Lo giảm sẽ “mất giá”?
Dù đang nổi lên như một điểm đến golf hấp dẫn trong khu vực, loại hình du lịch này vẫn còn mới đối với Việt Nam. Chúng ta vẫn chưa có nhiều tay chơi golf chuyên nghiệp là người bản địa, cũng như vẫn chưa đăng cai tổ chức bất kỳ giải đấu golf quy mô lớn nào. Bên cạnh hệ thống dịch vụ cho du lịch golf vẫn còn chưa chuyên nghiệp, việc thiếu kết nối giữa các công ty du lịch và chủ sở hữu sân golf đã gây ra tỷ lệ thấp cho các tour du lịch golf.
Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, muốn kích cầu các tour du lịch golf cần có gói đánh golf riêng với giá thấp hơn nhiều so với hội viên chơi golf. Ví dụ, một đoàn khoảng 40 người sử dụng dịch vụ này không nên chia theo nhiều nhóm với thời gian lệch nhau và tính giá từng nhóm một. Như vậy vừa giảm trải nghiệm cho du khách, công ty du lịch khó sắp xếp tour, lượng du khách theo đoàn ở loại hình du lịch này sẽ hạn chế hơn.
Các công ty lữ hành yêu cầu sân golf có chương trình giảm giá nhưng các chủ sân lại lo ngại "mất giá" |
Các đại diện các công ty du lịch như Saigontourist, Vietravel hay Cosevco đều đưa ra quan điểm tương đồng. Được biết, ở giai đoạn đầu chỉ có một vài sân golf, các doanh nghiệp lữ hành đem lại nguồn khách chủ yếu cho các sân golf. Khi số lượng các sân golf tăng lên, quy mô lớn hơn, họ tự xúc tiến và tìm kiếm nguồn khách thông qua thành lập các câu lạc bộ, kênh đại lý qua các công ty lữ hành hầu như bị bỏ qua.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để tối ưu hoá các kênh truyền thông, bán tour nhằm thực hiện những “bước nhảy vọt”, các sân golf cần “bắt tay lại” với các công ty lữ hành. Chính sách ưu đãi và chương trình giảm giá là điều các doanh nghiệp lữ hành yêu cầu.
Trong khi đó, đại diện của hầu hết các sân golf giữ quan điểm “golf là sản phẩm đẳng cấp và du lịch golf phải là sản phẩm cao cấp”. Bên cạnh đó, so với Hàn Quốc hay Nhật Bản, chi phí đánh golf ở Việt Nam đã thuộc dạng thấp (khoảng 100 USD/ lượt so với 300/lượt).
Du khách chơi golf có khả năng chi trả cao nên cũng yêu cầu cao đối với chất lượng trải nghiệm |
Do đó, nhiều khách từ các thị trường này đã có xu hướng đến Việt Nam chơi golf. Dù các sân golf sẵn sàng thương lượng với doanh nghiệp lữ hành các gói sản phẩm cụ thể với từng thị trường, họ cũng nhấn mạnh: “khi chơi golf, loại hình dịch vụ cấp cao, bạn phải chấp nhận trả tiền cao để xứng đáng với giá trị đầu tư và giá trị hưởng thụ”, “giảm giá có thể khiến loại hình này mất đi tính đẳng cấp”, “sân golf có những đặc thù và tiêu chuẩn riêng, không thể đáp ứng một số yêu cầu của công ty lữ hành” …
Theo các chuyên gia, trong khoảng 60 sân gôn ở Việt Nam hiện nay, nhiều sân gôn đã đủ điều kiện để thu hút đối tượng khách này, đơn cử tại các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế….
Cần một cái “bắt tay”?
Theo chuyên trang kinh doanh golf Golf Business Monitor, khi khách du lịch chơi golf đang có nhu cầu đến những địa điểm chơi golf chất lượng, họ có xu hướng tìm đến tư vấn từ các công ty du lịch golf tại địa phương có uy tín, nhiều kinh nghiệm. Ví dụ, du khách muốn chơi golf ở Bồ Đào Nha, họ thường sẽ tìm đến Tee Times Golf Agency - một công ty du lịch golf hàng đầu của Bồ Đào Nha.
Ông Carlos Ferreira – chủ sở hữu của Tee Times Golf Agency nhấn mạnh về vai trò mới của các công ty du lịch golf trong việc quảng bá các điểm đến du lịch golf hiện đang có hoặc sắp có tại địa phương. Theo đó, hầu như tất cả khách du lịch chơi golf đều mong muốn có “trải nghiệm chơi golf đích thực”, ví dụ như các sân golf hoàn toàn tách biệt (Câu lạc bộ Golf Estela ở Bắc Bồ Đào Nha), khu nghỉ dưỡng đẳng cấp…
Nhưng đáng chú ý, theo Báo cáo xu hướng du lịch Carat năm 2018, khoảng 51% du khách chơi golf hiện nay muốn cảm thấy họ là một phần của cộng đồng quốc tế, ưu tiên trải nghiệm công đồng và tương tác với văn hoá địa phương hơn là các trải nghiệm chỉ mang tính vật chất. Đặc biệt là các thế hệ trẻ và trung niên (còn gọi là thế hệ Boomer, thế hệ X và thế hệ Millennials).
Một số minh chứng trên thực tế là việc Tee Times Golf Agency tổ chức các sự kiện mà du khách chơi golf có thể gặp gỡ và chơi cùng những người chơi golf tại địa phương, hay thậm chí với nhà vô địch golf quốc gia (Ví dụ: tuyển thủ người Bồ Đào Nha Pedro Figueiredo). Đây là lý do tại sao các cơ quan du lịch golf địa phương nắm vai trò quan trọng vì họ là cơ quan trung gian có thể cung cấp cho du khách chơi golf nhiều thông tin hữu ích cho kế hoạch lưu trú.
Họ cũng là “những người biết được những viên đá quý tiềm ẩn ở địa phương của họ”. Để hấp dẫn khách, các chuyên gia du lịch golf cho rằng sẽ hiệu quả hơn một công ty tổ chức tour du lịch golf bao gồm các yếu tố tương tác - kết nối với người chơi tại địa phương. Du khách chơi golf không chỉ có nhu cầu cao hơn về những trải nghiệm mang tính riêng biệt, cá nhân hoá; họ đồng thời tìm kiếm nguồn cảm hứng cho các kỳ nghỉ từ mạng xã hội, website của các cơ quan du lịch golf uy tín, Google, các người chơi golf (golfer) nổi tiếng và những người có tầm ảnh hưởng (KOL) như các blogger du lịch golf…
Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi tại điểm đến cũng thường xuyên được sử dụng để kích thích du khách tới trải nghiệm.
Do đó, để phát triển du lịch golf tại Việt Nam, việc đưa ra các chiến lược phù hợp cho đầu tư đồng bộ trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Nhưng nếu không có những cái “bắt tay” giữa công ty lữ hành và sân golf để xây dựng, phát triển và vận hành các tour du lịch chuyên nghiệp; thiết nghĩ, ngành du lịch golf sẽ không tránh khỏi tình trạng manh mún, mùa vụ, không khai thác được tiềm năng vốn có./.