Sáng tạo trong công tác chỉ đạo điều hành
Huyện Nam Trực có diện tích tự nhiên 163,89 km2, dân số 194.112 người, bao gồm 20 đơn vị hành chính (19 xã và 1 thị trấn). Khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, huyện Nam Trực đã gặp một số khó khăn bởi xuất phát điểm của huyện khá thấp so với các huyện còn lại của tỉnh; hạ tầng kinh tế xã hội và cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu sự đồng bộ, nhất là là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn.
Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM trên địa bàn huyện.
Ban thường vụ huyện Nam Trực đã ban hành các Nghị Quyết phân công 5 đồng chí Thường vụ phụ trách miền, mỗi miền có 04 xã; các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách từng xã nhằm đôn đốc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, điều hành việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM và thường xuyên báo cáo kết quả với Thường trực Huyện ủy.
Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” được vận động tuyên truyền tích cực trên địa bàn huyện. |
UBND huyện xây dựng kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020; chỉ đạo các phòng ban của huyện cùng với UBND các xã trên địa bàn tiến hành rà soát từng tiêu chí NTM tại địa phương. Phân công các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, các Phòng ban hướng dẫn các xã thực hiện các nội dung xây dựng NTM theo kế hoạch. Đồng thời yêu cầu UBND các xã báo cáo UBND huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện tiến độ xây dựng NTM hàng tháng theo quy định. Chỉ đạo các thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tiến độ, kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo, UBND huyện xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
UBND huyện đã thành lập Tổ công tác do đồng chí Phó chủ tịch thường trực UBND huyện làm Tổ trưởng để đánh giá mức độ đạt từng tiêu chí huyện NTM; Xây dựng hồ sơ NTM cấp huyện; UBND huyện tổ chức lấy ý kiến tham gia của MTTQ huyện, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đối với Báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Bên cạnh đó, hàng năm Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đều phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã, thôn, xóm làm công tác xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc vận động tuyên truyền toàn dân đoàn kết đồng lòng thông qua hệ thống Đài phát thanh huyện, các xã nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và vai trò của người dân trong việc tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo nên lòng quyết tâm, sự gắn kết giữa công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền và tích cực tham gia của người dân trong phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”.
“Bứt phá” về đích sớm trong chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới
Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, những giống cây trồng chính dài ngày, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp được thay thế bằng giống ngắn ngày, có năng suất và chất lượng cao; các khâu trong sản xuất đã được cơ giới hóa nhanh, tạo tiền đề phát triển nhanh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung “Cánh đồng lớn”. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung, phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm nhanh tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng từ 1.384 tỷ đồng đồng (năm 2011) lên 1.507 tỷ đồng (năm 2018); giá trị sản phẩm bình quân 1 ha đất canh tác tăng từ 75 triệu đồng/ha (năm 2011) lên 110 triệu đồng/ha (năm 2018).
Đường liên thôn đã được bê tông hóa nằm giữa cánh đồng lớn (Con đường trải dài từ làng Đồng Lư sang Vũ Lao của xã Tân Thịnh). |
Bên cạnh đó, việc xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là khâu đột phá nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, vì vậy huyện Nam Trực đã hết sức quan tâm, đẩy mạnh. Trên địa bàn huyện có 02 cụm công nghiệp Đồng Côi và Vân Chàng, với diện tích 44,2 ha; trong đó cụm công nghiệp Đồng Côi giai đoạn 1 với diện tích 15,2 ha với có 32 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, đúc thép, đúc kim loại vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng, năm 2018 đạt 7.306 tỷ đồng, tăng 3.914 tỷ đồng so với năm 2011. Ngoài ra huyện có 18 làng nghề và các công ty trên địa bàn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn xã. Huyện đang tiếp tục mở rộng cụm công nghiệp Đồng Côi thêm 24,8 ha, tích cực xúc tiến kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư phát triển sản xuất tại các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch.
