Những nỗ lực tự cứu lấy mình
Các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam và Ninh Bình thuộc trong số những nơi bị nạn đói tác động tệ hại nhất. Trong số 1.259.734 người dân ở tỉnh Nam Định, ước tính có 646.147 người bị đói đến chết. Người ta tính trong mùa đông 1944-1945, hàng ngày trung bình có 3.154 người chết vì đói và lạnh ở Nam Định và Thái Bình.
Đến giữa tháng 4/1945, tổng số nạn nhân ở hai nơi này đã lên tới con số khủng khiếp là 467.000 người. Thiên tai, nạn đói đã xua hàng loạt người dân cùng khổ đói khát đến Hà Nội và Hải Phòng; riêng ở Hà Nội, hàng ngày người ta phải gom nhặt từ 50-70 xác chết co quắp trên vỉa hè.
Để trợ giúp cho người túng thiếu, Ban Cứu tế Bắc Kỳ được thành lập ngày 22/1/1945. Vào ngày 18/3/1945, Tổng hội Cứu tế được thành lập để điều hành việc chống lại thảm họa càng lúc càng gia tăng.
Chính quyền ngưng việc thu mua lúa theo giá áp đặt tại những vùng bị thiên tai, cũng phân phối lương thực và vải vóc, cho bán chăn và áo ngoài bằng gòn với giá hạ. Tuy nhiên những hành động này chỉ tới được một số nhỏ trong đại bộ phận dân chúng ở châu thổ sông Hồng. Và bởi vì nạn đói đã tác động đến hoạt động nông nghiệp, nên trong vụ mùa đầu năm 1945, chỉ 1,251 triệu hecta lúa được gieo trồng, trong khi năm 1944, diện tích gieo trồng là 1,414 triệu hecta...
Cả con người và con vật đều gầy trơ xương trong nạn đói |
Vụ đảo chính của Nhật ngày 9/3/1945 xảy ra trong bối cảnh của chết chóc và tàn phá. Hỗn loạn chính trị tiếp diễn theo sau sự sụp đổ của chính quyền thuộc địa Pháp, và tình trạng rối loạn càng gia tăng, nạn cướp bóc do từ nguyên nhân đói kém lại càng gia tăng. Đế quốc Nhật sau khi thay chỗ chính quyền Pháp thì kích dộng tinh thần bài Pháp. Trước đó chính Nhật lệnh cho Pháp bắt áp dụng chính sách nhổ lúa trồng đay, nay lại cáo buộc Pháp “là thủ phạm khiến nông dân Việt Nam chết dần chết mòn”.
Nhưng quân Nhật lại cũng mất khả năng kiểm soát tình thế, dù đưa ra án tử hình cho tội đầu cơ tích trữ. Giá gạo tại Hà Nội hạ từ 600 xuống còn 440 đồng/tạ nhưng đến đầu tháng 4 giá lại vụt lên trở lại, đến 800 đồng/tạ vào giữa tháng 5. Những biện pháp khẩn cấp khác cũng tỏ ra không hữu hiệu, như việc lập ra Ủy ban Cố vấn Cứu tế nhằm nghiên cứu việc phân phối lương thực cho dân chúng, đưa ra các giải pháp làm giảm bớt khó khăn cho các vùng bị nạn đói hoành hành nhất cũng như điều tiết mức tiêu thụ tại các thành phố lớn. Chính quyền cũng kêu gọi dân chúng tận dụng một mảnh đất thích hợp để trồng lúa cũng như các loại hoa màu khác.
Ông Nguyễn Hữu Thí (SN 1899), là một bác sĩ, thương gia, cựu Bộ trưởng Bộ Tiếp tế trong chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945 ở Huế. Từ năm 1923 ông hành nghề bác sĩ ở Phan Thiết, sau năm 1934 chuyển về làm việc ở Đà Nẵng. Năm 1939 là hội viên Hội đồng Lý tài Đông Dương.
Sau ngày 9/3/1945, ông là Bộ trưởng Tiếp tế, cứu tế trong nội các Trần Trọng Kim. Trong thời gian tại chức ngắn ngủi, ông được cho là đã có công trong vụ cứu đói năm 1945 tại miền Bắc, cứu được một lượng lớn người dân khỏi nạn đói.
Sau tháng 9/1945, cả nội các Trần Trọng Kim từ chức, ông về sống tại Đà Nẵng và qua đời tại đây.
Được cho phép bãi bỏ hệ thống phân phối cưỡng chế, chính phủ Trần Trong Kim ra sắc lệnh tạm hoãn tất cả những quy định trước đây liên quan đến việc đầu cơ lúa gạo để chống lại việc tăng giá gạo.
