Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Triển khai Luật, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Quyết định, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 08 Thông tư hướng dẫn.
Ngoại trừ Nghị định quy định việc sử dụng TSC để thanh toán cho các Hợp đồng BT Chính phủ đang xem xét để ban hành, cho đến nay, tất cả văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng TSC đã được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện.
Sau 01 năm triển khai luật, đã có 11 bộ, ngành ở T.Ư và 62 địa phương đã ban hành văn bản về phân cấp thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng TSC; 12 bộ, ngành và 32 địa phương đã ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dụng; tạo ra sự đồng bộ chung trong việc thực thi quy định pháp luật.
Trong năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất, tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc bố trí trụ sở làm việc cũng như rà soát các cơ sở nhà, đất để xây dựng phương án cổ phần hóa đối với các các doanh nghiệp nhà nước chặt chẽ, đúng quy định.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đã rà soát để phân loại các tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, hiện nay cũng đang rà soát để phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo tinh thần Nghị định Chính phủ mới ban hành.
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC, hướng dẫn phân cấp đăng nhập dữ liệu TSC và sử dụng các phần mềm khác để quản lý tài sản chuyên dùng, tạo điều kiện cho các đơn vị truy cập vào hệ thống để quản lý tài sản của mình, đồng thời đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách cho các cơ quan, đơn vị. Đến nay, đã có 31 bộ, ngành và 62 địa phương thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC; Chỉ có 4 bộ, ngành và 1 địa phương chưa thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong quá trình thực hiện cho thấy có một số vấn đề cần được tập trung trao đổi để hoàn thiện, cụ thể là: Việc phân cấp quản lý TSC cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý sắp xếp xử lý TSC ở đơn vị, địa phương mình, có thể là quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để lấy tiền thu vào ngân sách nhà nước; Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn, chủ yếu ở cấp Nghị định cần được nêu rõ hơn như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn của nhà nước, doanh nghiệp có hình thức công ty mẹ, công ty con,…đều cần có hướng dẫn cụ thể.
Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng của một số bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH chậm, từ đó đã có những khó khăn nhất định trong việc thực hiện ở các đơn vị cơ sở; Việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp cũng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để sử dụng quản lý TSC đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Do đó, Hội nghị là dịp để Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, các địa phương đánh giá và làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. “Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng TSC, đồng thời phòng phòng tránh các biểu hiện tiêu cực, thất thoát TSC…” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.