Tiềm năng bỏ ngỏ mùa thấp điểm du lịch
Sự rời rạc, thiếu liên kết trong việc làm du lịch của các địa phương còn nhiều hạn chế bởi một nguyên nhân lớn, đó là “mùa nào làm thứ đó”. Điều này tức là, thiên nhiên ưu đãi cho thứ gì thì tận dụng để thu hút du khách, du lịch chỉ được đầu tư trọng điểm vào một số thời gian nhất định trong năm – “mùa cao điểm du lịch” như dịp lễ hội, lễ tết, nghỉ hè.
Ở nhiều địa phương, dù có thiên nhiên đa dạng, văn hóa đặc sắc, nhưng một phần do sản phẩm du lịch được xây dựng vẫn chưa phong phú, do vậy vẫn chưa đủ để hấp dẫn du khách cả bốn mùa trong năm. So sánh với các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng luôn là tụ điểm khách du lịch, bởi nhiều loại hình du lịch khác nhau được khai thác triệt để như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch hội thảo, du lịch khám phá,…
Theo đó, thị trường du lịch năng động hơn cho các cơ sở lưu trú, các địa điểm kinh doanh, mua sắm, công ty lữ hành, tạo cơ hội và động lực để người dân, doanh nghiệp có thể phục vụ du khách quanh năm.
Tại địa phương, đơn cử Yên Bái là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc sắc cùng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, có thể kể ngay các điểm đến thu hút du khách như: hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, vùng chè cổ thụ Suối Giàng; vùng đất ngọc Lục Yên; vùng văn hóa Mường Lò – “cái nôi” của người Thái với điệu xòe đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…
Tại đây các loại hình du lịch đã được khai thác như du lịch tham quan, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh và du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, theo thống kê, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái chỉ tập trung vào tháng 9 khi mùa lúa chín – đặc biệt với Festival “Bay trên mùa vàng”, hoặc khi tỉnh tổ chức các tuần lễ văn hóa - du lịch.
Mặt khác, tại Quảng Bình – xứ sở đá vôi nổi tiếng với nhiều hang động đẹp như quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, chị Hoàng Thị Nga, một du khách đến từ Hà Nội, nhận định: “Gia đình tôi thường chỉ ghé qua Quảng Bình chơi và ăn uống trong ngày rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú hoặc chỉ lưu trú 1 đêm”.
Giải thích cho điều này, chị cho rằng các sản phẩm du lịch của Quảng Bình vẫn còn đơn điệu và thiếu sự gắn kết, ví như loại hình du lịch khám phá hang động, hoặc du lịch mạo hiểm thường hợp với người trẻ tuổi hơn là đối tượng gia
đình có người lớn, trẻ nhỏ đi cùng. Bên cạnh đó, thời tiết Quảng Bình chia làm 2 mùa khá rõ rệt là mùa khô và mùa mưa; nên thời gian lý tưởng nhất trong năm để du khách đi du lịch Quảng Bình là từ tháng 3 đến tháng 9, vì trời nắng đẹp, ít mưa. Khoảng thời gian còn lại thường hay mưa bão, nhiều bất tiện, các điểm du lịch không tránh khỏi tình trạng đìu hiu du khách, người dân phải chuyển sang nghề khác để sinh sống.
Nan giải bài toán du lịch bốn mùa
Trong nhiều năm gần đây, có thể thấy mối quan tâm của các địa phương đối với lời giải cho bài toán xây dựng sản phẩm du lịch bốn mùa để có thể phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn ở một số địa điểm du lịch có tiềm năng lớn.
Đơn cử, tỉnh Thanh Hóa đã khoanh vùng, lập quy hoạch các khu, điểm du lịch quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án kinh doanh du lịch. Việc nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cũng đã được tính đến như đề án “Phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại làng Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh”; đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; đồng ý cho các huyện Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa xây dựng các đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, làm cơ sở cho việc khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn, để phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, sinh thái cộng đồng, tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng trên núi, trekking (du lịch khám phá bằng cách đi bộ), du lịch bụi...
Tỉnh Yên Bái đã và đang ưu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa. Nhiều năm qua, địa phương đã đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các tỉnh lân cận trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
Cụ thể như mô hình liên kết du lịch về cội nguồn được ba tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai hợp tác xây dựng năm 2005 và liên tục được đổi mới về nội dung, cách thức tổ chức. Ba tỉnh đã khảo sát và kết nối tour chuyên đề như tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng: đền Hùng (Phú Thọ) – đền Bảo Hà – đền Thượng (Lào Cai); du lịch ruộng bậc thang dọc tuyến đường 32 từ Phú Thọ – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải (Yên Bái) – Sa Pa (Lào Cai) – Nguyên Dương (Vân Nam, Trung Quốc); các loại hình du lịch mạo hiểm như chinh phục đỉnh Phan Xi Păng, tour khám phá bản làng các dân tộc thiểu số ở cả 3 tỉnh...
Sự liên kết này có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch bốn mùa, phần nào khắc phục hạn chế tự nhiên của mỗi tỉnh, tạo tính liền mạch trong trải nghiệm của du khách.
Nhìn chung, ngày càng nhiều các chương trình khảo sát và hội nghị đánh giá thực trạng, tiềm năng, giải pháp xây dựng các điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu – loại hình du lịch được cho là có thể khắc phục được tính mùa vụ, có thể phục vụ du khách quanh năm.
Song, thách thức lớn nhất là phải xây dựng được tour, tuyến du lịch gắn kết được các cơ sở cư trú, địa điểm mua sắm, vui chơi giải trí tới các điểm du lịch nổi bật của vùng mà không bị ngắt quãng, lại có thể linh hoạt chuyển đổi giữa các mùa. Quan trọng hơn hết, cách làm du lịch hay việc phát triển bất cứ mô hình hay sản phẩm du lịch nào cũng phải tiệm cận với xu thế chung của du lịch và nhu cầu của du khách nói riêng.