Trong năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, Hội đồng phối hợp PBGDPL đã kịp thời tư vấn chuyển hướng công tác PBGDPL theo phương án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong PBGDPL vận hành chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh được kết nối với các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; các phương tiện truyền thông tích cực thông tin, tuyên truyền. Nội dung PBGDPL tập trung phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, triển khai các văn bản luật mới.
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, phát huy vai trò là cơ quan tư vấn, tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL, Hội đồng đã tư vấn UBND tỉnh định hướng cụ thể các nội dung tuyên truyền, PBGDPL với trọng tâm tập trung vào việc bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức triển khai công tác PBGDPL, tập trung đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lấy người dân làm trung tâm.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại phiên họp |
Đồng thời, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp và các văn bản khác triển khai thông qua Trang thông tin điện tử, tài liệu tuyên truyền. Hội đồng tổ chức triển khai những Luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan trực tiếp đến đông đảo cán bộ, nhân dân. Đối với các văn bản luật chuyên ngành do các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn chuyên sâu cho các đối tượng liên quan...
Bên cạnh định hướng về nội dung, Hội đồng chú trọng định hướng về hình thức tuyên truyền, PBGDPL. Ngoài các hình thức, biện pháp PBGDPL truyền thống đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng việc xây dựng, vận hành Cổng/Trang Thông tin điện tử PBGDPL gắn với thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng mạng xã hội,… để PBGDPL.
Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh cũng chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Đến nay toàn tỉnh có 129 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 197 Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.694 Tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; có 1.121 Tổ hòa giải với 6.614 Hòa giải viên tại các thôn, tổ dân phố. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã tiếp nhận hòa giải 1.079 vụ, việc. Kết quả hòa giải thành 801 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 74,2%); số vụ việc hòa giải không thành 234 vụ (21,7%); số vụ việc chưa giải quyết xong 44 vụ.
Các cơ quan phối hợp tổ chức phổ biến, tư vấn pháp luật cho người dân |
Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù (cán bộ, người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động trong các doanh nghiệp, phạm nhân) tiếp tục được duy trì và thực hiện hiệu quả... Các ngành có liên quan (Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng, Ban Dân tộc, Công an...) và các huyện, thị xã, thành phố Huế đã có sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực vào công tác PBGDPL cho cán bộ, người dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số...
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL tại cơ sở; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và một số vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền, PBGDPL. Trong đó, có thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả PBGDPL đến người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế trong giai đoạn hiện nay; PBGDPL qua việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; vấn đề đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, nhất là xây dựng các mô hình tuyên truyền.
Đây cũng là cơ sở để ngành Tư pháp tỉnh nghiên cứu, tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.