Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay, 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Phát biểu tại phiên họp, dẫn báo cáo của Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025, Đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của năm 2024 ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao; thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%)...
Đại biểu bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung đánh giá về kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội.
Trong nhiều nội dung đánh giá về khó khăn, tồn tại, Đại biểu bày tỏ quan tâm đến nội chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Đại biểu nhắc lại phần trả lời trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có đánh giá: “Công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức; sau khi được chấp thuận chủ trương thì mới bắt đầu thực hiện một cách thực tế và lúc đó lại mất thời gian để điều chỉnh, dẫn đến lãng phí rất nhiều thời gian”.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Theo Đại biểu, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ; năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế.
Một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách tuy đã được phát hiện nhưng còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực ngân sách nhà nước, đầu tư công, đấu thầu…
Tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định sửa đổi một số Luật liên quan để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng.
Trên cơ sở đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung. Đó là, cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, vấn đề giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án khi đưa danh mục dự án vào kế hoạch vốn.
“Nngười phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt”, Đại biểu nhấn mạnh.
Cùng với đó, Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo việc bố trí kinh phí và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước để đảm bảo có thể triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư của năm tiếp theo ngay từ đầu năm.
Đại biểu Triệu Quang Huy cho rằng, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Trong khi đó, đề cập đến vấn đề quản lý các Quỹ, Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay, chúng ta có hơn 20 Quỹ, một số Quỹ sắp đóng cửa nhưng cũng có một số Quỹ sẽ được hình thành theo các luật mới.
Theo Đại biểu, báo cáo của Chính phủ có nêu nhưng mới chủ yếu là về cân đối thu chi của các quỹ, chưa có đánh giá cụ thể về quản lý các quỹ này.
Do vậy, Đại biểu đề nghị QH hoặc một cơ quan chuyên môn của QH tiến hành giám sát các Quỹ để có đánh giá cụ thể, kỹ càng, đảm bảo việc quản lý, sử dụng các quỹ một cách hiệu quả.