Cái chết đáng tiếc
Một ngày giữa tháng 6/2022, bà mẹ có 2 con nhỏ tên B. Bhavani, ở TP Chennai, miền Nam Ấn Độ, quả quyết với cha rằng cô sẽ bỏ trò chơi bài trực tuyến. Tuy nhiên, người cha cũng không mấy tin tưởng bởi lời hứa đó đã được Bhavani đưa ra nhiều lần trước đó, mỗi khi cô bị gia đình nói về những khoản nợ ngày càng chồng chất của cô. Thế nhưng, điều người cha không ngờ tới là, chỉ vài giờ sau, cô gái 29 tuổi đã tự kết liễu đời mình.
Theo lời chồng của Bhavani, tại thời điểm qua đời, cô đang nợ tới hơn 1 triệu rupee Ấn Độ (12.255 USD). Số nợ này là hậu quả của việc cô bắt đầu sử dụng các ứng dụng trực tuyến để chơi các trò chơi may rủi trên mạng vào khoảng giữa năm 2021. “Ban đầu, vợ tôi chỉ tham gia những vụ cá cược nhỏ và thắng một vài lần. Dần dần, số tiền cược tăng lên mỗi ngày”, anh R. Bhagyaraj kể lại và cho biết thêm rằng hiện anh dành gần như toàn bộ tiền lương của mình để trả lại số tiền mà Bhavani đã vay để đánh bạc.
Còn tại Thái Lan, giữa tháng 12/2022, cảnh sát Thái Lan đã đột kích 13 cơ sở ở Bangkok và Chiang Rai bị nghi ngờ là trụ sở một đường dây đánh bạc trực tuyến, thu giữ số tài sản trị giá khoảng 1 tỷ bath (gần 29 triệu USD). Theo Tướng Damrongsak Kittiprapas, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Thái Lan, chiến dịch đột kích được tiến hành nhằm trấn áp một trang web cờ bạc trực tuyến có tên SCG9. Trang web này đã hoạt động được 3 năm, với lượng tiền lưu thông lên tới khoảng 3 tỷ bath. Theo cảnh sát Thái Lan, trang web www.scg9.club điều hành nhiều hoạt động đánh bạc trực tuyến khác nhau, trong đó có cả cá độ dịp World Cup. Trang web này có rất nhiều thành viên, tích cực quảng cáo trên dịch vụ đánh bạc trên mạng xã hội và một số kênh trực tuyến khác để thu hút người sử dụng.
Thời gian qua, nạn cờ bạc trực tuyến phát triển mạnh ở châu Á nhờ sự phổ biến của các thiết bị di động với giá cả phải chăng. Thêm vào đó, việc một số nước trong khu vực nới lỏng các quy định liên quan đến cờ bạc trực tuyến cũng khiến số người chơi tăng lên. Việc bùng phát dịch bệnh COVID-19 và các hạn chế đi lại nhằm phòng, chống dịch ở một số nước cũng làm tăng số lượng người truy cập vào các trang web cờ bạc. Sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của các ứng dụng thanh toán, từ PayPal đến tiền điện tử như Bitcoin, cũng khiến cho việc gửi và rút tiền từ sòng bạc trực tuyến trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Theo trang Statista.com, châu Á là nơi có tới 1,45 tỷ game thủ, là thị trường trò chơi lớn nhất thế giới. Không phải tất cả số này đều chơi cờ bạc trực tuyến nhưng chỉ cần một tỷ lệ nhỏ trong số này “dính” đến cờ bạc thì con số đã là rất lớn. Công ty nghiên cứu thị trường IMARC trong một báo cáo vừa được công bố cho rằng, quy mô thị trường cờ bạc trực tuyến tại châu Á - Thái Bình Dương đến cuối năm 2022 đã lên tới 19,5 tỷ USD. Trong tương lai, công ty này dự đoán, thị trường cờ bạc trực tuyến ở khu vực sẽ lên tới 37,5 tỷ USD vào năm 2028, đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng là 11,39% trong giai đoạn 2023-2028.
