Luật GTĐB năm 2008 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008 (thay thế Luật GTĐB năm 2001), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 đi vào thực tiễn đã có những tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công an, 10 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, quy định về biển báo hiệu đường bộ chưa phù hợp; thiếu các khái niệm liên quan đến an toàn giao thông. Kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn rất cao.
Việc đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ cũng đang rất hạn chế, tồn tại nhiều bất cập. Trong 10 năm qua, tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, mới chỉ đạt từ 5-12% trong khi theo yêu cầu là từ 16%-26%. Đối với việc áp dụng, phát triển công nghệ phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải (như grab), hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để điều tiết các vấn đề có liên quan, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia vào các công đoạn của hoạt động vận tải.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại được trong công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế; thiếu các quy định cụ thể và chặt chẽ về việc đầu tư, lắp đặt, quản lý, khai thác, vận hành, sử dụng hệ thống giám sát về TTATGT, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác chỉ huy điều khiển giao thông, phát hiện và xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như các vấn đề về an ninh, trật tự diễn ra trên các tuyến giao thông đường bộ…
Trong giai đoạn tới, đất nước sẽ có nhiều đổi mới, kinh tế xã hội sẽ phát triển nhanh, mạnh bền vững và hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn giao thông có nhiều yếu tố mới, phức tạp hơn.
Do vậy, để bảo đảm trật TTATGT, giảm tai nạn giao thông bền vững, khắc phục ùn tắc giao thông trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm. Cụ thể là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo đảm TTATGT, trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu và tạo hành lang pháp lý đủ mạnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT đường bộ.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tạo bước đột phá thông qua triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách, quy định các chế tài đủ mạnh nhằm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…