023 do UBND tỉnh tổ chức.
Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề bên dòng sông Hương tại Festival Nghề truyền thống Huế. |
Theo lãnh đạo thành phố Huế: Thành phố đã sớm bàn và thống nhất cần lồng ghép nhiều hơn các yếu tố về làng nghề trong kế hoạch tổ chức kỳ Festival này. Đồng thời, đề cao tính truyền thống gắn với hội nhập và phát triển. Lãnh đạo thành phố Huế kỳ vọng kỳ Festival nghề truyền thống Huế 2023 thực sự đổi mới, tạo được “tiếng vang” với nhiều mục đích, ý nghĩa mà thành phố hướng đến, trong đó tập trung phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Festival nghề thống Huế 2023 cần phải lan tỏa được sự thích thú, tự hào của người dân Huế về các kỳ Festival nghề truyền thống Huế đặc trưng.
Kế thừa và phát huy thành quả của những kỳ Festival Nghề truyền thống Huế đã diễn ra, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 tiếp tục là dịp để các nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ và tinh hoa của nghề phô diễn, tạo nên những sản phẩm độc đáo để giới thiệu với công chúng và du khách. Thành công của các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Huế trở thành “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”.
Với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” - Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9/2023 là một trong những sự kiện lớn, do UBND thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) tổ chức theo đúng kế hoạch, sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến hết ngày 5/5/2023.