Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn (26/3/1931-26/3/2018) và Tháng Thanh niên, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hồ Quang Huy - Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp về các mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, khơi dậy tiềm năng của tuổi trẻ Việt Nam, góp phần trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững.
- Đồng chí có thể cho biết những thành tựu hoạt động Đoàn Bộ Tư pháp trong năm vừa qua? Đồng chí đánh giá thế nào về những thành tích đó, cũng như những dự định gì để phát triển hoạt động đoàn trong năm nay?
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ và Trung ương Đoàn, Đoàn khối các cơ quan Trung ương, sự phối hợp, tạo điều kiện của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong Bộ, có thể khẳng định năm 2018 vừa qua tiếp tục là một năm để lại nhiều kết quả, dấu ấn tích cực của Tuổi trẻ Bộ Tư pháp trên các mặt công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Đồng chí Hồ Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối, Bí thư Đoàn Bộ Tư pháp thăm, tặng quà các cháu thiếu nhi bị bệnh máu tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương năm 2019. |
Theo đó, các hoạt động của Đoàn thanh niên Bộ năm 2018 đã được triển khai một cách toàn diện, đa dạng, phong phú, bám sát tiến độ, có nhiều đổi mới trong nội dung và cách làm. Đáng chú ý, phải kể đến một số hoạt động mang tính “điểm nhấn” như: Việc triển khai tích cực, khẩn trương, có chất lượng Đề tài khoa học cấp Bộ “Nhận diện những rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp - Thực trạng và giải pháp” thông qua việc tổ chức thành công nhiều Hội thảo, Toạ đàm ở cấp Đoàn Bộ và cấp Chi đoàn, Liên chi đoàn; các hoạt động phối kết hợp, tăng cường mối quan hệ, phát huy toàn diện các nguồn lực của Đoàn Bộ Tư pháp với Đoàn thanh niên các ban, bộ, ngành ở Trung ương, địa phương, doanh nghiêp cũng được chú trọng thực hiện thông qua việc ký kết, thực hiện các bản ghi nhớ hợp tác, các hoạt động đồng tổ chức về chuyên môn, thể dục - thể thao, tình nguyện vì cộng đồng…
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp thăm, tặng quà tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái |
Đặc biệt, Đoàn thanh niên Bộ đã chủ trì, tham mưu việc Lãnh đạo Bộ ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018 - 2022 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nhiều nội dung quan trọng, là cơ sở nền tảng để các cấp triển khai thực hiện thời gian tới.
Bên cạnh đó, các hoạt động thanh niên tình nguyện, thực hiện các phong trào thi đua xây dựng văn hoá công sở, nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất việc giải quyết các nội dung thuộc chuyên môn, nghiệp vụ của từng đơn vị cũng được duy trì, quan tâm thường xuyên...
Với những thành tích đã đạt được, năm 2018 là năm thứ 2 liên tục Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, Đoàn khối các cơ quan Trung ương trao tặng Cờ đơn vị dẫn đầu, thi đua xuất sắc về thành tích đạt được trong công tác đoàn, phong trào thanh niên năm 2018, đặc biệt tổ chức Đoàn thanh niên tiếp tục nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ và đông đảo công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ Tư pháp.
Ông Hồ Quang Huy- Bí Thư Đoàn Bộ Tư pháp đang phát biểu tại hội nghị triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2019. |
Năm 2019 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, cũng là năm được Trung ương Đoàn xác định là “Năm Thanh niên tình nguyện” và là năm “bản lề” quan trọng hướng đến kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2020), ngay từ đầu năm, Đoàn Thanh niên Bộ đã tổ chức thực hiện chương trình công tác với khẩu hiệu hành động là “Tuổi trẻ Bộ Tư pháp xung kích, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp và tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.
Cùng với tuổi trẻ cả nước, chúng tôi đặt nhiệm vụ trọng tâm, điểm nhấn của chương trình công tác năm nay là tăng cường, mở rộng, huy động tối đa sự tham gia của đoàn viên, thanh niên vào các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng gắn với nhiệm vụ chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Điều này có nghĩa với trách nhiệm và thế mạnh của mình, Tuổi trẻ Bộ Tư pháp sẽ phát huy năng lực, trình độ và phẩm chất của công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp vào hoạt động tình nguyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, ngoài những hoạt động như những năm trước đây, trong năm 2019 hoạt động hợp tác quốc tế về thanh niên cũng được xem là một điểm nhấn mới với Kế hoạch tổ chức Chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm công tác giữa đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, dự kiến tổ chức vào tháng 6 năm nay tại tỉnh Quảng Bình.
Thông qua Chương trình này, chúng tôi hi vọng mở ra nhiều cơ hội, mở rộng giao lưu, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, học hỏi lẫn nhau giữa thanh niên Bộ Tư pháp 02 nước Việt Nam - Lào.
-Thưa Đồng chí, có phải cứ tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng thì sẽ trở thành một thanh niên tốt không?
