Năm của những sự kiện “thót tim”

(PLO) - 2018 là năm thế giới khá căng thăng, với những cuộc khủng hoảng, biểu tình và xung đột thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, nhiều điểm sáng như các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến Triều Tiên cũng đã được tổ chức, nhen nhóm hy vọng về khả năng những bế tắc lâu nay của thế giới có thể được tháo gỡ trong thời gian tới.

Dưới đây là một số sự kiện có thể nói là nổi bật của thế giới trong năm 2018: 

1.  Tổng thống Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại: Tháng 1/2018, Chính phủ Mỹ áp đặt thuế lên các mặt hàng máy giặt và tấm năng lượng mặt trời. Đến tháng 3, Mỹ có những bước tiến lớn hơn trong việc đánh thuế, khi áp  đặt các khoản thuế lên mặt hàng nhôm và thép của các nước được xác định là đồng minh và cả đối thủ với lý do an ninh quốc gia. Tổng thống Donald Trump sau đó đã quyết định áp thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD trước khi nâng tổng giá trị hàng Trung Quốc bị tăng thuế lên thành 250 tỉ USD. Dù ông Trump tuyên bố “Chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng”, nhưng việc áp thuế do ông khởi xướng đến cuối năm 2018 đã ảnh hưởng đáng kể đến người Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ bị mất điểm, thâm hụt thương mại của nước này ngày càng lớn và các đối tác thương mại của Mỹ cũng đã áp thuế trả đũa với nước này, khiến nông dân Mỹ mất thị trường xuất khẩu và một số nhà sản xuất đã phải cắt giảm bớt nhân công vì chi phí đầu vào tăng cao. 

Việc áp thuế của ông Trump cộng với việc ông liên tục đề cập đến Liên minh Châu Âu (EU) như kẻ thù cũng như việc ông đe dọa sẽ áp thuế với mặt hàng ô tô nhập khẩu khiến nhiều người châu Âu thậm chí lo ngại về khả năng mối quan hệ xuyên đại dương giữa hai bên sẽ thay đổi. Song, cũng có dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ đang nghĩ lại về việc kích động chiến tranh thương mại trên nhiều mặt trận. Hồi tháng 7, ông Trump đã đạt được thỏa thuận với EU về việc hoãn áp đặt thêm các khoản thuế bổ sung nhằm vào nhau trong khi hai bên tiến hành các cuộc đàm phán về thương mại mới. Tiếp đó, đến tháng 11, ông cũng đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày với Trung Quốc.

Năm của những sự kiện “thót tim” ảnh 1
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thu hút sự chú ý toàn thế giới suốt năm 2018

2. Phương Tây suy yếu: Trong năm 2018, các nước phương Tây liên tục đối mặt với các vấn đề trong nước, khiến họ khó có thể có thời gian để ý đến những vấn đề bên ngoài. Tại Anh, những hi vọng rằng London có thể dàn xếp một cuộc ly hôn khỏi EU một cách êm thấm đã tắt ngúm. Dù hai bên đã đạt được thỏa thuận nhưng Thủ tướng Anh Theresa May  đã không thể thuyết phục được Hạ viện thông qua thỏa thuận. Cho đến nay không ai có thể chắc được rằng Anh sẽ đạt được một thỏa thuận Brexit cứng, thỏa thuận Brexit mềm hay không đạt được thỏa thuận. 

Còn ở Pháp, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron  đã xuống thấp kỷ lục sau phong trào biểu tình của những người áo vàng. Việc một số cuộc biểu tình đã trở thành bạo lực đã khiến ông Macron phải hủy bỏ một số kế hoạch tham vọng nhằm cải cách nền kinh tế Pháp. 

Năm của những sự kiện “thót tim” ảnh 2
Phong trào biểu tình của những người áo vàng khiến nước Pháp lao đao thời gian dài.

Ở Nam Âu, cử tri Italia đã bầu một liên minh dân túy lên nắm quyền và chính phủ mới này hiện đang đấu tranh với EU về dự thảo ngân sách vi phạm các quy định của EU. Ngay cả tại Đức, tình hình trong nước này cũng rơi vào hỗn loạn. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từ chức Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo sau khi đảng này mất ghế tại một số bang quan trọng.

3. Bán đảo Triều Tiên có nhiều tiến triển tích cực: Ngày 12/6/2018, cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa lãnh đạo đương nhiệm Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra tại Singapore. Diễn ra sau một năm căng thẳng vì những đe dọa lẫn nhau, tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo, nhưng không đề ra thời gian biểu cụ thể. Sau hội nghị, Mỹ chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, trong khi Triều Tiên đồng ý trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh và phá dỡ một số cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa.   

Năm của những sự kiện “thót tim” ảnh 3
Ngày 12/6/2018, cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa lãnh đạo đương nhiệm Mỹ và Triều Tiên đã diễn ra tại Singapore

Quan hệ liên Triều trong năm qua cũng có những bước ngoặt lịch sử với việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 4 đã lần đầu tiên gặp nhau tại Khu phi quân sự giữa hai nước. Đến tháng 5, ông Moon và ông Kim bất ngờ có cuộc gặp thứ hai trước khi hai bên có thêm một cuộc gặp vào tháng 9.

4. Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran: Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện lời cam kết được đưa ra từ khi tranh cử, theo đó rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc với Iran có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với lý do đó là một thỏa thuận một chiều, lẽ ra không bao giờ nên được ký kết. Ông Trump đã đưa ra quyết định này bất chấp những phản đối từ các cố vấn và một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ.   

Lãnh đạo Anh, Pháp và Đức thậm chí đã bay tới Mỹ để vận động Mỹ tiếp tục duy trì thỏa thuận. Hiện, Iran vẫn thực hiện thỏa thuận và các bên khác ký kết thỏa thuận cũng đang tìm các biện pháp để giúp Tehran giảm nhẹ những áp lực kinh tế từ Mỹ. Liệu họ có thành công hay không và Iran có rời khỏi thỏa thuận hay không vẫn đang là những câu hỏi để ngỏ.

5. Vụ sát hại nhà Jamal Khashoggi: Ngày 2/10/2018, nhà báo người Ả rập Xê-út của tờ Washington Post Jamal Khashoggi không trở ra sau khi đi vào lãnh sự quán Ả rập Xê-út tại Thổ Nhĩ Kỳ. Giới thức Ả rập Xê-út đã đưa ra nhiều câu chuyện khác nhau về những sự kiện đã xảy ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc không liên quan đến Mỹ vì ông Khashoggi không phải là công dân Mỹ. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ không nghĩ vậy, đặc biệt là sau khi CIA kết luận rằng Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman đã ra lệnh sát hại nhà báo. Vụ việc đã khiến Mỹ, Pháp, Đức đã áp các lệnh trừng phạt với những nhân vật ở Ả rập Xê-út bị nghi ngờ liên quan đến sự việc. Song, chính quyền của ông Trump đã bác bỏ kết luận này và liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Riyadh, đặc biệt là các thương vụ mua bán vũ khí giữa hai nước. 

Năm của những sự kiện “thót tim” ảnh 4
Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi khiến dư luận thế giới phẫn nộ

6. Phong trào MeToo lan ra toàn cầu: Phong trào MeToo rộ lên ở Mỹ từ năm 2017, sau những cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại nhà sản xuất phim Hollywood Harvey Weinstein. Năm 2018, phong trào này đã lan ra toàn cầu khi đã có hàng triệu người đứng lên chia sẻ câu chuyện của họ.  

Tại nhiều nước trên thế giới, phong trào MeToo đã vạch trần những nhân vật có quyền lực và cả người bình thường có hành vi lạm dụng và quấy rối tình dục người khác. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu phong trào này có đưa đến những thay đổi thực sự hay không. Để đạt được điều đó, Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và quan trọng nhất là mọi người đều cần phải thay đổi.

Năm của những sự kiện “thót tim” ảnh 5

7. Ethiopia ký thỏa thuận hòa bình với Eritrea: Một điểm sáng khác nổi lên trong năm qua có thể kể đến là vào tháng 6/2018, Thủ tướng mới của Ethiopia Abiy Ahmed bất ngờ thông báo sẽ chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Eritrea sau khi Ethiopia và Eritrea vào năm 2000 đã kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài suốt 12 năm với gần 8.000 người thiệt mạng. 

Đến tháng 7/2018, ông Ahmad đã tới Asmara để gặp Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki và ký thỏa thuận hòa bình. Cả hai nước đến nay đã mở lại đại sứ quán tại thủ đô của nhau, nối lại các chuyến bay thương mại và bắt đầu phi quân sự hóa khu vực biên giới chung. 

Cùng với thỏa thuận hòa bình, ông Ahmed cũng đã bắt tay vào thực hiện một số cải cách quan trọng trong nước, chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở đất nước được nhiều người ví là Triều Tiên của châu Phi. Eritrea đã ký các thỏa thuận hòa bình với Somalia và Djibouti nhằm chấm dứt tranh chấp biên giới kéo dài với hai nước này. Đáp lại, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí Eritrea. Những động thái này đã khiến nhiều người lạc quan tin rằng hòa bình ở khu vực Sừng châu Phi sẽ sớm đạt được, từ đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực này.

Ngoài ra, trong số những sự kiện đáng chú ý khác của năm 2018 có thể kể đến việc Bộ Quốc phòng Mỹ trong Chiến lược an ninh quốc gia công bố tháng 1/2018 xác định cạnh tranh cường quốc chứ không phải chủ nghĩa khủng bố là trọng tâm chính với an ninh quốc gia Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 3 đã công bố kho vũ khí mới, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tháng 5, Mỹ mở đại sứ quán tại Jerusalem. Tháng 10, Mỹ thông báo với Nga ý định rút khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm ngắn. Tháng 11, Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu và các thủy thủ của Ukraine với cáo buộc xâm nhập trái phép lãnh hải Nga. Tháng 12, Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện Xuyên  Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực... 

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.