Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp đánh giá, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tạo ra năng lực sản xuất mới cho công nghiệp thành phố. Các doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, quản lý, tay nghề; rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động và tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp thành phố.
Cán bộ kỹ thuật Khu liên hợp sản xuất thiết bị năng lượng GE kiểm tra sản phẩm trục động cơ phát điện sức gió Ảnh: Duy Lê |
Gần 20 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp mỗi năm
Đến giữa tháng 10 năm nay, Hải Phòng thu hút 292 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,3 tỷ USD. Đặc biệt, trong 5 năm qua, kinh tế đối ngoại thành phố có sự bứt phá mạnh mẽ. Vốn FDI vào thành phố riêng năm 2008 đạt gần 1 tỷ USD, bằng cả 10 năm thu hút trước đó. Các dự án đầu tư từ những năm trước, mấy năm gần đây đem lại gần 20 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp mỗi năm, chiếm non nửa giá trị sản xuất công nghiệp địa bàn.
Nhiều dự án lớn vừa hoàn thành hoặc đang triển khai như KCN Đình Vũ với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD của Công ty CP KCN Đình Vũ, hoàn thành giai đoạn 1, đang mở rộng giai đoạn 2. Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bắc Sông Cấm (Thủy Nguyên) của Công ty TNHH VSIP Hải Phòng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD giai đoạn 1, đang giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Khu nghỉ dưỡng và sân gôn Sông Giá của Công ty TNHH Amco Mibeak Vina, vốn đầu tư 2 giai đoạn gần 600 triệu USD, đang hoàn thiện hạng mục sân gôn với số vốn đưa vào thực hiện hơn 50 triệu USD. Khu liên hợp sản xuất thiết bị năng lượng GE trong KCN Nomura- Hải Phòng của Tập đoàn năng lượng GE (Mỹ), vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 61 triệu USD, vừa hoàn thành nhà máy và đi vào hoạt động. KCN Nomura Hải Phòng có nguồn vốn đầu tư Nhật Bản hơn trăm triệu USD nay cơ bản lấp đầy, được đánh giá là KCN đẹp và hiện đại nhất Việt
Vốn FDI đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Hiện các ngành công nghiệp, dịch vụ chiếm hơn 90% tổng cơ cấu GDP thành phố.
Thúc đẩy thương mại và hợp tác
Cùng với đẩy mạnh thu hút vốn FDI, lợi thế cảng biển quốc tế và việc Việt Nam gia nhập WTO đem lại một không gian kinh tế rộng mở, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cho các doanh nghiệp Hải Phòng. Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Hải Phòng Phạm Hữu Thư, tính đến nay, Hải Phòng có quan hệ thu hút đầu tư với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; quan hệ thương mại, hợp tác với gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao không chỉ góp phần quan trọng đổi mới công nghệ, tạo nhiều việc làm cho người lao động mà còn nâng cao trình độ quản lý, tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Sản phẩm của nhiều doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh đạt tiêu chuẩn, trình độ quốc tế, có sức cạnh tranh cao như xi-măng Chifon, thép Hàn- Việt, Việt- Úc, dây và cáp điện LS Vina, các sản phẩm dệt may và da giày, điện, điện tử…
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố khá cao so với bình quân chung của cả nước và nhiều thành phố lớn. Trong một số tháng đầu năm nay, trong khi kim ngạch xuất khẩu cả nước và nhiều thành phố lớn sụt giảm mạnh, thậm chí “âm” thì kim ngạch xuất khẩu thành phố luôn tăng trưởng ở mức cao.
Quan hệ hợp tác quốc tế về nhiều mặt của thành phố cũng được nâng lên. Thành phố Hải Phòng kết nghĩa với hơn 10 tỉnh, thành phố lớn trên thế giới. Nhiều hội nghị quốc tế lớn được tổ chức tại Hải Phòng, gần đây nhất là Hội nghị phi tập trung Việt- Pháp… Hải Phòng cũng tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, hội nghị quốc tế lớn, các hoạt động về môi trường và kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Hải Phòng có vị trí quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế- quốc tế với Trung Quốc và các nước ASEAN, nhất là trong hành lang kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh- Lào Cai- Côn Minh.
Mai Hương