Chỉ chính quyền mới được trực tiếp mua lúa gạo từ người sản xuất, nhưng việc lưu hành tự do số lượng ngũ cốc không vượt quá 50 kg được duy trì nhằm thúc đẩy việc đưa lương thực đến cho từng cá nhân.
Tại mỗi tỉnh, việc mua lúa gạo được thi hành bởi một cơ quan duy nhất là ngân hàng nông nghiệp, dưới sự điều khiển của tỉnh trưởng, giá dao động từ 100 đến 130 đồng mỗi tạ thóc, và giá từ 150 đến 195 đồng mỗi tạ gạo. (Ngoại trừ ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, ở đó giá tối đa một tạ thóc được định là 150 đồng, một tạ gạo là 225 đồng)
Chính quyền Trần Trọng Kim cũng nỗ lực vượt qua sự khó khăn về vận chuyển. Người ta hy vọng rằng tình trạng của nhà nông sẽ được cải thiện nhờ vào cách định giá mua có điều tiết được trả cho người sản xuất, cao hơn giá thu mua của chính quyền trước đến 5 lần.
Thêm vào đó ngày 23/5/1945 chính sách cho phép nông dân hoãn trả nợ vay từ ngân hàng nông nghiệp cũng làm giảm bớt gánh nặng cho các tiểu nông phần nào.
Trận vỡ đê lịch sử
Chính quyền Trần Trọng Kim cũng nỗ lực vượt qua sự khó khăn về vận chuyển. Lần đặc biệt trong lịch sử khi chính phủ có Bộ Tiếp tế. Ông Nguyễn Hữu Thí, Bộ trưởng Bộ Tiếp tế đã đến Sài Gòn ngay trong nửa đầu của tháng 6/1945 để thương lượng về vấn đề vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc. Còn có dự định sắp xếp cho việc di dân chừng 1 triệu người thiếu ăn từ Bắc Bộ và Trung Bộ vào Nam Bộ.
Chính quyền cũng tăng cường thêm các biện pháp chống lại nạn đói với một sắc lệnh ký ngày 30/6/1945 đặt một loại thuế xa xỉ lên các dịch vụ vui chơi, giải trí, lấy số tiền đó đề bù vào những gánh nặng khác ở Bắc Bộ.
Bằng một chiến dịch vận động sôi nổi qua báo chí, chính quyền hô hào dân chúng ở các nơi khác trong nước cảm thông với nỗi khổ của đồng bào ở miền Bắc, và kết quả là làm khơi dậy một tinh thần tương trợ lớn lao, như việc thành lập ở Huế Ủy ban Cứu trợ Trung ương đối với nạn đói; còn ở Sài Gòn thì có Hội Tương tế cho nạn nhân. Quỹ cứu trợ tăng lên, và gạo được chở bằng thuyền buồm hay xe bò từ Nam đến Đà Nẵng hay Hội An, rồi từ đó ra Bắc.
Tất cả những biện pháp này, cùng với việc nạn đói có giảm nhẹ đi sau mùa gặt tháng thứ 5, đã cho phép tình hình trở lại bình thường trong một thời gian. Chính một tác giả người Pháp đã thừa nhận sự cải thiện tình hình này, dù với giọng có chút ghen tị: “Người ta chứng kiến những nỗ lực của người An Nam đã tiếp tục tự mình đảm trách việc phân phối lương thực ở miền Bắc, không có người Pháp và còn làm tốt hơn.
Việc Nhật phát kho dự trữ của chúng ta vào tháng 5/1945, cũng như việc chở gạo liên tục từ Nam ra Bắc bằng những biện pháp mà bản thân chúng ta không dám làm, đã mang lại một hiệu quả nhất thời giải thích cái ý tưởng đó của họ”.
Tuy nhiên, tình trạng dịu cơn khủng hoảng này chỉ kéo dài được một thời gian ngắn. Mùa mưa bắt đầu, mang lại những lo âu mới: Ủy ban Bảo quản Đê điều được thành lập nhằm tổ chức việc phòng vệ mạng lưới đê điều trong suốt mùa lũ.
Như để “trừ yểm vận rủi”, một cuộc triển lãm về việc bảo vệ đê điều được khai trương ngày 30/6 tại Sở Thông tin Hà Nội. Tại đây người ta bày tỏ hy vọng rằng nhờ được canh giữ thường xuyên, hệ thống đê điều ở miền Bắc đủ sức giữ gìn mùa màng khỏi bị lũ lụt tàn phá.
