Thông thường người ta đề nghị nâng cốc để chúc mừng một nhân vật, một sự kiện, chúc cho thành công hoặc chào mừng thắng lợi của một dự án… Vậy, nâng cốc chúc mừng như thế nào để cả chủ lẫn khách đều vui vẻ mà vẫn không phá vỡ không gian trịnh trọng của buổi lễ, tiệc?
![]() |
Chủ lễ sẽ là người đầu tiên nâng cốc chúc mừng, sau đó vị khách mời danh dự đáp lễ. Nếu dự kiến có thêm những người chúc rượu khác thì các diễn giả chính phải được biết trước. Nếu để tự do ai chúc rượu cũng được thì có thiện ý chăng nữa, cũng dễ xảy ra sai sót, ngay cả về thứ tự ưu tiên phát biểu trong buổi tiệc.
Lời chúc rượu, hay chỉ là câu kết của bài phát biểu luôn được kết thúc bằng việc diễn giả nâng ly và các vị khách mời cùng làm theo. Nếu đang ngồi, khách mời sẽ cùng đứng dậy để nâng cốc chúc sức khỏe của nhân vật trung tâm của sự kiện. Nghi lễ được lặp lại y hệt ở lần chúc rượu thứ hai, nghi lễ vẫn không thay đổi. Nhưng sang đến lần thứ ba thì tốt nhất là chỉ nâng ly vì việc tất cả mọi người liên tục đứng lên, ngồi xuống như vậy sẽ rất kỳ cục.
Tại buổi tiệc thân mật, người ta có thói quen xướng tên của người được chúc rượu mỗi lần cụng ly. Còn ở các buổi tiệc chính thức, những người ngồi bên nhau chỉ chạm ly với nhau chứ không gây tiếng vang. Giữa nhóm bạn bè ít người, tiếng vang cụng ly nghe thật dễ chịu, nhưng ở đám đông hay khi chỉ có hai người tiếng vang này cộng hưởng gây thành thứ tiếng ồn khó chịu tựa như tiếng vỡ của tách chén.
Nếu vào lúc mọi người đề nghị nâng cốc mà ly của bạn lại cạn rượu, tốt nhất là đừng cầm chân ly như kiểu cách thanh lịch khi uống rượu vang, mà giữ phần thân ly để che đi phần cốc rỗng. Như vậy bạn cũng có thể nâng cốc như tất cả mọi người, không gây ái ngại cho ai và cũng tránh bị phóng viên nhiếp ảnh chớp được một cảnh không bình thường. Những người kiêng uống rượu cũng có thể làm như thế, hoặc dùng luôn cốc nước ngọt, nước suối để cùng chúc với mọi người. Tốt nhất là hòa vào không khí chung, thể hiện nhiệt tình của mình chứ đừng giữ vẻ tách biệt với mọi người.
Vì không có ai tự nâng cốc chúc chính mình nên trong trường hợp lời chúc rượu dành cho một cá nhân cụ thể người ta ngồi tại chỗ để nhận lời chúc mừng. Ví dụ cô dâu, chú rể trong tiệc cưới hay chủ nhân của lễ mừng sinh nhật. Tuy nhiên, tại buổi lễ chính thức, với sự có mặt của các quan chức đại diện cho các thiết chế thì nghi lễ lại khác: Khi được đồng nhiệm chúc rượu, vị nguyên thủ quốc gia sẽ thay mặt nhân dân mình đứng dậy tiếp nhận lời chúc và chạm môi vào cốc.
PHI TUÂN (tổng hợp)