Những chàng trai, cô gái vàng, họ là ai?
Nguyễn Thị Thu Nga là nữ sinh có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt nhưng em đã vươn lên trong học tập, xuất sắc đoạt giải tại Olympic Sinh học quốc tế năm 2020. Em lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), bố Nga mất sớm vì đột quỵ, một mình mẹ Nga tần tảo nuôi ba con ăn học và phụng dưỡng mẹ già.
Với đồng lương công nhân ít ỏi, khoảng 4 triệu đồng/tháng, mấy mẹ con rau cháo, ở trong căn nhà cấp 4 trống tuềnh toàng, bếp lợp tôn phải cúi người mới vào được. Nga luôn nhủ mình phải cố gắng học tập, với mong muốn thay đổi cuộc sống thực tại. Vừa tranh thủ giúp mẹ việc đồng áng kiếm thêm thu nhập, Nga vừa tự mày mò, học hỏi và nhiều năm đều là học sinh giỏi, xuất sắc.
Năm học lớp 9, em xuất sắc đoạt giải Nhất thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học. Với thành tích này, Nga được tuyển thẳng vào Trường THPT Chuyên Hùng Vương, ngôi trường tốt nhất ở Phú Thọ để bồi dưỡng cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt.
Tại kỳ thi Olympic Sinh học 2020, Nguyễn Thị Thu Nga khi đó mới là học sinh lớp 11 đã giành được bằng khen tương đương với giải khuyến khích. Chia sẻ sau khi được vinh danh, Nga nói đây là món quà dành cho mẹ, người đã vất vả bao năm để chăm sóc và nuôi dưỡng ước mơ cho những đứa con.
Trong câu chuyện của Nguyễn Thị Thu Nga, có hai người phụ nữ mà em gọi là mẹ - mẹ Phượng và mẹ Hạnh. Không phải là người sinh ra và nuôi nấng Nga từ tấm bé, nhưng cô Vũ Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương là người phát hiện ra tố chất đặc biệt của Nga và luôn bên em từ khi xa mẹ lên trường chuyên.
Ngày đó, Nga đoạt giải Nhất toàn tỉnh môn Sinh, được tuyển vào trường chuyên tốt nhất của tỉnh, nhưng trong ngày nhập học thầy cô lại không thấy em đến. Cô Hạnh lặn lội về tận quê của Nga ở Lâm Thao, tìm đến trường THCS nơi em học. Khi được biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể lên học trường chuyên, vì phải mất tiền trọ ăn học (nhà Nga cách trường hơn 20km), cô Hạnh thương lắm.
Vốn là mẹ đơn thân vì chồng mất sớm, đang một mình nuôi 2 con, nên cô đồng cảm với hoàn cảnh của mẹ con Nga và thuyết phục em chuyển về nhà cô ở, để tiện theo học tại Trường Chuyên Hùng Vương. “Khi gặp Nga, tôi nói với em là “cứ về ở với cô”. Thế là gần 2 năm qua, tôi có thêm một đứa con.
Những thành tích hôm nay Nga đạt được, cũng đều có ghi dấu ấn của mẹ Hạnh, khi đã cùng em trải qua những ngày ôn luyện 10 tiếng/ngày. Nói về tương lai, Nga cho biết mình sẽ theo học Trường ĐH Y Hà Nội, hiện em cũng đủ điều kiện để được tuyển thẳng vào trường.
Nga mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi để hiện thực hóa ước mơ chữa bệnh cho mọi người, trong đó có bệnh đau dạ dày của mẹ và bệnh đau đầu của cô giáo, hai người mẹ đã đưa em chạm tới những khát vọng bởi tình yêu, lòng trắc ẩn, tình thầy trò rưng rưng, trân quý...
Đó là Bùi Hồng Đức, lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) sở hữu 3 huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế và khu vực nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Khoảnh khắc được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đeo Huân chương Lao động hạng Nhất lên trên ngực áo, cậu học trò Bùi Hồng Đức đã nín thở vì vừa hồi hộp, vừa vui mừng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bùi Hồng Đức đang sở hữu 3 tấm huy chương Vàng Tin học (2 huy chương Vàng Olympic quốc tế năm 2019, 2020; 1 huy chương Vàng Olympic châu Á năm 2020, là một trong những thí sinh lập kỷ lục với số lượng huy chương Olympic.