Mạnh tay trấn áp
Cờ bạc trực tuyến được cho là khó quản lý hơn so với cờ bạc truyền thống. Bởi, nhiều trong số các nhà cung cấp ứng dụng đánh bạc trực tuyến có trụ sở đặt ở nước khác. Thêm vào đó, không giống như hình thức trực tiếp, những nhà cung cấp dịch vụ đánh bạc trực tuyến được hưởng lợi từ các phương pháp tiếp thị như quảng cáo qua tin nhắn văn bản, vốn không chịu hạn chế về quảng cáo cờ bạc. Sự sẵn có của hình thức cờ bạc này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng như nợ nần, phá sản, tự tử…
Nạn cờ bạc trực tuyến nói chung đem lại rất nhiều hệ lụy cả về kinh tế, xã hội. Ngay cả khi việc cá cược hợp pháp cũng tiềm ẩn nguy cơ người đặt cược sa vào những thói quen nguy hiểm hơn. “Cờ bạc là một chứng nghiện tiềm ẩn, không có nhiều dấu hiệu bên ngoài”, bà Keith Whyte, Giám đốc điều hành Hội đồng quốc gia của Mỹ về các vấn đề cờ bạc, nói. Phân tích thêm, bà Whyte cho biết, các yếu tố rủi ro có thể bao gồm việc nói dối người thân về việc đánh bạc hoặc gặp khó khăn trong việc giảm tần suất tham gia các hoạt động cá cược…
Theo một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Opinium, ngoài các ưu đãi và tiếp thị của nhà cái cá cược, 45% số người được hỏi nói rằng họ sẽ chi nhiều tiền hơn cho việc cá cược “nếu họ bị cuốn vào cuộc chơi” trong khi 44% muốn chơi để “gỡ” lại khoản thua lỗ trước đó. Ngoài ra, 39% nói rằng áp lực tài chính gia tăng vào dịp Giáng sinh và chi phí sinh hoạt tăng cao sẽ thúc đẩy họ đặt cược nhiều hơn vào World Cup với hy vọng kiếm thêm thu nhập. Còn báo cáo của GamCare cho thấy 64% người dùng dịch vụ cá cược cho hay, việc theo đuổi thua lỗ là lý do để đánh bạc, tiếp theo là thoát ly thực tế là 33% và khó khăn tài chính là 32%.
Do đó, giới chức nhiều nước ở châu Á đang mạnh tay nhằm trấn áp tình trạng đánh bạc trực tuyến. Tại Ấn Độ, thưng trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về chứng nghiện cờ bạc và các vụ tự tử liên quan đến cờ bạc, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để soạn thảo luật mới nhằm thay thế Đạo luật cờ bạc có từ năm 1867 và đảm bảo một môi trường chơi game trực tuyến “có trách nhiệm, minh bạch và an toàn”.
Cùng lúc, một số bang của Ấn Độ cũng đã ban hành các quy định riêng để đối phó với tình hình. Ví dụ, bang Tamil Nadu - nơi Bhavani sống - từ tháng 10/2022 đã cấm các trò chơi ăn tiền trực tuyến sau khi xảy ra một loạt các vụ tự tử liên quan đến đánh bạc online. Cuối năm 2022, giới chức Ấn Độ cũng đã gửi thư yêu cầu Google không hiển thị quảng cáo các nền tảng cá cược như Fairplay, PariMatch, Betway trong kết quả tìm kiếm và trên YouTube.
Trước đó, các nguồn tin cho biết, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất loại bỏ các trò chơi may rủi khỏi phạm vi điều chỉnh của các quy định mới về trò chơi trực tuyến. Như vậy, quy định về trò chơi trực tuyến của Ấn Độ tới đây sẽ áp dụng cho tất cả các trò chơi ăn tiền thật. Ngoài ra, giới chức các nước khác cũng đã và đang thực thi nhiều biện pháp nhằm mạnh tay chống lại nạn cờ bạc trực tuyến.
Tại Indonesia, đánh bạc trực tuyến cũng đang ngày càng trở thành vấn nạn. Một ước tính của Chính phủ nước này cho biết, tổng giao dịch liên quan đến cờ bạc trực tuyến tại nước này trong năm 2022 lên tới hơn 11 tỷ USD. Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết, từ năm 2019 đến năm 2022, giới chức nước này đã triệt phá hơn 500.000 trang mạng liên quan cờ bạc trực tuyến. Tuy nhiên, hầu hết người dân Indonesia đều có điện thoại thông minh và ví điện tử, nên việc truy xuất những tài khoản đánh bạc là rất khó.