Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy lên Sở Y tế Nam Định, khoảng 3h25 ngày 16/11/2019 kíp trực khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy tiếp nhận phụ sản T. T. N. Q (SN 1997 ở huyện Giao Thủy) vào viện với lý do vỡ ối.
Sau khi khám, các bác sĩ tại Trung tâm y tế Giao Thủy chẩn đoán chị Q có thai 40 tuần, chuyển dạ đẻ lần 1, ngôi đầu, ối vỡ. Các bác sỹ đã tổ chức hội chẩn thống nhất chỉ định mổ lấy thai.
Đến 9h30 cùng ngày, chị Q được chuyển lên bàn mổ trong tình trạng tỉnh táo, da môi hồng, huyết áp 110/70 mm Hg, mạch 80 lần/phút, nhịp thở 20 lần/phút, tim thai 140 lần/phút cơn co tử cung tần số 4. Đến 9h40, chị Q được gây tê tủy sống và mổ lấy thai. 20 phút sau một bé gái nặng 3,3 kg chào đời và chị Q được chuyển xuống giường bệnh tại khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên, đến 11h10 sản phụ nôn nhiều thức ăn, co giật toàn thân, mắt trợn ngược, gọi hỏi không trả lời, da môi kém hồng, huyết áp 140/90 mmHg, mạch 95 lần/phút, nhịp thở 23 lần/phút.
Toàn bộ kịp trực đã tiến hành hồi sức cấp cứu tích cực: đặt canyn chống cắn, thở oxy, tiêm tĩnh mạch Seduxen 10mg x 01 ống. Đến 11h15, sản phụ vẫn co giật, huyết áp 180/100 mmHg, tiếp tục tiêm tĩnh mạch Magiesunfat 15% 05 ml x 02 ống, nhỏ dưới lưỡi Adalat 10 mg x 01 viên.
Đến 11h30 sản phụ được chuyển lên Bệnh viện phụ sản Nam Định nhưng bệnh nhân tử vong vào lúc 13h40 cùng ngày.
Trả lời PV, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Vân – Giám đốc Bệnh viện phụ Sản Nam Định cho biết, sản phụ Q khi chuyển lên đã tử vong ngoại viện.
Theo nguồn tin của PV, sản phụ Q trong đã được các bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Giao Thủy cho sử dụng thuốc gây tê Bupivacain và thời điểm này tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy không hề có thuốc giải trừ thuốc gây tê Bupivacain.
Trước đó, từ ngày 22/10 đến 17/11 có 3 sản phụ đến bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng sinh, sau khi tiêm gây tê 2 người đã tử vong, một người nguy kịch. Sở Y tế Đà Nẵng đã kết luận 3 trường hợp sản phụ này đều gặp sự cố y khoa liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine. Bộ Y tế cũng đã lập tức yêu cầu tất cả các Sở ban ngành rà soát các liên quan tới thuốc Bupivacain.
Ngày 22/11/2019, Sở Y tế tỉnh Nam Định có văn bản số 1515 đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại tỉnh Nam Định thì liên quan đến tai biến nghi do sử dụng thuốc gây tê Bupivacain WPW Spinal 0,5% Heavy (SĐK: VN-20879-17) do Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI cung ứng thực hiện 4 nhiệm vụ. Trong đó có nhiệm vụ rà soát, bổ sung đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc cấp cứu, lưu ý nhũ dịch Lipid 20% trong cấp cứu ngộ độc thuốc gây tê, gây mê theo quy định tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn xử trí cấp cứ phản vệ.
Liên quan đến trường hợp sản phụ Q, trao đổi với PV, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Giao Thủy chỉ trả lời câu hỏi sản phụ Q có sử dụng thuốc Bupivacain, ngoài ra không cung cấp và không trả lời bất cứ câu hỏi nào liên quan đến việc “trung tâm Y tế huyện Giao Thủy vào thời điểm sản phụ Q mổ có thuốc giải trừ thuốc tê Bupivacain hay không? Và nhiều câu hỏi khác liên quan”.
PV cũng đã đề nghị Sở Y tế Nam Định cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan đến việc đề nghị cấp phát thuốc Bupivacain và thuốc giải trừ cho loại thuốc gây tê tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, nhưng đến nay đã gần 2 tháng mà Sở Y tế Nam Định vẫn im hơi lặng tiếng không phản hồi.
Về câu hỏi liên quan đến việc Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPCI cung ứng loại thuốc Bupivacain trên địa bàn Sở Y tế Nam Định được tiến hành như thế nào? Bà Lê Thị Bích Thủy – Trưởng phỏng nghiệp vụ Y và ông Trần Bắc Hà – Phó trưởng phòng nghiệp vụ Dược của Sở Y tế Nam Định cho biết sẽ xin ý kiến của lãnh đạo Sở và phản hồi lại. Tuy nhiên đến nay đơn vị này cũng không cung cấp bất cứ văn bản, giấy tờ nào liên quan đến vấn đề này.