Theo tôi, nói tới thanh niên là nói tới lớp người trẻ tuổi, đang trưởng thành, đang vào đời, lập thân lập nghiệp, do đó hình mẫu về một thanh niên tốt nên được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, hay nói cách khác hình mẫu đó là sự tổng hoà của phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng là một cách để đắp bồi nên những phẩm chất tốt đẹp của người thanh niên trong thời đại mới, là cách để mỗi đoàn viên, thanh niên trưởng thành về mặt suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức, hành vi và hướng bản thân họ tới những giá trị tốt đẹp.
Không ai có thể phủ nhận ý nghĩa và giá trị của việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cứ tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng thì mỗi bạn đoàn viên, thanh niên đương nhiên được xem là một hình mẫu tốt.
Do đó, nhìn một cách toàn diện, ngoài trách nhiệm chung đối với cộng đồng, mỗi đoàn viên, thanh niên cần có trách nhiệm với với gia đình và tương lai của bản thân, nghĩa là bên cạnh việc tham gia tích cực hoạt đông tình nguyện thì việc rèn luyện bản lĩnh, nhân cách, trau dồi tri thức, phát huy tiềm năng trí tuệ, năng động, sáng tạo, góp sức xây dựng cơ quan, đơn vị, nơi cư trú là những yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên hình mẫu tốt đẹp của người đoàn viên, thanh niên hiện nay.
- Theo đồng chí, có nên xây dựng lộ trình để từng bước đưa các hoạt động tình nguyện trở thành 1 hoạt động bắt buộc đối với học sinh cấp 3 và sinh viên Đại học nói riêng và thanh niên nói chung hay không?
Tôi cho rằng, hai chữ “tình nguyện” đã nói lên rất nhiều điều. Tình nguyện là sự tự nguyện, sẵn lòng đóng góp thời gian và kỹ năng, kiến thức của mình để giúp đỡ cộng đồng Yếu tố quan trọng nhất của tình nguyện là sự nhiệt tình, sự hết mình đối với công việc.
Do đó, để các hoạt động tình nguyện được thực hiện theo đúng tinh thần, bản chất và giá trị của nó phải xuất phát từ chính sự tự nguyện của mỗi cá nhân. Đối với các bạn đoàn viên, thanh niên đang là học sinh, sinh viên, việc giáo dục, khơi dậy tinh thần tình nguyện, sự nhiệt huyết, trách nhiệm đối với cộng đồng ngay từ trên ghế nhà trường theo tôi là rất quan trọng, tuy nhiên chúng ta có nhiều cách để làm việc đó mà không nhất thiết phải thực hiện một lộ trình mang tính bắt buộc.
Đối với đoàn viên, thanh niên ở lứa tuổi này, ngoài vai trò của trách nhiệm của tổ chức đoàn thì rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành nên một lớp thế hệ thanh niên phát triển toàn diện, ngoài trí tuệ, sự năng động, sáng tạo họ còn biết yêu thương, sẻ chia, cống hiến và luôn hướng tới cộng đồng.
- Có ý kiến cho rằng hiện có bộ phận sinh viên (SV) do bận học tập và các nhu cầu khác nên không quan tâm đến tình nguyện. Vậy Đoàn Bộ đã có giải pháp nào giúp thanh niên có thái độ, trách nhiệm sống tích cực hơn với với cộng đồng, với bản thân, qua đó góp phần làm giảm thiểu những vấn đề tiêu cực của xã hội?
Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và những yếu tố mới nảy sinh từ xã hội đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, phong trào Đoàn nói chung, phong trào thanh niên tình nguyện nói riêng.
Nhu cầu, mối quan tâm của các bạn trẻ ngày càng phong phú, đa dạng là một phần nguyên nhân dẫn đến một bộ phận thanh niên, sinh viên hiện nay có biểu hiện “xa rời” tổ chức Đoàn, không quan tâm đến phong trào tình nguyện như nhiều năm về trước.
Tôi cho rằng, rào cản từ sự tác động của những yếu tố khách quan hoàn toàn có thể khắc phục được thực trạng này.
Theo đó, mỗi cấp bộ đoàn cần thường xuyên, liên tục đổi mới, sáng tạo về cách làm, nội dung, hình thức tổ chức thực hiện, nắm bắt đầy đủ mong muốn, nhu cầu, nguyện vọng của mỗi đoàn viên, thanh niên, khơi dậy khả năng, nhiệt huyết, sáng tạo của họ để phong trào thanh niên tình nguyện trở nên gần gũi, thiết thực với cuộc sống của người trẻ trong xu thế hiện đại ngày nay.
Đối với Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp, chúng tôi luôn xác định để triển khai các hoạt động thanh niên tình nguyện, trước hết phải đi từ việc giáo dục nâng cao tư tưởng, nhận thức, ý thức trách nhiệm của người thanh niên, để mỗi đoàn viên, thanh niên tự thấy được trách nhiệm của bản thân đối với cơ quan, đơn vị, đối với cộng đồng, xã hội từ những hành vi nhỏ nhất, thường nhật nhất...