Trước khi trở thành “chàng trai vàng” Tin học, Bùi Hồng Đức từng rất “nổi tiếng” với những thành tích đặc biệt ở môn Toán. Học cấp 2 tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Đức thường xuyên tham gia vào các đội tuyển dự thi giải quốc gia, quốc tế.
Trong bảng dài những thành tích Toán học của Đức có huy chương Vàng với điểm số cao nhất trong kỳ thi Toán học trẻ quốc tế tại Trung Quốc năm 2015; huy chương Bạch Kim trong kỳ thi Olympic Toán học châu Á - Thái Bình Dương năm 2014...
Đến lớp 9, khả năng của Đức bộc lộ rõ hơn với niềm đam mê Tin học, em giành giải Nhất kỳ thi Tin học Thành phố và được tuyển thẳng vào lớp chuyên Tin- Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Học THPT, em tiếp tục chinh phục giải Nhất kỳ thi Tin học quốc gia và chỉ một năm sau em cùng đồng đội xuất sắc chinh phục đấu trường Olympic quốc tế với tấm huy chương Vàng.
Chia sẻ về học tập, Đức cho rằng, khi bản thân đã có mục tiêu thì nhất định em sẽ quyết tâm đạt bằng được. Phần lớn thời gian em thường tự học, tự nghiên cứu qua sách vở và Internet. Em có thể ngồi học quên cả thời gian.
Ngoài đam mê Tin học, Đức còn đặc biệt yêu thích tiếng Anh. Nhờ giỏi ngoại ngữ, em có thể tra cứu, khám phá nhiều nguồn kiến thức mới của thế giới. Bên cạnh những giờ học căng thẳng, Hồng Đức thường tập luyện các môn thể thao như cầu lông, dạo bộ để giải tỏa căng thẳng và có thêm sức khỏe.
Với thành công ở các lần thi Olympic, Hồng Đức cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu để theo đuổi, chinh phục niềm đam mê bộ môn Tin học. Đặc biệt, em sẽ theo học ngành công nghệ thông tin của một trường đại học uy tín để viết tiếp ước mơ của bản thân…
“Đất nước đặt niềm tin vào các cháu”
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh Việt Nam vẫn được tạo điều kiện để tham gia các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế. Theo đó, 100% học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020 đều đoạt giải, với 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen; tất cả các đoàn dự thi đều có thí sinh đoạt Huy chương Vàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam luôn thể hiện truyền thống hiếu học, trọng dụng nhân tài… Thủ tướng bày tỏ xúc động khi được biết trong số học sinh đoạt giải lần này, nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng đã nỗ lực vượt khó vươn lên để giành thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic.
“Các cháu thật sự xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục, mang về niềm vinh dự, tự hào cho gia đình, nhà trường và đất nước”. Những thành tích này đã góp phần làm rạng danh cho đất nước và dân tộc chúng ta, minh chứng thêm rằng người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự phát triển và trường tồn.
Năm 2020, một năm đặc biệt khó khăn với cả thế giới và Việt Nam trước đại dịch Covid-19, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là ngành Giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và các cháu học sinh, sinh viên vẫn đạt được thành tựu nổi bật. Học sinh Việt Nam tiếp tục tham dự Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo hình thức trực tuyến và đều đạt thành tích đặc biệt xuất sắc.
“Chất lượng vốn con người của chúng ta trong tương lai chính là thế hệ các cháu. Cha mẹ các cháu đã dành niềm tin vào các cháu. Đất nước này đã đặt niềm tin vào thế hệ các cháu! Việt Nam chúng ta có thể cạnh tranh, tranh đua được các nước trên thế giới được hay không chính là bản lĩnh, khí chất của các cháu!”.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các thế hệ thầy giáo, cô giáo giảng dạy tại các trường chuyên trong cả nước trong nhiều thập niên đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.
Hàng trăm tấm huy chương mà các học sinh mang về cho Tổ quốc, hàng ngàn nhà khoa học tài năng của Việt Nam nguyên là học sinh của các trường chuyên đang làm việc trong và ngoài nước chính là sự ghi nhận thành tích của các trường, các thầy giáo, cô giáo trong gần 50 năm qua.
Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục tập trung khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục để đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng, khả năng sáng tạo, làm chủ bản thân để lập nghiệp; phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Đồng thời, quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên, lớp chọn phù hợp, hiệu quả để ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tương lai đất nước…