Lãi suất huy động “rơi thẳng đứng”
Tại cuộc họp báo “Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024” mới đây, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2023, với việc liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, đã tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, hiện tại thị trường 1, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện đang rất thấp ở mức 0,2 - 0,5%, tạo điều kiện rất tốt để các NHTM có dư địa cho vay với lãi suất thấp. Ở thị trường 2, hiện lãi suất huy động bình quân của các NHTM áp dụng với các giao dịch mới phát sinh chỉ khoảng 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022. “Có thể nói, cả lãi suất huy động lẫn cho vay tại các NHTM trong ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch COVID-19” - ông Quang nói.
Diễn biến thị trường cho thấy, từ cuối năm 2022 đến cuối năm 2023, đầu năm 2024, lãi suất huy động gần như “rơi thẳng đứng”. Từ chỗ các ngân hàng huy động kỳ hạn từ 12 tháng ở mức lãi suất lên tới gần 10%/năm, thì đến cuối năm 2023 đã giảm về mức 5%, thậm chí có ngân hàng chỉ huy động ở mức 4,8%/năm.
Tại các ngân hàng được biết đến là ngân hàng thường có mức huy động cao như tại BacABank, lãi suất tiền gửi 1 tháng là 3,5%/năm, 6 tháng chỉ còn 4,9%/năm, 12 tháng là 5,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 5,6%/năm đối với kỳ hạn 18 - 24 - 36 tháng. Hay như tại HDBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 5,3%/năm, tuy nhiên lãi suất 11 tháng chỉ là 5,1%/năm, 12 tháng là 5,5% /năm và 8%/năm đối với tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên. Mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 8,4%/năm kỳ hạn 13 tháng đối với khoản tiền gửi trên 300 tỷ đồng/năm…
Tại các ngân hàng nhà nước, lãi suất huy động còn thấp hơn đáng kể. Đơn cử, tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng chỉ là 3,2%/năm, mức cao nhất là 4,8%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Vietcombank cũng là ngân hàng đang giữ kỷ lục lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thấp nhất. “Kỷ lục” này đã liên tục bị chính ngân hàng phá vỡ chỉ trong vòng 1 tháng từ mức 2,4 xuống 2,2 và hiện nay là 1,9%/năm.
Còn “độ trễ” giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, nếu như thời điểm đầu năm 2023, lãi suất là câu chuyện rất gay gắt nhưng đến giai đoạn nửa cuối năm, các NHTM đã có ý thức rất cao trong vấn đề giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân. Đến thời điểm này, lãi suất cho vay đang xuống mức rất thấp, bao gồm cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, kể cả lĩnh vực ưu tiên và không ưu tiên: “Mặt bằng lãi suất chung đã giảm như theo đánh giá của báo chí và chúng tôi cũng thấy hợp lý là xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, nhiều NHTM cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa…” - lãnh đạo NHNN nói.
Trả lời câu hỏi của PLVN về việc bao giờ rút ngắn khoảng cách giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, có đến 80% nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, chỉ 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng nằm ở trung và dài hạn. “Các ngân hàng cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất huy động trung và dài hạn 12 tháng hoặc 24 tháng cộng với biên độ, dẫn đến kỳ điều chỉnh lãi suất cho vay trung dài hạn có độ trễ rất xa so với lãi suất huy động” - ông Quang giải thích.
Trong khi đó, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú giải thích, hiện tại còn rơi rớt lại những khoản lãi suất cao là của những kỳ hạn trước đây do khi đó NHTM huy động với lãi suất cao. “Nhưng chắc chắn đến năm 2024 sẽ không còn duy trì được mức này nữa” - ông Tú nhấn mạnh.
Về định hướng điều hành, theo ông Đào Minh Tú, hiện lãi suất cho vay bình quân của các NHTM đã rơi xuống mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây và nhiều ngân hàng cho biết sẽ khó điều chỉnh giảm thêm nữa. “Về phía NHNN, NHNN khẳng định không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Chúng tôi khuyến khích các NHTM cần nỗ lực cắt giảm chi phí để có thêm dự địa giảm lãi suất, nhưng nếu không giảm được nữa thì cũng không tính đến việc tăng lãi suất cho vay trong năm 2024” - ông Tú nhấn mạnh.