1. Mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ giải ngân, trả góp, rút tiền mặt, nâng hạn mức thẻ tín dụng
Đối tượng lừa đảo lập tài khoản trên mạng xã hội Zalo/ Facebook có sử dụng logo, phòng giao dịch, hình ảnh của nhân viên MSB… và sử dụng các tài khoản này liên hệ với khách hàng để giới thiệu các gói vay vốn hấp dẫn hoặc cung cấp dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng/ hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng.
- Đối tượng lừa đảo tiếp cận, trao đổi, mời khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (Số thẻ CCCD/CMND/sổ hộ khẩu) để hỗ trợ vay vốn/ thanh lý hồ sơ cho vay/ giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn. Đối tượng lừa đảo giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo Ngân hàng gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay/ thỏa điều kiện để nhận ưu đãi của Ngân hàng và yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền/phí. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Đối tượng lừa đảo tiếp cận, tư vấn, yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ để hỗ trợ vay vốn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối tượng thông báo khách hàng không đủ điều kiện vay vốn do có nợ xấu, yêu cầu đóng trước một khoản tiền để xóa nợ xấu. Chuyển một khoản tiền gọi là phí hồ sơ để hoàn tất thủ tục. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng này ngay lập tức chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Đối tượng lừa đảo tiếp cận, chào mời hỗ trợ khách hàng trả góp qua thẻ tín dụng, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, nâng hạn mức thẻ tín dụng v.v… yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, đồng thời sẽ yêu cầu cung cấp mã OTP để hoàn tất thủ tục. Nếu khách hàng cung cấp mã số này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…
Hiện nay, quy trình vay vốn/ cấp tín dụng tại MSB luôn được Ngân hàng thực hiện minh bạch, khách hàng gặp gỡ trực tiếp với Ngân hàng hoặc thông qua hệ thống ứng dụng/ nền tảng công nghệ do MSB phát triển để ký nộp hồ sơ vay vốn nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình đăng ký vay vốn.
Vì vậy, khách hàng tuyệt đối nâng cao cảnh giác trước bất kỳ lời mời chào vay vốn từ các số điện thoại cá nhân, yêu cầu kết bạn Facebook/ Zalo, yêu cầu chuyển trước các khoản tiền phí, đặt cọc v.v…
Nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng MSB, Quý khách hàng có thể tới quầy giao dịch gần nhất hoặc liên hệ với MSB thông qua các kênh chính thức dưới đây.
- Hotline Contact Center dành cho khách hàng cá nhân: 1900 6083
- Website: https://www.msb.com.vn
- Email: cskhcanhan@msb.com.vn
- Fanpage Facebook: https://www.facebook.com/MSBVietnam/
2. Tin nhắn giả thương hiệu ngân hàng (SMS brandname) hoặc cuộc gọi từ cơ quan điều tra
Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn SMS giả mạo thương hiệu ngân hàng thông báo giao dịch bất thường kèm theo đường link giả (https://msb.vn-iy.life; https://msb.com.vn-ct.xyz;...) để lừa khách hàng nhập thông tin bảo mật, mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo còn giả mạo cuộc gọi từ các cơ quan điều tra liên hệ thông báo trúng thưởng, thông báo biến động số dư bất thường/phát sinh chi tiêu quốc tế, yêu cầu tra soát tài khoản… và gửi kèm với một đường dẫn giả mạo để khách hàng đăng nhập bằng tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp các thông tin về tài khoản, mật khẩu, OTP.
Sau khi khách hàng click vào đường link giả mạo, nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP xác thực, đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác.
3. Mạo danh nhân viên mạng viễn thông (Esim/ Cướp sim)
Đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công ty viễn thông, liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn và đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí và hướng dẫn cú pháp để chuyển đổi. Khách hàng khi thực hiện theo sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại.
Sau khi chiếm được SIM điện thoại, các đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập và sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản/ Thẻ ngân hàng có liên kết ví điện tử của khách hàng. Khách hàng bị mất/ chiếm đoạt SIM điện thoại phải đối mặt với nguy cơ cao sẽ mất tiền trong tài khoản ngân hàng.