Về giao thông, nhìn chung do các tuyến đường sử dụng đã lâu, mật độ phương tiện đi lại lớn nên đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc lưu thông, sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của đảng bộ chính quyền hệ thống giao thông đã được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đến nay, tất cả các tuyến đường có chiều rộng nền đường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Đường liên xã, trục xã, thôn xóm đều được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tiêu chuẩn NTM. Tất cả các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện lòng đường không bị lấn chiếm; lề đường, vỉa hè không bị che khuất tầm nhìn; công tác duy tu, bảo trì được thực hiện thường xuyên.
Về hệ thống lưới điện, do được xây dựng từ những năm 1980 bằng nguồn vốn của xã và nhân dân đóng góp, nên hệ thống lưới điện đã bị xuống cấp không đảm bảo công suất. Sau khi được ngành điện tiếp nhận, hệ thống lưới điện nông thôn huyện Nam Trực được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, phủ khắp các địa bàn dân cư nông thôn, nối liền trung tâm hành chính huyện đến các xã được bố trí dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện khai thác tiềm năng sử dụng đất đai và phát triển kinh tế. Năm 2011 toàn huyện có 168 trạm biến áp, năm 2018 có 297 trạm tăng 129 trạm so với năm 2011 đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, an toàn cho sản xuất và kinh doanh; 100% số xã đều có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%.
Về lĩnh vực giáo dục, Nam Trực là đơn vị đi đầu sớm nhất cả nước trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia (Tiểu học Nam Đào công nhận năm 1997; Mầm non Nam Thành công nhận năm 2002; THCS Nam Hồng công nhận năm 2002) nhưng sau nhiều năm cơ sở vật chất các nhà trường đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ. Sau 8 năm triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới, cơ sở vật chất giáo dục huyện Nam Trực đã thay đổi toàn diện, đã có 13 ngôi trường được xây dựng mới hoàn toàn, 459 phòng học, phòng chức năng được xây mới và đưa vảo sử dụng. Tính trong 3 năm từ năm 2016 đến hết năm 2018 ngành giáo dục đã bổ sung 56.900 m2 đất vào quỹ đất các nhà trường theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia và 100% các nhà trường trên địa bàn huyện đã có quy hoạch mặt bằng chi tiết được UBND huyện phê duyệt phục vụ cho công tác xây dựng cơ sở vật chất và quản lý đầu tư. Đã có 38 trường học được công nhận trường chuẩn quốc gia lần đầu (Mầm non: 22 trường, THCS: 16 trường), 27 trường công nhận chuẩn lại đúng thời hạn, 17 trường Tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 48 trường học được công nhận trường Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn, nâng tỷ lệ trường chuẩn trên toàn huyện lên 100%.
Trường THPT Lý Tự Trọng, nằm trên địa bàn Thôn Nội, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực - Ngôi trường có bề dày lịch sử, truyền thống dạy tốt – học tốt. |
Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ. Chủ trương vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” cùng với các phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá”, “Đơn vị cơ quan có nếp sống văn hoá” được phát động, triển khai sâu rộng và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, khơi dậy trong cộng đồng tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới. Hoạt động thu gom rác thải, làm vệ sinh môi trường nông thôn với sự tham gia của cộng đồng ở tất cả các đơn vị được tổ chức tốt, toàn bộ các xã, thị trấn đều có các Tổ, Đội thu gom rác, có khu xử lý rác thải tập trung, 11 xã đã đưa công nghệ đốt rác vào xử lý; Phong trào “Ngày chủ nhật xanh” được duy trì thường xuyên trên địa bàn toàn huyện. Chương trình nước sạch cho nông thôn đã được triển khai tích cực, hiệu quả, đảm bảo cho các hộ dân được sử dụng nước sạch.
Chặng đường 8 năm xây dựng NTM của huyện Nam Trực đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Xây dựng NTM không chỉ là giai đoạn 8 năm mà trong giai đoạn tới, huyện Nam Trực vẫn sẽ hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, tiếp tục đột phá, sáng tạo những cách làm và hướng đi mới, nhằm nâng cao đời sống chất lượng của toàn dân.