Nhưng mọi nỗ lực đều vô ích, trong nửa sau của tháng 8, những cơn mưa như trút đã làm nước sông dâng cao đến 12,68 mét ở Hà Nội, mức cao nhất từ trước tới đó được ghi nhận. Hệ thống đê bị vỡ ở nhiều chỗ đáng kể, và lũ ngập hết ruộng lúa mới trồng tại các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Hải Dương, Hà Nam và Thái Bình. Tai họa bao phủ một vùng rộng lớn: lũ ngập hết 330.000 hecta của vụ lúa tháng 10, có nghĩa 510.000 tấn lúa bị mất trắng.
Đói khổ, lũ lụt khiến mọi thứ trở nên xác xơ, không còn sự sống |
Thế là giá gạo lại vọt lên và nạn đói lại lan rộng. Tại nhiều nơi, dân quê buộc phải ăn cả thóc giống, tức là hủy đi bất cứ cơ may nào có thể gieo hạt lại ngay cả nếu lũ rút sớm. Một nhà quan sát nước ngoài đã miêu tả hoàn cảnh ở miền Bắc vào cuối tháng 9/1945 như sau: “Hà Nội với dân số 200.000 người đang chết đói theo đúng nghĩa đen.
Liên lạc với những vùng xuất khẩu lương thực bị gián đoạn, và mùa gặt hiện nay thì lại bị tổn hại nghiêm trọng bởi những đói lũ vừa qua. Nạn đói đang tác động lên một vùng rất rộng. Hằng ngày người ta chết trên vỉa hè. Tệ hại nhất là tình trạng lương thực cho trẻ em... Nếu không có những biện pháp phi thường, nạn đói đến với mọi lứa tuổi và mọi quốc tịch nơi xứ này ở mức độ cao nhất”.
Từ khá sớm, chính phủ Trần Trọng Kim đã ý thức rõ ràng về quyền hạn “hữu danh vô thực” của mình, một chính phủ rất ít được huấn luyện để đảm trách các nhiệm vụ quản lý, cũng tự thấy tính chất hợp pháp của mình càng ngày càng bị đặt thành nghi vấn, và cuối cùng phải từ chức vào tháng 8/1945. Sự bất an trong dân chúng đã lên đến mức cao nhất. Trong lúc đó, Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, là lực lượng chính trị được tổ chức tốt nhất.
Từ năm 1943, những hoạt động chính của Việt Minh là nhắm vào việc vận động nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ chống thuế, chống sưu dịch, chống thu mua thóc và chống cưỡng bách trồng đay. Cùng với nhiều yếu tố khác, nạn đói cung cấp cho lực lượng Việt Minh một loạt những luận cứ cho cuộc vận động chiếm sự ủng hộ của quần chúng nông thôn, là một cơ hội thúc đầy cách mạng hành động, với khẩu hiệu “phá kho thóc giải quyết nạn đói”, như là khúc dạo đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa, tổng nổi dậy sẽ giải phóng đất nước ra khỏi ách thực dân, đế quốc.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập vào ngày 2/9/1945, mà sách lược sống còn thể hiện trong thử thách quyết định đối với chính quyền non trẻ: Lòng tin của dân chúng đối với chính phủ tùy thuộc vào một trong những yếu tố, là khả năng có chế ngự được nạn đói hay không. Chính quyền lập tức tung ra khẩu hiệu “tăng gia sản xuất”, “không để phí một tấc đất, một bàn tay”, kêu gọi mọi người tham gia vào chiến dịch làm tăng sản lượng lương thực. Nạn đói được Chính phủ đặt vào hàng đầu trong số ba kẻ thù phải bi loại bỏ, hai kẻ thù kia là nạn mù chữ và ngoại xâm.
Yêu cầu bức thiết là phải nhanh tay hơn thực dân Pháp, kẻ đang chuẩn bị đề nắm lại quyền cai trị Đông Dương với sự giúp đỡ của lực lượng người Anh chịu trách nhiệm giải giới quân đế quốc Nhật theo quy định của thỏa ước Postdam. Trước khi quân Pháp ở Viễn Đông đến, trách nhiệm về nạn đói của đế quốc Nhật và thực dân Pháp đã được chỉ rõ: “Hơn hai triệu đồng bào chúng ta, cả ở trong những vùng có sức sản xuất cao nhất đã bị chết vì đói sau khi đã làm chết đến hai phần ba dân số của tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương... nạn đói xuất hiện ở Trung Bộ và cả ở Nam Bộ. Những đồng bào thoát chết đói cũng trở thành bần cùng, do chính quyền Pháp trước đây khuyến khích việc đầu cơ xấu xa nhất: nó chính là kẻ đầu tiên đã tích trữ và độc quyền lúa gạo. Kết quả là giá gạo cao lên chưa từng thấy trước đó, lại còn tăng nhanh hơn nữa bằng chính sách lạm phát tiền tệ khiến cho các tầng lớp nhân dân trước đây có cuộc sống tương đối sung túc cũng trở thành nghèo khổ”.