4. Lừa đảo mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử (Shopee/Lazada/ Tiki)
Các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng ảo, công việc yêu cầu đặt mua các đơn hàng ảo nhưng chuyển khoản thanh toán thật, sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng hoa hồng từ 10% đến 20%.
Các đơn hàng đầu tiên thường trị giá nhỏ từ 1 đến 2 triệu đồng. Cộng tác viên sau khi chuyển khoản đều được đối tượng báo nhiệm vụ thành công và chuyển trả đầy đủ tiền gốc, cộng thêm hoa hồng như cam kết để lấy lòng tin. Tiếp đó, đối tượng sẽ gửi nhiệm vụ lớn hơn có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, rồi báo lỗi, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khác, đủ điều kiện mới được hoàn lại tất cả các đơn bị lỗi trước đó.
5. Mạo danh người thân nhắn tin vay mượn tiền, nhận tiền từ nước ngoài.
Đối tượng lừa đảo lập tài khoản giả mạo hoặc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của khách hàng. Tiếp đó, đối tượng lừa đảo sẽ nhắn tin với người thân quen trong danh sách bạn bè của khách hàng để nhờ thanh toán tiền, mua thẻ cào điện thoại, chuyển khoản vào một số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng đã chuẩn bị sẵn từ trước hòng chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo mạo danh người thân nhắn tin cho khách hàng báo có khoản tiền nước ngoài mới chuyển về, yêu cầu khách hàng vào đường link đăng nhập tài khoản Internet Banking và OTP để nhận tiền. Sau khi khách hàng click vào đường link giả mạo, nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP xác thực, đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác.
Nhằm phòng tránh các nguy cơ lừa đảo có thể xảy ra, MSB khuyến nghị khách hàng:
1. Xác minh độ tin cậy của các tin nhắn SMS nghi ngờ giả mạo bằng cách sao chép SMS gửi tới 9548 (Viettel), 9241 (Mobiphone), 1551 (Vinaphone).
2. Ưu tiên sử dụng ứng dụng MSB mBank trên điện thoại để thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử của MSB hoặc truy cập duy nhất tại địa chỉ: https://ebank.msb.com.vn/
3. Không cung cấp hình ảnh 2 mặt chứng minh thư/ căn cước công dân /giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai qua facebook/ zalo vì bất kỳ mục đích gì.
4. MSB không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển khoản cho cán bộ hỗ trợ tín dụng. Tất cả các khoản phí sẽ được thu tự động trên tài khoản của khách hàng hoặc thu tại quầy giao dịch.
5. Không cung cấp thông tin tài khoản, số thẻ, mật khẩu, các mã OTP cho bất kỳ ai và Không nhập các thông tin này trên các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, Facebook, Zalo…
6. Chủ động bảo quản các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính sử dụng dịch vụ Internet banking, Mobile banking. Ngoài ra, khách hàng không nên đăng nhập tài khoản ngân hàng điện tử tại các thiết bị của người khác không phải của mình.
7. Gọi điện thoại xác thực lại với người thân khi được nhắn tin qua Zalo/Facebook nhờ mua thẻ điện thoại hoặc nhờ chuyển khoản do đang có việc gấp cần tiền.
8. Cẩn trọng trước các lời mời chào hấp dẫn, kiếm tiền/ vay tiền đơn giản, nhanh chóng.
9. Thông báo ngay cho MSB qua Hotline số 1900 6083 và cơ quan Công an để được hỗ trợ.
10. Chia sẻ thông tin này với người thân, bạn bè để cùng nâng cao cảnh giác.
Trong trường hợp Quý khách nhân được thông tin giả mạo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo xin vui lòng thực hiện ngay:
- Liên hệ ngay tới Hotline 24/7 khách hàng cá nhân của MSB 1900 6083 để khóa dịch vụ.
- Đổi mật khẩu đăng nhập trên ứng dụng MSB mBank bằng chức năng “Đổi mật khẩu” tại mục “Cài đặt”.
- Thực hiện tạm khóa thẻ trên ứng dụng MSB mBank chọn “Khóa thẻ” tại mục “Dịch vụ thẻ” hoặc đăng nhập tài khoản trên website: https://ebank.msb.com.vn/chọn "Mở khóa/Khóa/Kích hoạt thẻ" tại mục "Cài đặt.