Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có 28 đại biểu dự họp trực tiếp và 82 đại biểu dự họp thông qua hình thức trực tuyến.
Diễn đàn được tổ chức nhằm trao đổi ý kiến, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tổ chức hoạt động Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2021-2025, đồng thời trao đổi về Kế hoạch, các hoạt động xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ năm 2022.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Dân sự-Kinh tế Nguyễn Thanh Tú đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong thời gian vừa qua. Điều đó đã được khẳng định tại nội dung Văn kiện Đại hội XIII với các nội dung: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp thương mại; Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; Cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, mang tính liên ngành, liên vùng.
Thông qua Diễn đàn, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú hy vọng các đại biểu trao đổi, thảo luận tích cực nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các giải pháp dài hạn kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nền kinh tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trình bày một số tham luận với nội dung quan trọng, như: Thực tiễn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030; Bài học kinh nghiệm về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ mô hình “Café doanh nhân sáng thứ 7” và kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030…
Năm 2020, Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2020 (Chương trình 585).
Theo đó, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, mặc dù gặp không ít khó khăn song Chương trình 585 đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc triển khai Chương trình 585 đã bám sát mục tiêu, nội dung đặt ra. Nhìn chung các mục tiêu của Chương trình 585 cơ bản đã đạt được.Chương trình 585 về cơ bản đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Chương trình 585 đã phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể, như: tổ chức các lớp bồi dưỡng; tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và người làm công tác pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các kênh truyền hình, đài tiếng nói…Những kết quả triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình 585 đã để lại dấu ấn nhất định đối với cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khẳng định được vai trò và tác động tích cực của Chương trình 585, góp phần nâng cao vị thế của Bộ, Ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2020, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình 585 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Một số hoạt động được triển khai đã nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, báo chí và đặc biệt từ chính cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ Chương trình 585.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"