Nạn đói đã khơi dậy cả một chuỗi những nỗi thống khổ, như một chứng nhân nước ngoài thuật lại: “Họ ra đi theo từng gia đình thành một hàng dài vô tận, người già, trẻ em, đàn ông, đàn bà, còng người xuống trước nỗi khổ đau, toàn bộ xương run rẩy, trần truồng, cả những cô gái trẻ ở vào cái tuổi mà thường sự thẹn thuồng không cho phép phơi bày thân thể, thỉnh thoảng dừng lại đề vuốt mắt cho một người thân trong gia đình hoặc để gục xuống và không bao giờ trỗi dậy nữa, hoặc để lột từ người chết một mảnh bao bố rách nát chẳng biết vì sao vẫn còn phủ lên người anh ta. Nhìn những dáng người còn gớm ghiếc hơn là những con vật xấu xí nhất trên đời đó, ngắm nhìn những xác chết cong queo bên vệ đường, áo quần chỉ còn là với cọng rơm rạ, người ta phải thấy hổ thẹn về hình ảnh của nhân loại”.
Về phần mình, Pháp cũng hiểu ngay hậu quả của nạn đói thảm khốc trong lịch sử, nên nhanh chóng đổ vấy tội lỗi. Ngày 19/9/1945, tướng Leclerc (Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Viễn Đông) chuyển bức điện như sau về Paris: “Chúng ta phải tuyên truyền rộng rãi về cái thảm họa ở Bắc Việt trong thời gian chúng ta vắng mặ.
Là những cơn lụt khủng khiếp do vỡ đê vì người An Nam không bảo trì được trong thời gian không có các chuyên viên Pháp; sự mất trật tự cướp bóc nổi lên do sự yếu kém của lực lượng an ninh bản xứ, và sự cạn kiệt của ngân khố, sự thiếu vắng dịch vụ y tế báo hiệu cho một nạn đói mới. Cần phải nhấn mạnh về vấn đề nạn đói ở nửa đầu năm l945 đã làm hai triệu người chết... rằng:
1. Ngoài việc độc quyền mua gạo tốt, người Nhật còn đầu cơ, tích trữ lúa gạo và phung phí kho dự trữ đáng lẽ để dành phân phối khi khan hiếm lương thực.
2. Người Nhật đã bắt giảm diện tích trồng lúa đề trồng cây công nghiệp cần thiết cho nhu cầu chiến tranh, đặc biệt cây thầu dầu.
3. Ngay từ vụ mùa những tháng cuối năm 1944 đã hụt đi 200.000 tấn.
4. Bị cướp quyền và thay thế bởi người Nhật và người An Nam, người Pháp không có thể thực hiện việc cứu đói như dự kiến được. Chính vì thế mà nạn đói trở nên tồi tệ từ cuối tháng 4 trở đi.
Cũng cần nói thêm rằng chính quyền Pháp đã dùng rất nhiều biện pháp đề không ngừng chuyển gạo ra cho dân chúng Bắc Kỳ, nơi mà một nạn đói mới lại đe dọa... Tóm tắt, rất cần phổ biến bằng phát thanh bất cứ điều vì có thể biện giải một cách thuận lợi cho việc chúng ta trở lại xứ này và góp phần ngăn chặn chiến dịch tuyên truyền của đối phương”.
Vào cuối năm 1945, tình hình lương thực như thế nào? Chính quyền cách mạng khẳng định toàn bộ phần lãnh thổ đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mùa màng vụ đông 1945 diễn ra thuận lợi, và vụ mùa tháng thứ 5 trong năm 1946, sản xuất lương thực tăng lên rõ rệt.
Lương thực gia tăng đến 2,592 triệu tấn, trong khi trước đó là 2,262 triệu tấn, nhờ thế đã đẩy lùi nạn đói. Còn có nỗ lực đưa gạo từ Nam Bộ ra Bắc Bộ, con số này có khi lên tới 20.000 tấn/ngày vào tháng 11/1945. Dù tình trạng lương thực vẫn còn khó khăn, đến mùa xuân năm 1946, ở miền Bắc theo ghi nhận không còn ai chết vì đói nữa.