Trước thực tiễn này, việc trang bị hành trang pháp lý là yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào một sân chơi lớn hơn, đa dạng và phức tạp hơn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, việc đàm phán, gia nhập Hiệp định TPP đang ở những vòng cuối. Trước thời điểm này, yêu cầu nâng cao năng lực pháp lý cho các doanh nghiệp Việt như thế nào?
- Hiệp định TPP có phạm vi rộng bao gồm nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực phi truyền thống như: lao động, môi trường, chống tham nhũng, cải cách doanh nghiệp nhà nước và mua sắm công có gắn kết với thương mại. Do đó, TPP sẽ đem lại những tác động đáng kể đến khuôn khổ pháp luật về kinh tế, thương mại hiện hành và đặc biệt là tổ chức thi hành pháp luật của Việt Nam, trong mối quan hệ với pháp luật nước thành viên khác.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc |
Việc Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP lần này là sự hội nhập sâu hơn, mạnh hơn, đa dạng và phức tạp hơn vào nền kinh tế quốc tế. Nếu không có sự hiểu biết pháp luật, không nâng cao năng lực pháp lý thì các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thậm chí rủi ro lớn trong hoạt động kinh doanh. Ông có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này?
- Khuôn khổ pháp luật do Hiệp định TPP tạo ra bao gồm pháp luật của thị trường nội địa và của thị trường 11 nước đối tác còn lại.
Trên sân nhà, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp 11 nước còn lại được đảm bảo sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử. Hiệp định TPP yêu cầu các nước thành viên hạn chế tối đa các bảo trợ cho doanh nghiệp trong nước và do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự vươn lên trong môi trường cạnh tranh bình đẳng này. Đối với thị trường của 11 nước còn lại, rủi ro về mặt pháp lý còn cao hơn rất nhiều.
Muốn tận dụng hiệu quả các cam kết trong Hiệp định TPP, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải hiểu rõ luật chơi Hiệp định TPP cho cả sân khách và sân nhà. Nếu không nắm bắt được cam kết chung của các nước, cam kết riêng của từng nước và khung pháp lý của Việt Nam được điều chính đối với 11 nước đối tác TPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tận dụng các lợi ích mà Hiệp định mang lại, nguy hại hơn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc chơi đầy tiềm năng này do không đủ năng lực để cạnh tranh.
Thưa ông, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt cần làm gì để nâng cao năng lực pháp lý, nắm bắt được cơ hội lớn và vượt qua được những thách thức không nhỏ khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP?
- Tôi cho rằng khi tham gia Hiệp định TPP, doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rõ cơ hội đích thực cũng như thách thức đặt ra đối với bản thân trong từng lĩnh vực của mình. Tôi xin đề xuất ba việc doanh nghiệp Việt Nam cần làm:
Thứ nhất, sớm coi yếu tố pháp lý là yếu tố quan trọng trong mỗi quyết định kinh doanh của mình với tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật;
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nhân Việt Nam cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về luật chơi trong Hiệp định TPP để chuẩn bị tham gia cuộc chơi mới với một khuôn khổ pháp lý phức tạp, tinh vi thì việc kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết rõ và đầy đủ các quy định của Hiệp định TPP và pháp luật của các nước thành viên liên quan là điều không thể. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải dần hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp lý và chuyên gia tư vấn.
Thứ ba, với những kiến thức cơ bản về Hiệp định TPP và những tư vấn pháp lý cần thiết thì mỗi doanh nghiệp cần nhận ra đâu là những cơ hội đích thực mà Hiệp định TPP sẽ mang lại và cái giá, tức là những thách thức đi cùng là gì để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp./.