Cải cách mô hình kiểm tra hiện tại
Theo Quyết định này, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu từ năm 2022 triển khai hiệu quả mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Chuẩn bị các giải pháp, hoạt động triển khai cho giai đoạn 2024-2026 để thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.
Các nhiệm vụ chủ yếu được Bộ Tài chính đặt ra là chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị và tổ chức liên quan quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện các nội dung cải cách của Đề án.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu triển khai mô hình mới tại Đề án, trong đó rà soát các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để xây dựng kế hoạch chi tiết về kinh phí và các tính năng cần nâng cấp, tận dụng tối đa các hệ thống hiện có để tránh đầu tư lãng phí.
Nâng cao nhân lực, trang thiết bị
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung nâng cao nguồn lực cho cơ quan hải quan bao gồm cả nhân lực và trang thiết bị, máy móc, quy trình, thủ tục đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo hướng xây dựng các tiêu chí quản lý rủi ro, ứng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin. Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực triển khi các giải pháp để tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.
Trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chủ trì trình xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời chủ trì phát triển hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo triển khai mô hình mới tại Đề án. Thực hiện tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan thông qua hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số.
Theo đó, các yêu cầu để triển khai Đề án thuộc nội dung quản lý nhà nước về hải quan sẽ được thực hiện trong nội dung thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện hải quan số theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1: Thời gian từ 2021 – 2022, các yêu cầu tại Đề án được thực hiện trong đề cương nâng cấp hệ thống Thông quan điện tử V5. Giai đoạn 2: Từ 2022, các yêu cầu tại Đề án được triển khai tại Đề án tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan. Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đáp ứng yêu cầu triển khai tại Đề án.
Bên cạnh đó, để triển khai Đề án, Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, thực hiện rà soát quy trình, thủ tục hải quan hiện tại để xây dựng quy trình thủ tục hải quan gắn với hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu một cách hiệu quả.