Phẩm chất của thanh niên thời kỳ nào cũng vậy, luôn gắn liền với tính tiên phong, xung kích, đi đầu, làm thế nào để khơi dậy trong họ những phẩm chất đó thông qua phong trào thanh niên tình nguyện và các hoạt động khác là nhiệm vụ của tổ chức đoàn, của mỗi cán bộ đoàn chúng ta.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động tình nguyện sao cho thiết thực, phù hợp về quy mô, tính chất, đối tượng, phạm vi.
Với đặc thù của Đoàn Thanh niên Bộ, ngoài việc tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện hướng tới cộng đồng như tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường chia sẻ, thảo luận về kiến thức pháp lý, bên canh đó là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người có công với cách mạng, các hoạt động an sinh xã hội thăm hỏi, tặng quà các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hiến máu cứu người...
Bên cạnh đó, chúng tôi chọn hướng ưu tiên thúc đẩy hoạt động tình nguyện tại chỗ nhằm phát huy tính tiên phong, xung kích của đoàn viên thanh niên trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan đơn vị, gương mẫu thực hiện nội quy, văn hoá công sở, đi đầu trong nghiên cứu, tham mưu, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc...
Khi mỗi đoàn viên, thanh niên tự nhận thấy sự trưởng thành về mặt nhận thức, lý tưởng, chuyên môn, kinh nghiệm sống, tôi tin chắc rằng họ sẽ tự nguyện tìm đến với phong trào thanh niên tình nguyện, coi đó là môi trường đào tạo, rèn giũa đáng để trải nghiệm và cống hiến.
- Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp định hướng như thế nào để tăng cường các hoạt động tình nguyện có chiều sâu, hàm lượng tri thức cao, giá trị hỗ trợ xã hội lớn?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là trong năm nay, Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã đề ra những hoạt động cụ thể để hưởng ứng “Năm thanh niên tình nguyện” do Trung ương Đoàn phát động, trong đó xác định rõ mỗi hoạt động thanh niên tình nguyện phải mang đến những giá trị cốt lõi đó là hàm lượng ứng dụng chuyên môn, hiệu quả hỗ trợ xã hội lớn và phát huy được tính sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong mỗi hoạt động.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ chung của Bộ, ngành, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị chuyên môn, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, chúng tôi sẽ hướng đến việc tổ chức các hoạt động tình nguyện có khả năng huy động tối đa trí tuệ, kiến thức của đoàn viên, thanh niên, nhất là đoàn viên công chức, viên chức trẻ.
Cụ thể là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận các thông tin pháp luật; tư vấn, giải đáp pháp luật miễn phí; hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính; nhận diện khía cạnh pháp lý của vấn đề khởi nghiệp, vấn đề góp ý Luật Thanh niên sửa đổi...
Những hoạt động thiết thực này không những đem lại giá trị lớn cho cộng đồng, mà còn giúp chính mỗi đoàn viên, thanh niên có dịp cọ sát với thực tiễn, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Điều đó cho thấy rằng, hoạt động tình nguyện có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau và đoàn viên, thanh niên chúng ta dù ở vị trí công tác nào cũng đều có thể cống hiến cho cộng đồng từ chính tư duy, trí tuệ, tri thức của bản thân.
- Là thủ lĩnh thanh niên, đồng chí có thể gửi thông điệp cho các bạn trẻ với tư cách là người từng tham gia và trưởng thành trong các hoạt động tình nguyện từ thời sinh viên như thế nào?
Tôi luôn cảm thấy may mắn vì được tham gia, gắn bó với công tác Đoàn, phong trào thanh niên nói chung và các hoạt động tình nguyện nói riêng từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn coi đó là những kỷ niệm, những dấu ấn không thể quên, đồng thời hoạt động tình nguyện luôn là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, xã hội.
Mỗi hoạt động tình nguyện không chỉ mang đến cho tôi niềm vui, vun đắp nhiệt huyết vì được chia sẻ, cống hiến, mà qua đó còn giúp bản thân tôi có sự trải nghiệm, học tập kiến thức, kinh nghiệm quý giá từ chính cuộc sống, từ những người dân, từ các anh chị đi trước, bạn bè thân thương… mà mình đã may mắn được gặp, được chia sẻ và gắn bó thông qua hoạt động tình nguyện.
Tôi hy vọng rằng, với những hoạt động sôi nổi, thiết thực của Năm Thanh niên tình nguyện, mỗi đoàn viên, thanh niên, mỗi cơ sở Đoàn sẽ không ngừng thắp sáng ngọn lửa tình nguyện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, những việc làm sáng tạo, hiệu quả ngay tại chính đơn vị mình đang học tập, công tác, tại chính địa bàn mình đang sinh sống và tại những vùng đất còn nhiều khó khăn, vất vả... góp phần xây đắp những công trình đậm dấu ấn tri thức, sức mạnh, lòng nhiệt huyết, cống hiến của người thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.